“Từ 13 tuổi, tôi đã biết chơi các loại nhạc cụ của quê mình. Rồi mày mò chế tác các nhạc cụ cho đến tận bây giờ, khi đã trên 70 tuổi, chế tác nhạc cụ vẫn là niềm đam mê”, nghệ nhân Ama H’Loan ở phường Tân Lợi, TP Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk chia sẻ. Thời của ông, hầu như ai cũng biết chơi và tự làm những chiếc nhạc cụ bằng tre nứa cho thỏa nỗi đam mê. Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, số người biết chơi nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên đã ít hơn trước và người biết chế tác cũng chỉ còn vài nghệ nhân cao tuổi ở rải rác các buôn làng. Bởi lẽ những chiếc nhạc cụ bằng tre nứa như đàn t’rưng, đing năm, đing buốt, goong kram, mơ buốt... đòi hỏi người làm phải thật sự yêu thích từ việc sơ chế nguyên liệu, cho đến việc tỉ mẩn chuốt từng chiếc lưỡi gà bé xíu (thanh rung bên trong của ống sáo).

Điều đáng buồn hơn là các nhạc cụ của vùng đất này đang mất dần đất diễn. Già làng K’Măng ở buôn N’jiriêng, xã Đắc Nia, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông bày tỏ: có đến cả năm, già mới được biểu diễn kèn mơ buốt. Nếu không có những ngày hội thì bình thường chả mấy khi già có dịp được khoe tài. Người trẻ ở Tây Nguyên bây giờ không còn thích nghe mơ buốt nữa. Ngày trước kèn mơ buốt được chơi ở khắp nơi. Thanh niên trai tráng thì chơi kèn trong thôn để trai gái múa hát, đưa tình với nhau. Có vợ có chồng rồi thì chơi kèn để ru con, dỗ con. Buổi sáng còn thổi kèn đánh thức cả nhà bằng những bài hát khác nhau, thổi thức 4 giờ khác với thổi thức 5 giờ...
Và không chỉ tiếng kèn mơ buốt mà các loại nhạc cụ truyền thống khác như cồng chiêng, đàn t’rưng, đinh pách, chiêng tre, đinh năm, sáo đinh buốt... không còn sống trong đời sống hằng ngày, gắn bó thiết thân với bà con như những ngày xưa nữa. Các nhạc cụ này chỉ còn được sử dụng trong các ngày hội văn hóa, chủ yếu là trên sân khấu và mang tính trình diễn. Ngày hội Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội mới đây cũng chỉ có một số ít là các nghệ nhân lớn tuổi còn biết chế tác và chơi nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên được mời ra biểu diễn. Thế hệ trẻ không còn tự hào và say sưa với các nhạc cụ dân tộc truyền thống. Y Thim Byă, người dân tộc Êđê ở Đăk Lăk, được đào tạo bài bản về nhạc cụ dân tộc tại trường Nghệ thuật quân đội ở Hà Nội nhưng cũng không chọn nghệ thuật dân tộc làm sự nghiệp của mình. Hỏi tại sao thì Y Thim nói là không còn thích nữa. Vốn liếng học được giờ chỉ dùng để biểu diễn ở khách sạn và khu du lịch của gia đình. Văn hóa dân tộc cũng chỉ đem phô diễn, giới thiệu cùng người khác như một thứ đặc sản của Tây Nguyên chứ mạch nguồn sự sống của nó đang mất mát dần từ sự thờ ơ của những người trẻ tuổi.
Nghệ nhân Y K’rang người dân tộc M’nông ở buôn Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’lấp, Đăk Nông lo lắng: lớp trẻ bây giờ, việc hiểu các bài ca, điệu múa đã khó, nói chi đến chuyện biểu diễn. Muốn biểu diễn được thì phải hiểu, thuộc các bài chiêng, các bài hát dân ca… Mặt khác, nhạc cụ truyền thống đang mai một dần đi. Số ít nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ hiện cũng chỉ làm bằng đam mê như hoài niệm một thời. Nghề chế tác nhạc cụ truyền thống khó đem đến cho họ một cuộc sống no đủ. Nghệ nhân Ama H’Loan ở Buôn Mê Thuột chia sẻ, để hoàn thiện một chiếc sáo mất khoảng 3 ngày, và có thể bán được 500 - 600 ngàn đồng song cũng chỉ dám làm theo đơn đặt hàng của bà con trong vùng hoặc khu du lịch.
Những nghi lễ, lễ hội đặc sắc như: trưởng thành, bỏ mả, cúng bến nước, mừng lúa mới, nhà mới, lễ rước Kpan... đang bị giản lược, sân khấu hóa - những nhạc cụ truyền thống độc đáo đang bị mai một, thưa vắng dần trong đời sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Một nhà nghiên cứu văn hóa đã phải thốt lên rằng: “Có một thực thể văn hóa đang mất đi từng ngày, trong cuộc vật lộn văn hóa dữ dội đang diễn ra ở Tây Nguyên”.
Văn hóa là cái còn lại sau khi đã quên hết, ta cố giữ lấy cái gì còn lại đó. Nhạc cụ truyền thống góp phần tạo lập nên giá trị bản sắc văn hóa Tây Nguyên - hãy bảo tồn và lưu giữ nó…