Madiba đã ra đi
Ngày 5.12.2013, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã qua đời. Madiba (tạm dịch là Già làng) đáng kính của người Nam Phi và thế giới đã thanh thản ra đi trong vòng tay người thân, thọ 95 tuổi.
![]() Nelson Mandela giơ cao nắm tay khi được phóng thích – Hình ảnh đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc |
Tin lãnh tụ Mandela qua đời được Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma thông báo qua truyền hình: “Đất nước Nam Phi vừa mất đi người cha. Mặc dù chúng ta biết ngày này sẽ tới, không gì có thể làm thuyên giảm nỗi mất mát sâu sắc và dai dẳng của chúng ta.” Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã mặc niệm trong phiên họp để tỏ lòng thương tiếc. Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ Barack Obama cho biết đã được “truyền lửa” từ cuộc đời của Mandela: “Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ áp dụng những gì mà tôi đã học được từ ông”. Quanh tư gia của Mandela tại Johanesburg, nhiều người dân đã tập trung lại để hát những bài hát ca ngợi người lãnh tụ quá cố. Tổng thống Nam Phi đã yêu cầu toàn quốc treo cờ rủ cho đến hết quốc tang. Cờ rủ cũng được treo tại trụ sở các cơ quan chính quyền Mỹ và phủ Thủ tướng Anh ở London.
Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18.7.1918. Ông là người thuộc hoàng tộc Thembu ở Transkei. Ông từng theo học mỹ thuật tại đại học Fort Hare, trường dành cho tầng lớp quý tộc da đen. Năm 1940, ông bị tạm đình chỉ học do tham gia một phong trào sinh viên. Những năm tiếp đó, ông chuyển sang học luật, rồi tham gia Đại hội dân tộc châu Phi (ANC). Chính trong thời gian này, Mandela nhận thức rằng chỉ có đấu tranh vũ trang mới đem lại xã hội công bằng. Mandela là một trong những người sáng lập nhánh vũ trang của ANC - Ngọn giáo của dân tộc năm 1961. Ông đã đi qua nhiều nước châu Phi, học tập về chiến tranh du kích và tìm kiếm sự ủng hộ cho ANC.
Trở về nước năm 1962, ông bị bắt và bị kết án 5 năm tù vì tội kích động đình công và vượt biên bất hợp pháp. Năm 1963, chính quyền lùng bắt một loạt những người đồng chí của Mandela ở ANC và đưa cả ông ra xét xử. Tại Phiên tòa Rivonia năm 1963, ông bị kết án chung thân vì tội phá hoại và âm mưu lật đổ chính quyền. 27 năm sau, dưới áp lực cả trong và ngoài nước, ông mới được Tổng thống Frederik Willem de Klerk – người sau này cùng ông chia sẻ giải Nobel Hòa bình vào năm 1993 – ký lệnh trả tự do vào tháng 2.1990. Hàng triệu người trên thế giới đã theo dõi sự kiện Mandela được phóng thích khỏi nhà tù Victor Verster ngày 11.2.1990 qua truyền hình.
Mandela đã dẫn dắt tiến trình hòa giải dân tộc giữa ANC và Chính phủ tiến tới cuộc bầu cử toàn dân vào ngày 27.4.1994. Mặc dù cuộc bầu cử bị phủ bóng đen của bạo lực, ông Mandela vẫn kiên trì triển khai chiến dịch tranh cử trên khắp đất nước, cổ vũ những người da đen và trấn an những người da trắng rằng tất cả đều có chỗ trong đất nước Nam Phi mới. Ông tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 10.5.1994. Đường lối xuyên suốt thời kỳ cầm quyền của Mandela là hòa giải và hàn gắn. Ông đã xuất hiện để cổ vũ cho đội Nam Phi trong trận chung kết cúp rugby Thế giới năm 1995. Ở Nam Phi, Rugby vốn được coi là môn thể thao chỉ dành cho người da trắng. Hành động này được xem là bước tiến lịch sử của sự hòa giải dân tộc giữa người da trắng và da đen. Mandela chính là người thành lập Ủy ban Sự thật và hòa giải dân tộc, với nhiệm vụ điều tra các vụ án phân biệt chủng tộc ở cả 2 bên. Ủy ban này đã trở thành hình mẫu cho mọi quốc gia từng có nội chiến và xung đột sắc tộc. Năm 1999, ông tuyên bố rút lui khỏi chính trường. Ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nhân đạo, tuyên truyền phòng chống đại dịch HIV/AIDS cho tới tận năm 2004, khi bệnh tật buộc ông nhập viện. Lần cuối cùng Mandela xuất hiện trước công chúng là năm 2010, với tư cách cổ động viên trong trận chung kết cúp bóng đá thế giới tổ chức tại Nam Phi.
Thành tựu lớn nhất của Mandela chính là đặt nền móng cho một Nam Phi dân chủ và bình đẳng. Bên cạnh trí tuệ vô song, chính ý chí đã giúp Madela vượt qua những thử thách ngặt nghèo nhất. Khi lãnh tụ da màu Chris Hani bị ám sát bởi một người da trắng năm 1993, Nam Phi đứng bên bờ nội chiến. Mandela đã thành công trong việc bước trên ranh giới mong manh: vừa cho những người da đen thấy ông không hề thỏa hiệp với kẻ thù, vừa tỏ rõ cho người da trắng ông không muốn báo thù. Nhiều người đặt câu hỏi: Sao ông có thể làm được điều đó, cũng như làm sao ông có thể dùng trà với những người từng ra lệnh tống giam mình? Trả lời phỏng vấn năm 2007, ông cho biết: “Hận thù che mờ lý trí... Người lãnh đạo không có quyền thù hận.” Ý chí mạnh mẽ và niềm tin sắt đá vào lý tưởng không cho phép ông sa vào những cảm xúc nhất thời. Cũng như quyết định nghỉ hưu vào năm 1999 khi vừa mới hoàn thành nhiệm kỳ đầu tiên đã làm tất thảy kinh ngạc. Bởi Mandela hiểu rằng mỗi điều mình làm sẽ trở thành tấm gương cho người kế nhiệm. Ông có thể là Tổng thống cả đời, nhưng ông đã không làm thế. Ông chỉ muốn được nhớ đến như “một người con Nam Phi bình thường, cùng với những người khác đã đóng góp một phần nhỏ bé cho đất nước”.
Trên tất cả những mỹ từ dành cho Mandela, khiến nhiều người nhớ về ông có lẽ lại là một điều giản dị: tinh thần lạc quan. Trong suốt 27 năm bị cầm tù, bất chấp việc bị đối xử như tù nhân hạng D (hạng thấp nhất), ông đã biến nhà tù thành “trường học của Mandela” – nơi truyền dạy lý tưởng và kiến thức cho những người cùng ở sau chấn song. Về đời sống cá nhân, Mandela không phải người hạnh phúc. Ông đã 2 lần ly hôn vì người bạn đời không chấp nhận lý tưởng ông theo đuổi. Là một người yêu trẻ con, ông hầu như không được nhìn con mình lớn lên, nhưng lại phải tận mắt chứng kiến chúng ra đi (con trai cả của ông mất vì bệnh AIDS). Ông nói ngắn gọn: “Cuộc chiến đó là cuộc sống của tôi”. Trong cuốn hồi ký Con đường dài tới tự do, ông viết: “Một phần của sự lạc quan đó là giữ cho đầu ngẩng cao về phía mặt trời và đôi chân luôn tiến về phía trước. Có rất nhiều khoảnh khắc mà lòng tin của tôi đối với con người bị thử thách nghiêm trọng, nhưng tôi không và không thể đầu hàng trước nỗi tuyệt vọng. Điều đó chỉ dẫn đến thất bại và cái chết.” Trong suốt những năm bệnh tật hành hạ, khi nói về cái chết, ông vẫn hài hước: “Việc đầu tiên khi tôi sang thế giới bên kia là tìm một văn phòng của ANC để khai báo lại tư cách thành viên.” Đối với ông, cái chết cũng là sự bình đẳng. “Người ta đến rồi người ta đi. Tôi đã ở đây, và sẽ ra đi khi đến lúc.” Và giờ ông đã ra đi, để lại “khoảng trống không thể lấp đầy” – lời Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan.