Macedonia – điểm nóng mới trong lòng châu Âu
Trong khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine rơi vào ngõ cụt, châu Âu đang đối mặt với một nguy cơ mới khi điểm nóng mới đang dần hiện hữu – Macedonia với các mâu thuẫn sắc tộc âm ỉ nhiều năm qua.
Tình hình tại nước cộng hòa vùng Balkans này trong những ngày qua trở nên đặc biệt nghiêm trọng với các cuộc đụng độ sắc tộc ở thị trấn miền Bắc Kumanovo đã cướp đi sinh mạng của 22 người, trong đó có 8 cảnh sát. Trước đó ba tuần, khoảng 40 người gốc Albania đến từ Kosovo đã chiếm được một trạm cảnh sát ở biên giới phía Bắc Macedonia và đòi thành lập nhà nước Albania tại Macedonia. Người gốc Albania hiện chiếm khoảng 1/4 dân số Macedonia.
Các Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Giao thông, cũng như người đứng đầu cơ quan tình báo của nước này đã từ chức sau các vụ việc trên. Trong khi đó, Văn phòng Công tố Macedonia cáo buộc 30 đối tượng tội danh khủng bố, phá hoại an ninh và trật tự hiến pháp, một số khác bị cáo buộc sở hữu vũ khí và chất nổ bất hợp pháp.
![]() | |
Cảnh sát Macedonia đang phải đối phó với hàng nghìn người biểu tình ở Thủ đô Skopje | Nguồn: Reuters |
Đánh giá về những diễn biến mới tại Macedonia, giới phân tích khu vực nhận định đất nước nhỏ bé ở Balkans này đang mấp mé bờ vực nội chiến. Trong khi Chính phủ coi các vụ việc tại Kumanovo là cuộc tấn công của “nhóm khủng bố nguy hiểm nhất ở Balkans” thì phe đối lập cáo buộc chính phủ tìm cách lái dư luận khỏi cuộc khủng hoảng Chính trị.
Kumanovo nằm cách biên giới giữa Macedonia với Serbia và tỉnh Kosovo (đã tự tuyên bố độc lập với đa số dân là người Albania) 10km. Nơi đây có đa phần người gốc Albania sinh sống. Chính tại đây năm 2001 đã nổ ra cuộc xung đột Macedonia - Albania. Cuộc xung đột kết thúc vài tháng sau đó bằng Thỏa thuận Ohrid và sự mở rộng đáng kể quyền của người Albania. Sự cố mới khiến người ta lại phải nói tới nguy cơ một cuộc nội chiến ở Macedonia. Đại bộ phận người Albania ở Macedonia không muốn bất ổn. Họ có khá nhiều quyền, đảng của họ có chân trong chính quyền. Tuy nhiên các “vị khách” chiến binh có thể trở thành ngòi nổ. Giám đốc Trung tâm Quan hệ liên sắc tộc Dusan Janjic cho rằng các cuộc tấn công khủng bố ở Macedonia sẽ tiếp tục. Hơn nữa, theo ông, đụng độ có thể lan sang miền Nam Serbia, nơi có người Albania sinh sống. Tham vọng chia tách tiềm ẩn lâu nay nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể nhanh chóng thổi bùng lên ngọn lửa bạo lực tại đây.
Có thể dễ thấy mối liên hệ giữa tình hình tại Macedonia với quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây hiện nay. Macedonia là một trong các nước thành viên tham gia dự án dẫn dầu “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” xuyên biển mới từ Nga sang châu Âu. Nga đang đặt rất nhiều hy vọng vào dự án khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này hồi tháng 12.2014 đã hủy dự án “Dòng chảy phương Nam” trị giá 40 tỷ USD do vấp phải sự phản đối của EU. Moscow ấp ủ hy vọng xây dựng “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (một đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu), với công suất tương tự “Dòng chảy phương Nam” vào cuối năm 2016. Rõ ràng, Mỹ và các đồng minh châu Âu không hài lòng với dự án này và không được hưởng lợi gì khi Macedonia trở thành cửa ngõ cho khí đốt Nga vào Balkans. Một trong các bước ngăn chặn là gây bất ổn tình hình trong nước. Ngay khi bạo loạn xảy ra tại Kumanovo, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng “lựa chọn của một số phong trào đối lập và tổ chức phi chính phủ (NGO), trong đó có những tổ chức thân phương Tây, ủng hộ logic đường phố và kịch bản lừng danh cách mạng màu, sẽ dẫn tới những hậu quả nguy hiểm”. Trong bối cảnh này, Macedonia có thể trở thành một vũ đài đối đầu mới giữa Nga và phương Tây.