Ma trận hàng giả, hàng nhái

- Chủ Nhật, 04/04/2021, 19:07 - Chia sẻ
Khi phương thức bán hàng online nở rộ thì một số cá nhân, tổ chức tận dụng sự quản lý còn lỏng lẻo trên nền tảng số để kinh doanh trốn thuế và nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái xảy ra nghiêm trọng, kéo dài, công khai, khó ngăn chặn bởi các thủ đoạn tinh vi.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất kho hàng có diện tích gần 1.000m2 của ông Trần Văn Bản (ở thôn Điềm Khê, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn) phát hiện chứa một lượng lớn các sản phẩm gia dụng, dân dụng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồng hồ... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm. Hay ngày 30.3, Tổ công tác 368 phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện hàng trăm mã hàng với hàng vạn sản phẩm đủ thể loại từ quần áo, giày dép, chăn gối đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sách truyện... đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hoặc là hàng nhập lậu được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội thông qua hình thức livestream. Tại Hà Nam, Đội Quản lý thị trường Số 1 - Cục Quản lý thị trường Hà Nam phối hợp Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh hực hiện kiểm tra đột xuất Xưởng sản xuất quần áo thuộc Doanh nghiệp tư nhân Sử Hằng, địa chỉ tại thôn Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, do ông Trần Trọng Sử là chủ cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang tổ chức sản xuất quần áo thời trang nam các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu “Adidas”, “Nike”, “Lacoste”, “Burberry” đang được bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Chủ cơ sở không xuất trình được hợp đồng gia công và hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Triệt phá kho hàng giả, hàng nhái với diện tích khoảng 1.000m2 tại Ninh Bình
Triệt phá kho hàng giả, hàng nhái với diện tích khoảng 1.000m2 tại Ninh Bình.

Việc liên tiếp phát hiện và kiểm tra triệt phá nhiều kho có chứa hàng giả, hàng nhái quy mô lớn tại Ninh Bình hay ở Hà Nội, Hà Nam... vừa qua có thể cho thấy bề nổi của tảng băng chìm của việc sử dụng nền tảng số để kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó cũng có không ít các kho lưu động nhỏ lẻ thường chọn chỗ kín đáo, ngõ sâu, khuất tầm mắt và ship hàng nhanh, thuận tiện để thiết lập mà cơ quan chức năng chưa với tới, chưa thể kiểm tra hết…

Điều đáng quan tâm ở đây là phương thức tiêu thụ một lượng lớn hàng giả, hàng nhái này công khai trên mạng xã hội. Các kho hàng này thường sử dụng nền tảng số để livestream bán hàng qua mạng hay trao đổi trên các nền tảng Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube…; thậm chí giả mạo, kéo cả hình ảnh người nổi tiếng để câu view bán hàng. Với người mua, hàng chỉ xem trên mạng với những tiêu chí, tiêu chuẩn “trên cả tuyệt vời” mà giá cả phải chăng hấp dẫn. Đơn đặt hàng cũng đơn giản được chốt trên mạng sau một hồi giao dịch ảo và được gửi đi thông qua các dịch vụ vận chuyển, ship hàng toàn quốc đến tận nhà.

Rõ ràng, việc mua bán hàng trên mạng có nhiều điểm rất thuận tiện, hình thức phong phú, giảm giá thành, giao dịch nhanh gọn, đến từng nhà… nhưng nếu không được quản lý hay bị lợi dụng thì đây là hình thức buôn bán ngầm, trốn thuế, tiêu thụ hàng giả; chất lượng hàng hóa không được kiểm chứng, đảm bảo, không thể bảo hành, kiểm soát… Đây còn là mảnh đất màu mỡ để hàng giả, hàng nhái được dịp nảy nở, tung hoành với nhiều chiêu thức tinh vi sử dụng video livestream bán hàng trên Facebook; hay chiêu trò ăn mặc sexy, xây dựng kịch bản giật gân, bóng bẩy, đùa giỡn để bán hàng. Thậm chí có những trường hợp đặt tên miền website gần giống với những thương hiệu thật gây tò mò, lẫn lộn lôi kéo người mua vào ưeb mua bán.

Hàng giả, hàng nhái mua bán trên mạng đang là vấn nạn gây mất trật tự an toàn xã hội. Sự quản lý lỏng lẻo và vào cuộc chậm trễ của cơ quan hữu quan tạo  điều kiện để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp “đen” trốn thuế, vi phạm bản quyền; phá hoại sản xuất; gây mất an toàn và thiệt hại cho người tiêu dùng. Tình trạng này cần được các cấp, các ngành phối hợp đấu tranh ngăn chặn và triệt phá không thể chỉ dựa vào ngành thuế và công thương. Và đây không chỉ là vấn đề thực thi luật mà còn là vấn đề cụ thể hóa quy định của Luật Thương mại điện tử về sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng số cho phép quảng bá giao dịch hàng hóa. Từ đó, cần thiết sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử”, tạo hành lang pháp lý để đấu tranh đẩy lùi hiện tượng còn phổ biến này.

Điều quan trọng nhất trong cuộc chiến hàng giả, hàng nhái trên mạng là quản lý được các đối tượng bán hàng qua mạng. Bên cạnh đó cần vận động xây dựng văn hóa người tiêu dùng qua mạng xã hội. Hãy là người tiêu dùng thông minh, biết tự bảo vệ mình, tiêu dùng an toàn, tiết kiệm và cùng đấu tranh phát hiện hàng giả, hàng nhái. 

Thanh Hà