Lý tưởng cần được tiếp lửa

Quỳnh Nhi 20/07/2008 00:00

Nelson Mandela, người đấu tranh không mệt mỏi chống lại chủ nghĩa Apartheid vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của mình. Là biểu tượng của tự do, hòa hợp và của cuộc đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc, nhưng bầu nhiệt huyết và những lý tưởng của ông dường như không được những người kế nhiệm tiếp lửa.

      Nelson Mandela kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 trong không khí ấm áp cùng với những đứa trẻ thuộc Tổ chức vì trẻ em do ông sáng lập năm 1995. “Ông yêu những đứa trẻ. Hãy nhìn nụ cười rạng rỡ của ông khi ông nhìn chúng”, bà Graa Machel, người cùng ông đi suốt cuộc đời, đã không giấu vẻ yêu thương khi nói về chồng.
Để kỷ niệm lễ sinh nhật của ông, Tổ chức vì trẻ em đã tổ chức Hội nghị Nghị viện trẻ em các nước Nam Phi. Phát biểu sau buổi thảo luận của Nghị viện, Mandela nói rằng: “Tư chất lãnh đạo mà những chủ nhân tương lai của khu vực, của thế giới chứng tỏ ngày hôm nay đã an ủi tôi rất nhiều, đã cho tôi hy vọng rằng cuộc đấu tranh của tôi, lý tưởng mà tôi theo đuổi sẽ không bị lãng quên”. Đây không phải là lần đầu tiên ông gửi thông điệp tới những lãnh đạo đương nhiệm. Tại Đại nhạc hội 46664, được tổ chức hồi tháng 6 vừa qua, ông đã bày tỏ rằng: “Thế giới vẫn đầy rẫy đói nghèo và bệnh tật. Thế giới vẫn còn những con người bị ức hiếp. Và vì thế, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhiệm vụ của chúng ta là mang lại tự do cho tất cả mọi người. Tôi muốn nói rằng, tối nay là thời điểm mà ngọn lửa nhiệt huyết, ngọn lửa đấu tranh vì nhân loại phải được tiếp lửa...”.
      Đã có không ít lần ông băn khoăn liệu di sản của ông có bị lãng quên? Ahmed Kathrada - một trong những người đồng đội của ông cho biết “ông đã buồn phiền rất nhiều trước những gì đang diễn ra tại đất nước ông, những gì đang diễn ra trong khu vực và trên thế giới”. Vụ bạo động nhằm vào người nhập cư tại Nam Phi hồi tháng 5 làm 62 người chết đã khiến ông choáng váng bởi một hình thái tấn công vì động cơ phân biệt chủng tộc lại xảy ra trên chính đất nước Nam Phi, cái nôi của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid. Và ông nhìn nhận “đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với lãnh đạo về những hệ quả của tình trạng nghèo đói cùng cực”. Ngày 16.6, Mandela đã nhắc nhở những nhà lãnh đạo rằng thách thức của họ là “xây dựng một dân tộc mà ở đó, mọi người dân, không phân biệt nguồn gốc, màu da, giới tính, tín ngưỡng hay quan điểm, đều gắn bó, đoàn kết”.
      Cuộc đấu tranh chống đói nghèo, vì sự bình đẳng xã hội luôn là mục tiêu trong mọi hành động của ông. Thế nhưng không ít người cho rằng lý tưởng cao đẹp đó đã bị những người kế nhiệm ông “phản bội”. Achille Mbembe - giáo sư sử học chính trị tại trường đại học Johannesburg đã tỏ ra tiếc nuối khi bày tỏ: “Giờ đây, người ta chỉ quan tâm tới cuộc đấu tranh quyết liệt vì quyền lực mà bỏ qua những chiến lược cần thiết giúp đất nước đối mặt với những thách thức. Nam Phi đã trở thành một xã hội mà ở đó tham nhũng, bạo lực và tội phạm tràn lan khiến 50.000 người trở thành nạn nhân mỗi năm”.
      Quỹ Mandela đã cố gắng truyền bá những di sản quý báu của vị lãnh đạo Nam Phi bằng cách tổ chức các buổi thảo luận ở những nước nghèo về các chủ đề mà ông đấu tranh như sida. “Mandela từng thừa nhận đã không để ý tới cuộc đấu tranh chống căn bệnh thế kỷ khi ông còn là Tổng thống. Ông không ngần ngại chỉ ra những điểm yếu của mình bởi ông không muốn mình trở thành một vị thánh sống” - Verne Harris, giám đốc Quỹ Mandela cho biết. “Madiba cũng không muốn thế giới tôn thờ cá nhân ông. Đã qua cái thời của Madiba nhưng ông vẫn để lại những di sản quý báu, những bài học lãnh đạo quý báu. Điều quan trọng là thế hệ đời sau sử dụng những công cụ ấy như thế nào”.

Theo Le Temps

Một cuộc đời - một cuộc đấu tranh

      Chiến sỹ:
      Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18.7.1918 tại Transkei. Năm 1939, ông bắt đầu theo học ngành luật tại Đại học Fort Hare. Năm 1942, ông tham gia Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), sau đó, tham gia thành lập Đoàn thanh niên của ANC và trở thành bí thư của tổ chức này năm 1947.
      Năm 1948, Đảng Dân tộc cầm quyền thể chế hóa chế độ Apartheid (đạo luật phân biệt chủng tộc). Nelson Mandela và ANC trở thành những lực lượng xung kích trên mặt trận chống lại chủ nghĩa Apartheid. Sau vụ đàn áp người biểu tình năm 1960 tại Sharpeville khiến hàng chục người ủng hộ ANC thiệt mạng, ANC tuyên bố trở thành lực lượng nổi dậy và quyết định sử dụng quân sự để hỗ trợ cuộc đấu tranh chính trị. Mandela khi đó trở thành chỉ huy quân sự của lực lượng Umkhonto we Sizwe, cánh vũ trang của ANC.
      Tù nhân:
      Bị bắt năm 1962 và bị kết án 5 năm tù giam vì tội kích động biểu tình. Trong phiên tòa một năm sau đó, ông bị kết tội âm mưu chống phá Nhà nước và bị kết tội tù chung thân, tù khổ sai ở đảo Robben. Tại phiên tòa, ông đưa ra tuyên bố mà sau này đã trở thành tuyên ngôn bất hủ: “Tôi tha thiết với lý tưởng về một xã hội tự do, dân chủ mà ở đó tất cả mọi người sống hòa hợp, bình đẳng(...) - lý tưởng mà tôi sẵn sàng hy sinh để bảo vệ”. Ông đã nhắc lại tuyên bố này khi được phóng thích 27 năm sau đó.
      Tổng thống da đen đầu tiên:
      Được giải phóng ngày 11.2.1990, Nelson Mandela được bầu làm Chủ tịch ANC một năm sau đó. Nam Phi chứng kiến một cuộc chuyển giao chế độ hòa bình và êm thếm. Điều đó đã mang lại cho Mandela và Frederik de Klerk - vị Tổng thống da trắng cuối cùng của Nam Phi, giải Nobel hòa bình năm 1993. Vào tháng 4.1994, đã diễn ra cuộc bầu cử đầu tiên ở Nam Phi cho phép cử tri thuộc mọi dân tộc tham gia. Mandela được bầu làm Tổng thống da đen đầu tiên trên thế giới. Sau khi tuyên thệ nhậm chức một năm sau, ông đã kêu gọi xây dựng “một đất nước hòa bình trong một thế giới hòa bình”. Rời khỏi chính trường năm 1999, ông vẫn tiếp tục sự nghiệp đấu tranh, nhưng lần này là trên mặt trận chống đói nghèo và sida, căn bệnh đã cướp đi của ông người con trai vào năm 2005.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lý tưởng cần được tiếp lửa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO