Lý Thái Tổ và áng văn bất hủ

Lý Thái Tổ là người khai sáng Kinh đô Thăng Long, thì cũng có thể nói, Lý Thái Tổ là người mở đầu cho nền văn học viết về Thăng Long - Hà Nội.

Truyền thuyết xuất thân và sự thật lịch sử về Lý Thái Tổ đan xen vào nhau một cách khác thường.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) ghi: “Vua họ Lý, húy Công Uẩn, người châu Cổ Pháp (nay là đất huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh), mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, 974, niên hiệu Thái Bình thứ 5, thời Đinh…” Một sự thật lịch sử nữa có ý nghĩa quan trọng quyết định cuộc đời và sự nghiệp của Lý Thái Tổ, đó là những hành trạng của thiền sư Vạn Hạnh. Ngài họ Lý, người làng Cổ Pháp, tức làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Chưa rõ năm sinh, chỉ biết sách ĐVSKTT ghi việc năm Ất Sửu 1225 có đoạn: “Sư Vạn Hạnh chết (Vạn Hạnh không bệnh mà mất, người bấy giờ nói là hóa thân). Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: sư Vạn Hạnh mới trông thấy Lý Thái Tổ, biết là người khác thường, đến khi thấy sét đánh thành vết chữ thì đoán biết thời thế thay đổi”. Một số thư tịch cổ và nhiều chuyện truyền tụng trong dân gian cho biết, thiền sư Vạn Hạnh thông minh xuất chúng, năm 21 tuổi theo học đạo với Lục Tổ Thiền Ông. Mỗi lời Ngài nói được người đời coi như sấm ngữ. Ngài bày mưu cho vua Lê Đại Hành phá Tống, bình Chiêm; sau này chính ngài vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên nhà Lý… Đến cuối thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đã biết thêm những tư liệu mới nữa về xuất thân của Lý Thái Tổ, trong đó có tấm bia Lý gia minh trạch ở chùa Tiêu. “Mẹ (vua) họ Phạm” như ĐVSKTT ghi, nay ta biết tên đầy đủ của mẹ vua là Phạm Thị Ngà. Thời trẻ, bà làm thủ hộ, chuyên quét sân, chăm vườn và nhang khói ở chùa Minh Châu. Chùa này nằm trong cụm chùa nổi tiếng là trung tâm Phật giáo lớn, gồm Phật Tích, Đạm, Tiêu Sơn, Tràng Liên… Tại đây, thiền sư Vạn Hạnh thấy bà là người tươi tốt, phúc hậu, đã dẫn mạch cho bà đặt mộ phụ mẫu để sau này được vượng phát. Đó là khu mộ tại rừng Miễu. Khi mang thai, bà Phạm Thị Ngà ra làng ở và sinh con. Khu vực xóm Đường, nay còn thấy những dấu tích như bàn đẻ, dao cắt rốn bằng đá… Theo sách ĐVSKTT thì: “Vua sinh ra mới ba tuổi, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Vân. Khánh Vân bèn nhận làm con nuôi”. Nhà sư Lý Khánh Vân là người em của thiền sư Vạn Hạnh. Và rồi, năm lên bảy tuổi, Lý Công Uẩn được thiền sư Vạn Hạnh nuôi dạy chu đáo.

Tuấn tú, thông minh, lại được một người xuất sắc nuôi dạy, rèn giũa cho, nên Lý Công Uẩn sớm có được học vấn và trí tuệ hơn người. Nhiều truyền thuyết siêu phàm và sấm ký lạ lùng về Lý Công Uẩn, chính là do Thiền sư Vạn Hạnh tạo nên. Đó là bước chuẩn bị để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi cao sau này. Có uy tín lớn với triều đình nhà Đinh, sau lại được Lê Hoàn rất nể trọng, nên Thiền sư Vạn Hạnh đã tiến cử Lý Công Uẩn vào bộ máy quyền lực triều Lê, làm đến Điện tiền chỉ huy sứ. Rồi khi Lê Ngọa Triều băng hà, Lý Công Uẩn được triều thần tôn làm hoàng đế.

Được nuôi dưỡng nơi cửa chùa, giáo dục theo văn hóa Phật giáo, rồi được giới sư sãi ủng hộ lên ngôi cao, Lý Thái Tổ rất ưu đãi tăng ni và trọng Phật giáo. Ông cùng vương triều Lý khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên văn minh Đại Việt, bắt đầu bằng việc chọn Đại La làm kinh đô và cho đổi tên là Thăng Long. Sinh truởng ở châu Cổ Pháp, cách không xa thành Đại La. Lớn lên, làm quan ở Hoa Lư (Ninh Bình), đi, về đều qua vùng đất Đại La, nên Lý Thái Tổ hiểu rõ vùng thắng địa đó. Nên thật tự nhiên, như ĐVSKTT chép: “Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu…” Và đó là Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô), Thái Tổ viết mùa xuân năm Canh Tuất, 1010, năm Thuận Thiên thứ nhất. Văn bản Chiếu dời đô, ngót ngàn năm qua, có được chép trong sách Hoàng Việt văn tuyển của Bùi Huy Bích (1744-1818), và sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn, mà cả Bùi Huy Bích và Quốc sử quán triều Nguyễn đều sao chép từ sách ĐVSKTT. Do vậy, ở đây chúng tôi dùng bản Chiếu dời đô trong sách ĐVSKTT (Tạ Ngọc Liễn dịch):

“(Nhà vua) tự tay viết chiếu rằng:

“Xưa kia nhà Thương đến đời Bàn Canh(1) năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương(2) ba lần dời đô; đâu phải các vua thời Tam đại(3) liều vì riêng mình, tự ý bậy bạ chuyển đi nơi khác, mà bởi họ mưu tính lớn lao, chọn ở nơi trung tâm, làm kế muôn vạn đời cho con cháu về sau. Trên cung mệnh trời, dưới dựa theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi, cho nên phúc nước dài lâu, phong tục giầu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê mới vì riêng mình, quên mệnh trời, bước đạp bừa lên dấu vết Thương, Chu, cứ yên ở mãi ấp(4) nhỏ của mình nơi ấy, đến nỗi đời chẳng được dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không thích hợp, Trẫm rất thương xót, không thể không di dời khỏi đó. Huống chi thành Đại La, đô(5) cũ của Cao vương(6) ở khu vực giữa trời đất, có được thế đất rồng cuốn, hổ ngồi; chính vị đông, tây, nam, bắc; tiện nghi phía trước là sông, phía sau là núi. Khu vực ấy rộng rãi bằng phẳng; đất ở đấy cao ráo, sáng sủa, dân cư không bị ngập chìm tối tăm khổ sở, muôn vật thịnh vượng, tốt tươi.

Ngắm xem khắp nước Việt, thấy đây là vùng đất có phong cảnh tốt đẹp nhất, thực là nơi trọng yếu cho bốn phương trời hội tụ; là đất kinh sư của kinh sư muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy để định đô ở đó, các khanh nghĩ thế nào?”.

Ngay sau khi ban chiếu, tháng 7 năm 1010, như ĐVSKTT ghi: “Vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là Thăng Long… Lại xây dựng các cung điện trong kinh thành Thăng Long”. Bên trong thành Thăng Long quy hoạch làm hai khu vực chính. Khu trung tâm là Cung Thành, có cửa Đoan Môn dẫn vào. Trong khu Cung Thành dựng điện Càn Nguyên làm nơi vua coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ. Chính giữa là điện Cao Minh. Sau điện Càn Nguyên có các cung Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ, lại có cung Thúy Hoa, Ngọc Bội… Khu vực rộng lớn bao quanh Cung Thành, gọi là Hoàng Thành, có nhiều dinh thự của các quan và biệt điện để đôi khi vua đi tuần có chỗ tạm nghỉ. Tại khu Hoàng Thành dần dần dựng những chùa, tháp. Những thợ khéo tay được vào ở trong khu Hoàng Thành, sống từng phường riêng, chuyên làm các đồ cho triều đình dùng. Đấy là những hạt nhân tạo nên các phường của Thăng Long những năm về sau. Khu Hoàng Thành có ngôi điện Hàm Quang do Lý Thái Tổ cho lập dựng trên một quả núi đất bên sông Tô, rất nguy nga, lợp toàn ngói bạc. Theo học giả Doãn Kế Thiện thì Hoàng thất nhà Lý thường ngự chơi ở điện này để xem bơi thuyền trên sông Tô. Phía nam khu Hoàng Thành có lập đàn Nam Giao và đàn Xã Tắc để tế trời, đất, lại còn có khu ruộng Tịch Điền để tháng hai hàng năm vua tự thân đi cày, khuyến khích nghề nông. Lại cho dựng nhiều kho tàng, đắp thành, đào hào… Bốn mặt thành mở bốn cửa Tường Phù, Quảng Phúc, Đại Hưng và Diệu Đức… Kinh thành Thăng Long buổi ban đầu đã được tạo dựng to lớn, và đặc biệt là đầy triển vọng phát triển. Đúng như tầm nhìn sáng suốt của Lý Thái Tổ đã thấy trước, và viết thật hào sảng: “… đây là vùng đất có phong cảnh tốt đẹp nhất, thực là nơi trọng yếu cho bốn phương hội tụ; là đất kinh sư của kinh sư muôn đời.”

Chiếu là loại hình văn bản quan trọng, truyền cho mọi người một chủ trương lớn của vua, chính sách của triều đình về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… vậy nên ngôn ngữ phải có sức mạnh trong cuộc sống xã hội. Chiếu dời đô sống trong đời sống tinh thần dân tộc Việt ta đã ngàn năm. Trường tồn được như vậy, nó là tư tưởng, là lịch sử, là văn hóa, nhìn nhận như vậy, chúng tôi càng thấy người xưa thật chí lý khi coi “văn-triết-sử bất phân”. Việc học giả Bùi Huy Bích hơn hai thế kỷ trước đã chọn đưa Chiếu dời đô vào công trình Hoàng Việt văn tuyển cho thấy người xưa thật tinh tường khi coi Chiếu dời đô là một tác phẩm văn chương tinh hoa của nước Việt ta. Và, nếu nhìn từ góc độ văn học sử, thì phải thấy, Chiếu dời đô là áng văn bất hủ, được nảy sinh trong trí tuệ cũng như xúc cảm của Lý Thái Tổ cùng lúc ông quyết định sáng lập Kinh đô Thăng Long cho dân tộc Việt Nam.
____________

 (1) Bàn Canh, vua thứ 17 của nhà Thương (thế kỷ XVI – XI trước công nguyên).

(2) Thành Vương, vua thứ 3 nhà Chu (thế kỷ XI – VIII trước công nguyên).

(3) Tam đại, là ba đời Hạ, Thương, Chu ở Trung Quốc.

(4) Ấp theo chế độ hành chính thời cổ, lớn gọi là đô, nhỏ gọi là ấp.

(5) Đô, đây là nơi chính quyền cấp cao nhất ở.

(6) Cao vương, chỉ Cao Biền, viên quan đứng đầu bộ máy cai trị nhà Đường tại nước ta (thời đó gọi là Giao Châu). Khoảng năm 866, Cao Biền cho đắp thành Đại La.

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.