Khi còn là ĐBQH, ông Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại, đại biểu tỉnh An Giang) thường làm các Bộ trưởng “khiếp vía” mỗi khi ông chất vấn. Bởi ông đưa ra câu hỏi dựa trên chứng cứ kèm với những lập luận rất rõ ràng, chứ không phải từ suy đoán cá nhân hay “tôi đọc báo thấy nói rằng…” (mặc dù báo chí cũng là một trong những kênh thông tin quan trọng cho đại biểu). Không có những thông tin cần thiết, bà Nguyễn Thị Việt Nhân (đại biểu tỉnh Kiên Giang, Quốc hội Khóa XI) có “dám” chất vấn vào những vấn đề nhạy cảm nhất đối với một quan chức cấp cao là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước? Chắc chắn, cũng giống với ông hội đồng Khoa (TP Hồ Chí Minh), bà Nhân đã đi tìm hiểu thực tế về những thông tin của cử tri trước khi chính thức chất vấn.
Cách tranh luận dựa trên chứng cứ, lý lẽ như thế luôn thiết thực hơn và hữu ích hơn là bởi nó có tính thuyết phục cao. Tất nhiên, để tranh luận dựa trên các chứng cứ thì phải nghiên cứu, phải thu thập thông tin và số liệu. “Không có thông tin, biết quyết định cái gì?”, một ĐBQH Khóa XII nói. Quả thực, không phải và không thể là chuyên gia trong mọi lĩnh vực nhưng là người ấn nút thông qua các chính sách và đạo luật ảnh hưởng đến 84 triệu dân, vậy các đại biểu đã dựa trên những lý lẽ, chứng cớ nào khi thực hiện quyền quyết định đó? Câu trả lời không đơn thuần nằm ở hàng trăm trang tài liệu đại biểu phải đọc và hiểu mỗi ngày trong kỳ họp. Bởi nói như TS Lê Duy Nghĩa, ĐH Quốc gia Hà Nội, các thông số ấy đều do Chính phủ và các bộ ngành chuyển sang, chúng được chuẩn bị bởi rất nhiều chuyên gia thạo nghề để thuyết minh cho các chính sách mà các cơ quan ấy muốn. Đất cũng cần được quản lý, nhà cũng cần được quản lý, thậm chí giao dịch nhà đất cũng cần được Bộ Tư pháp quan tâm. Nếu muốn vì tiện lợi cho dân mà phản biện lại những đỏ, hồng xanh đầy rắc rối ấy, đại biểu lấy đâu ra lý lẽ?
Trên lý thuyết, đại biểu có rất nhiều nguồn thông tin từ các thiết chế phục vụ để có những lý lẽ và chứng cớ tranh luận với các đề xuất chính sách Chính phủ trình, chẳng hạn: Các cuộc tiếp xúc cử tri; Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND; Các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Các hội nghị, hội thảo và các cơ quan hành chính… Có thể thấy, hầu hết các kênh cung cấp thông tin này chưa đủ độ chuyên nghiệp cần thiết để phục vụ hoạt động của đại biểu. Một lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XII, có ít nhâæt dưới 5 câu hỏi của đại biểu khiến Trung tâm Thông tin Khoa học và Nghiên cứu thư viện “bó tay”. Một trong 5 yêu cầu cung cấp thông tin đó là đại biểu muốn có báo cáo nghiên cứu, đánh giá những được, mất của Việt Nam sau 1 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). “Vấn đề lớn như vậy, sao Trung tâm Thông tin Khoa học và Nghiên cứu thư viện làm được”, vị lãnh đạo này nói. TS Lê Duy Nghĩa cho rằng, các ủy ban của Quốc hội “thì cũng thế”, muốn bác bỏ một lập luận do các bộ chuyển sang, các ủy ban có những kênh thông tin nào để tìm lý lẽ tranh luận? Một câu hỏi rất dễ trả lời nhưng câu trả lời rất khó làm các ủy ban và cử tri hài lòng. Trong khi đó, các đại biểu chưa có văn phòng riêng, không có chuyên gia giúp việc, lại càng không có ngân sách riêng để hoạt động đại diện. Và dù đã sáng suốt lựa chọn, song cử tri nước ta chưa thể tạo sức ép cải thiện môi trường cho các ĐBQH chuyên tâm hoạt động trên hết là vì lợi ích của cử tri.
“Chừng nào chưa có nghiệp đoàn và các nhóm lợi ích phát triển (xã hội dân sự), chừng đó chưa có nhu cầu cho phản biện xã hội, các ủy ban của Quốc hội chưa thể tổ chức các phiên điều trần để tranh luận công khai về những điều được mất của từng chính sách”. Đó là quan điểm của TS Lê Duy Nghĩa. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy, tình trạng thiếu thông tin của đại biểu sẽ được cải thiện trong tương lai khi Đề án thành lập Viện nghiên cứu lập pháp đã được xây dựng và đưa ra thảo luận tại Phiên họp thứ 4 của UBTVQH. Rồi đây, nếu Viện này có các bộ phận nghiên cứu về các vấn đề của nghị viện, các vấn đề pháp lý (Hiến pháp, luật, pháp lệnh…), các vấn đề kinh tế, xã hội, giáo dục, khoa học, môi trường, các ĐBQH sẽ có những chứng cứ khách quan để thẩm định các chính sách và lựa chọn những phương án mang lại lợi ích nhiều hơn cho dân tộc. Sẽ bớt đi những tranh cãi không thôi về việc đặt Nhà máy lọc dầu ở Vũng Tàu hay Dung Quất, độ cao của Nhà máy thủy điện Sơn La là thế này chứ không phải thế kia; Hoặc, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ nên là 55 hay nên là 60…
Hồng Loan