Lý do Tổng thống Putin không tham gia đàm phán với Ukraine
Các phái đoàn từ Nga và Ukraine dự kiến sẽ có cuộc đàm phán tại Istanbul trong ngày hôm nay, 16/5, sau đề xuất nối lại đối thoại trực tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng vì sao ông Putin không trực tiếp tham gia đàm phán? Các chuyên gia phân tích đã đi tìm lời giải.
Cuộc đàm phán ngày 16/5 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ là cơ hội để Nga và Ukraine có bước đầu gặp mặt trực tiếp sau 3 năm, để đưa ra lập trường cũng như thảo luận một cách cụ thể về tình hình thực tế xung đột hiện nay. Trong phát biểu đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine mà không kèm theo bất kì điều kiện nào, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh, mục tiêu cốt lõi của tiến trình đàm phán là loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, và tiến tới thiết lập một nền hòa bình ổn định, lâu dài.

Phản ứng trước “lời mời” của Tổng thống Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lập tức khẳng định sẽ tham dự và muốn gặp trực tiếp ông Putin ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng cuối cùng, Tổng thống Putin không tới. Ông cũng chưa từng khẳng định mình sẽ tới.
Theo các chuyên gia, đây chính là một “chiến thuật đàm phán” có tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngày 15/5, ngay sau khi thành phần đoàn đàm phán Nga tới Istanbul được công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người trước đó đã thúc giục Kiev chấp nhận đề xuất đàm phán của Tổng thống Nga Putin “ngay lập tức”, đã nói với các phóng viên rằng, “sẽ không có gì xảy ra cho đến khi ông Putin và tôi gặp nhau”.

Phát biểu với phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một, ngay trước khi máy bay hạ cánh xuống Dubai trong chặng thứ 3 của chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Trump ám chỉ Tổng thống Putin không có kế hoạch đến Thổ Nhĩ Kỳ vì bản thân ông Trump chưa chính thức cam kết sẽ tham dự.
“Ông ấy sẽ không đi nếu tôi không ở đó. Nhưng chúng ta sẽ phải đàm phán, vì quá nhiều người đang thiệt mạng”, ông Trump nói.
Không thể phủ nhận việc ông Putin không xuất hiện tại cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm giảm triển vọng của hòa đàm. Thậm chí bản thân ông còn bị phương Tây chỉ trích rằng “không có thiện chí”. Nhưng bằng cách này, Tổng thống Nga đã “đẩy” quyền quyết định về phía Mỹ, để Mỹ phải tuyên bố rằng một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và ông chính là cách duy nhất để tiến về phía trước.

Nói cách khác, bằng cách không tham gia các cuộc đàm phán, ông Putin đã đảm bảo cho mình các cuộc đàm phán về cuộc xung đột trong tương lai - rõ ràng không có sự tham gia của Tổng thống Ukraine Zelensky - nhưng sẽ có Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn khẳng định sẽ chấm dứt xung đột Nga – Ukraine dù bằng cách nào đi chăng nữa.
Theo các chuyên gia, Tổng thống Putin không chỉ “hiểu” tính cách của Tổng thống Trump, mà còn rất biết cách khai thác điều đó.