Lý do New Zealand không dùng khái niệm trường học để nói về giáo dục mầm non
Theo Giáo sư Marek Tesar, Đại học Auckland, điểm đặc biệt trong chương trình giáo dục mầm non của New Zealand là không dùng khái niệm trường học (school) để nói về những cơ sở đào tạo, chăm sóc, giáo dục mầm non.
Tại Toạ đàm “Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục mầm non Việt Nam - New Zealand”, tổ chức tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 27.3, Giáo sư Marek Tesar, Trưởng khoa Đào tạo quốc tế, Đào tạo thực hành giáo dục và Công tác xã hội, Đại học Auckland (đại học hàng đầu về lĩnh vực nghiên cứu ở New Zealand) đã có bài trình bày về một số ưu điểm của giáo dục mầm non New Zealand có tiềm năng thực hiện tại Việt Nam.
Giáo dục thể hiện sự tôn trọng văn hóa bản địa
Theo Giáo sư Marek Tesar, chương trình mầm non quốc gia của New Zealand được đặt tên theo tiếng bản địa Maori với tên gọi "Te Whãriki" (có nghĩa là tấm thảm, tượng trưng cho việc đan lát, cho thấy giáo dục mầm non là sự kết nối của rất nhiều yếu tố khác nhau). “Tấm thảm” trên được dệt từ sự kết hợp hoà quyện của 4 nguyên tắc và 5 kết quả mong đợi.
4 nguyên tắc chính gồm: Trao quyền (Empowerment), Phát triển toàn diện (Holistic Development), Gia đình và cộng đồng (Family and community), và Các mối quan hệ (Relationships). 5 kết quả học tập/mục tiêu hướng đến trong sự phát triển của trẻ bao gồm: Wellbeing (Tinh thần thoải mái của trẻ), Belonging (Sự phụ thuộc) Contribution (Đóng góp), Communication (Giao tiếp), Exploration (Khám phá).
Chương trình Te Whāriki được xây dựng dựa trên quan điểm về trẻ em như những người học đầy đủ năng lực và chủ động. Chương trình được viết và đọc bằng 2 cách khác nhau: phần đầu hoàn toàn bằng tiếng Anh, phần thứ hai được viết bằng tiếng Maori.
“Việc chương trình được đặt tên, được viết bằng hai thứ tiếng không đơn giản chỉ là vấn đề về bản dịch, mà thể hiện một điều rất cơ bản và quan trọng trong giáo dục và tư tưởng văn hóa của người New Zealand, đó là sự tôn trọng văn hóa bản địa”, Giáo sư Marek Tesar cho hay.

Cũng theo ông, ở New Zealand hiện nay, những dịch vụ liên quan đến giáo dục mầm non không phải lĩnh vực bắt buộc, tức là trẻ em có thể đến trường, hoặc có thể không. Thông thường, trẻ em ở New Zealand có thể bắt đầu đi học từ khoảng 6-8 tháng tuổi bằng việc đến cơ sở giáo dục mầm non làm quen dần, tới khi được 1,5 tuổi sẽ đi học toàn thời gian. Khi trẻ tròn 5 tuổi sẽ vào trường tiểu học.
Giáo sư Marek Tesar cho hay, một điểm đặc biệt trong chương trình giáo dục mầm non của New Zealand là không dùng khái niệm trường học (school) để nói về những cơ sở đào tạo, chăm sóc, giáo dục mầm non. Họ dùng khái niệm trường học, lớp học để nói về giai đoạn trẻ bắt đầu bước vào tiểu học (5 tuổi).
Điều này khẳng định: giáo dục mầm non không phải một khái niệm thuộc về trường lớp, mà đó là nơi trẻ có quyền được tự do vui chơi, được học tập và được tôn trọng theo sở thích và nhu cầu của mình.
Bên cạnh đó, khi nói đến khái niệm chương trình học ở mầm non, thay vì nói đến kế hoạch học tập mỗi ngày của trẻ thế nào, người New Zealand quan tâm đến “khung chương trình” - một khung rộng hơn, trong đó có rất nhiều lý thuyết về cách chúng ta nhìn nhận trẻ con, cách ứng xử với trẻ thế nào,…
"Học thông qua chơi"
Chia sẻ về một số nội dung trong Chương trình giáo dục mầm non quốc gia của New Zealand, Giáo sư Marek Tesar thông tin, điều đầu tiên cần nhấn mạnh là việc “học thông qua chơi”. Theo đó, giáo viên sẽ làm việc với trẻ dựa trên năng lực, trình độ, khả năng hiện có của trẻ.
“Điều này không có nghĩa chúng ta phải nói chuyện với trẻ bằng ngôn ngữ của trẻ, mà các bạn hãy tưởng tượng, tuy chúng ta cao lớn, nhưng chúng ta có thể sẵn sàng ngồi xuống bằng và ngang hàng với trẻ để nói chuyện.
Chúng ta cần thực sự tôn trọng đứa trẻ giống như một con người hoàn chỉnh, một cá thể có khả năng suy nghĩ độc lập, có sự sáng tạo, thay vì chỉ là một “bản sao” của chúng ta, đi theo những tiêu chuẩn do người lớn đặt ra. Đây chính là một điểm quan trọng mà chúng tôi rất đề cao trong giáo dục ở New Zealand”, Giáo sư Marek Tesar chia sẻ.
Bên cạnh đó, giáo viên cần đi theo hứng thú của trẻ, tức là tôn trọng và triển khai các hoạt động dựa trên những hứng thú của trẻ hàng ngày. Giáo sư Marek Tesar cho hay, cách để giáo viên có thể mang hứng thú của trẻ vào trong các hoạt động học là cùng bàn luận với trẻ, có thể với cả phụ huynh để tạo nên một chương trình chung cho tất cả các bé đều cảm thấy mình được thuộc về, có mình ở trong đó.
“Đó là cách chúng tôi triển khai hoạt động hàng ngày. Những hoạt động hàng ngày của chúng tôi sẽ không được chuẩn bị từ trước, không theo kế hoạch cụ thể rằng thứ hai sẽ làm hoạt động này, thứ ba làm hoạt động kia,…
Đồng thời, chúng tôi không tư duy theo hướng hoạt động này sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, hoạt động này là giúp trẻ phát triển thể chất, hoạt động này giúp phát triển kỹ năng toán học mà chúng tôi nghĩ rằng mỗi hoạt động đều hướng đến sự phát triển toàn diện của đứa trẻ”, Giáo sư Marek Tesar nói.

Phân tích kỹ hơn, ông nêu dẫn chứng: một đứa trẻ khi vẽ đồng thời cũng sẽ phát triển năng lực ngôn ngữ, có thể học được cách giải quyết vấn đề,..
Hay một đứa trẻ khi học cách để lắp một khối lắp ghép cũng đồng thời học được cách làm thế nào để nói chuyện với người khác, nhờ sự giúp đỡ nếu như không lắp được, làm thế nào để kết nối với bạn bè xung quanh,… Vì vậy, mọi nội dung trong chương trình học cần mang tính chất linh hoạt, không chỉ là sự “đóng khuôn”, cũng không phải là sự tách rời của từng lĩnh vực phát triển của trẻ.
Giáo dục sinh ra là để giúp đỡ cho những đứa trẻ
Giáo sư Marek Tesar nhấn mạnh thêm, nền giáo dục New Zealand rất trân trọng việc giáo dục để hướng trẻ đến sự phát triển, để trở thành những con người hoàn thiện, tự tin và có đầy đủ khả năng, năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề trong tương lai; thay vì chỉ hướng đến học tập để có điểm số.
Nêu dẫn chứng về câu chuyện của rất nhiều người, có thể là những CEO của tập đoàn lớn đang rất thành công từng chia sẻ đã có một thời đi học rất tệ hại, bị giáo viên đánh giá thấp, chê trách rất nhiều, Giáo sư Marek Tesar cho rằng: thực tế, đây chính là hình ảnh của một nền giáo dục đã không thể phục vụ, đã “thất bại” đối với những đứa trẻ đó.
“Mục tiêu cuối cùng của giáo dục và đặc biệt với giáo dục mầm non ở New Zealand, chúng tôi cho rằng làm sao nền giáo dục sinh ra là để giúp đỡ cho những đứa trẻ, để mỗi đứa trẻ trong nền giáo dục đó đều cảm thấy mình thành công, mình có năng lực để học tập, chứ không phải cảm thấy mình thất bại hay thấp kém. Đó chính là đích đến của giáo dục, tạo nên sự thành công cho những đứa trẻ, cảm giác tự tin cho đứa trẻ ở tương lai”, ông nói.
Cũng trong buổi Tọa đàm, Giáo sư Marek Tesar và Tiến sĩ Phạm Hoa (Tiến sĩ giáo dục, nhà sáng lập trường mầm non Ako, Hà Nội) đã thực hiện một số hoạt động tập huấn kỹ năng ứng dụng Learning Stories trong đánh giá trẻ mầm non. Learning Stories đưa ra những miêu tả và đánh giá quá trình học tập và phát triển của trẻ dưới hình thức của những câu chuyện.
Giáo viên quan sát và lắng nghe khi trẻ khám phá thông qua chơi. Giáo viên có thể chụp một hoặc hai bức ảnh, ghi lại một số ghi chú và tạo ra một câu chuyện về những gì giáo viên đã thấy để chia sẻ với trẻ và gia đình trẻ. Những câu chuyện này cũng thường bao gồm những chỉ dẫn, gợi ý của giáo viên cho cha mẹ để hỗ trợ trẻ phát triển ở những bước tiếp theo trong quá trình học tập của mình.
Mỗi câu chuyện sẽ phản ánh các khía cạnh khác nhau của trẻ, bao gồm: Hứng thú sở thích, điểm mạnh, các bước tiến bộ; Kĩ năng, kiến thức, và các trạng thái cảm xúc; Các tương tác với bạn bè và giáo viên; Gia đình, văn hoá, và cộng đồng của trẻ.
Các bước để tiến hành viết một Learning Stories cho giáo viên bao gồm: chú ý theo dõi quá trình học tập của trẻ, nhận ra những khoảnh khắc học tập có ý nghĩa của trẻ, phản hồi lại những mong muốn của trẻ, ghi lại những khoảnh khắc đó, và đánh giá phân tích ý nghĩa của chúng trong quá trình phát triển của trẻ. Learning Stories là một đóng góp độc đáo của giáo dục mầm non New Zealand. Hiện tại, hình thức đánh giá này đã được sử dụng rộng rãi các nước như Đức, Ai len, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Úc…
Các chuyên gia đến từ New Zealand và Việt Nam cũng trao đổi sôi nổi về những cơ hội, thách thức vận dụng những ưu điểm của giáo dục mầm non New Zealand vào giáo dục mầm non Việt Nam.
Theo đó, điều đặc biệt quan trọng trong mỗi nhà trường là năng lực của đội ngũ giáo viên cần được đào tạo bài bản, có kỹ năng nghề tốt, linh hoạt, sẵn sàng đương đầu với thách thức thì mới có thể vận dụng có hiệu quả những ưu điểm của giáo dục mầm non New Zealand vào giáo dục mầm non Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, TS Nguyễn Đức Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của mỗi con người, là nền tảng cho sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần.
Giáo dục mầm non là bậc đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, có vị trí đặc biệt quan trọng, giúp trẻ hình thành những kiến thức, năng lực cần thiết để ngày càng thích ứng tốt hơn với cuộc sống xung quanh.
Theo TS Huy, trong bối cảnh đổi mới hiện nay, Trường Đại học Giáo dục luôn hướng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, liên tục cập nhật các xu hướng hiện đại nhất về giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng cho công tác giảng dạy của nhà trường.
Với mong muốn học tập kinh nghiệm từ những mô hình giáo dục xuất sắc trên thế giới để triển khai có hiệu quả tại Việt Nam, Trường Đại học Giáo dục đã phối hợp với Hiệp hội Giáo dục Mầm non Ngoài công lập Việt Nam cùng cơ quan Education New Zealand, tổ chức buổi toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm giáo dục mầm non Việt Nam - News Zealand với sự tham gia của những diễn giả là chuyên gia giáo dục đến từ New Zealand và Việt Nam.
“Chương trình cung cấp cho các thầy cô những kiến thức, kinh nghiệm và cách tiếp cận mới nhất trong lĩnh vực giáo dục mầm non ở News Zealand, từ đó xác định cách thức có thể triển khai có hiệu quả ở Việt Nam.
Buổi tọa đàm cũng đánh dấu sự khởi đầu cho quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Giáo dục với Hiệp hội Giáo dục mầm non ngoài công lập Việt Nam, cơ quan Education New Zealand trong việc nghiên cứu, ứng dụng các mô hình giáo dục hiện đại, từng bước đổi mới phương pháp dạy và học hiện nay ở các nhà trường”, TS Huy khẳng định.