Lưu giữ nghề thêu cung đình

Ngọc Phương 19/11/2015 08:25

Gắn bó 30 năm với nghệ thuật thêu cung đình, nghệ nhân Hàn Quốc Lee Jung Hee đã kết hợp kỹ thuật thêu truyền thống với các yếu tố hiện đại để có những sản phẩm ứng dụng trong đời sống đương đại. Nhờ đó nghề thêu truyền thống được lưu giữ và quảng bá rộng rãi.

44 tác phẩm thêu đa dạng về loại hình của nghệ nhân Lee Jung Hee đang được giới thiệu tới công chúng Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, 49 Nguyễn Du, Hà Nội. Có mặt tại Việt Nam nhân dịp này, nghệ nhân Lee Jung Hee chia sẻ: Với kỹ thuật thêu cung đình, dù là tác phẩm nhỏ (kích thước 50 x 65cm) nhưng với nhiều chi tiết tinh tế, nghệ nhân phải dành nhiều thời gian, từ 15 ngày đến vài tháng, thậm chí vài năm để thực hiện. Như tác phẩm Rồng xanh hổ trắng có kích thước lớn (495x87cm), được bà thực hiện trong 3 năm. Trước khi tới Việt Nam, các tác phẩm của Lee Jung Hee đã được giới thiệu tại Nhật Bản và Trung Quốc, nhằm tìm kiếm giao lưu nghệ thuật thêu giữa Hàn Quốc với các quốc gia.

Nghệ nhân Lee Jung Hee
Nghệ nhân Lee Jung Hee

Nghệ thuật thêu tại Hàn Quốc đã có lịch sử lâu đời. Các triều đại đã lập phòng thêu để đảm nhiệm việc thêu trang phục và vật dụng cho Hoàng gia, do những phụ nữ trình độ tay nghề cao thực hiện. Được truyền dạy và lưu giữ đến ngày nay, nghệ thuật thêu cung đình vẫn giữ phong cách đặc trưng với các hình tượng như hoa mẫu đơn, song long, song hạc, song hổ... Điều đặc biệt là bên cạnh các loại chỉ nhiều màu sắc, thêu cung đình còn sử dụng sợi bằng chất liệu vàng, bạc, để thể hiện sự quyền quý. Tuy nhiên, theo nghệ nhân Lee Jung Hee, ngày nay, nếu giữ nguyên bản về phong cách, hình tượng, nguyên vật liệu, kỹ thuật, thêu cung đình sẽ chỉ hạn chế trong thực hiện tác phẩm nghệ thuật. Để thêu xuất hiện phổ biến hơn, bà đã kết hợp yếu tố hiện đại, đưa kỹ thuật thêu cung đình vào đồ dùng sinh hoạt: từ bình phong, đồ dùng hôn lễ, chăn màn, gối, túi, caravat; hay trang trí trên các vật dụng như hộp đựng trang sức, đèn nghệ thuật…

Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, nghệ thuật thêu cung đình đã có tiếng vang nhất định. Hiện nay một số bạn trẻ ở các tỉnh, thành phố của Hàn Quốc, thậm chí ở Nhật Bản cũng tới Hàn Quốc để học nghệ thuật thêu cung đình. Vì thế, những nghệ sĩ có tiếng, từng giành nhiều giải thưởng như bà Lee Jung Hee giờ đây có thể sống bằng nghề dễ dàng hơn. Hiện tại, nghệ nhân Lee Jung Hee cùng nhóm đồng nghiệp đang thực hiện dự án thêu ga trải giường cho các khách sạn phục vụ Thế vận hội mùa đông tại Pyeongchang, Hàn Quốc năm 2018, nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp cho khách tham dự, và giới thiệu rộng rãi nghệ thuật thêu cung đình cũng như hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới.

Có thể thấy, đây là một trong những cách Hàn Quốc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc Park Nark Jong khẳng định: nếu như không có nền tảng văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc thì sẽ không thể có sự nở hoa rực rỡ của Làn sóng Hàn Quốc như hiện nay.

 Triển lãm Thêu của Lee Jung Hee do Nghiệp đoàn Tranh thêu truyền thống chủ trì tổ chức, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Nghệ thuật văn hóa Hàn Quốc… tài trợ. Theo nghệ nhân Lee Jung Hee, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc có Ủy ban Văn hóa đảm nhận việc xét duyệt tài trợ dự án của nghệ nhân, nghệ sĩ. Dựa vào kinh nghiệm, danh tiếng của nghệ nhân, nghệ sĩ, nội dung triển lãm, Ủy ban Văn hóa sẽ xét duyệt và tài trợ kinh phí tổ chức. Điều này nhằm khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân thực hiện các dự án nghệ thuật độc đáo, cũng như hỗ trợ họ giới thiệu tác phẩm tới công chúng trong nước và thế giới.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lưu giữ nghề thêu cung đình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO