Lưu giữ âm nhạc dân gian theo hình thức nào?

31/01/2008 00:00

Hiện nay, trong xu thế đổi mới, phát triển và hội nhập, dòng âm nhạc dân gian cũng đang có những bước thay đổi về nội dung và hình thức.

      Nhiều làn điệu dân ca, những vở chèo, tuồng, cải lương... đã được cách tân, cải biên như bỏ lời hát cổ truyền và thay vào đó là lời ca mới, hay những tác phẩm âm nhạc hiện đại nhưng mượn âm hưởng, hình ảnh của âm nhạc dân gian hoặc nhiều vở chèo cổ cũng được cách tân mang hơi thở hiện đại... Ví dụ như bộ ba vở Chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt do Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần dựng là một thành công, bởi sau khi được cải biên mang dáng vẻ sân khấu kịch hiện đại nhưng vẫn giữ được những đặc trưng của nghệ thuật chèo cổ. Cách làm này có thể xem đã đảm bảo tốt yêu cầu kế thừa truyền thống một cách sáng tạo. 
      Tuy nhiên mặt trái của việc cải biên, cách tân là sự rơi rụng, thất truyền, mai một những làn điệu cổ giá trị. Ca trù là một trong những số đó, gần 20 làn điệu được ghi nhận, nay chỉ còn dăm bảy điệu. Các nghệ nhân - “báu vật sống”, những người lưu giữ và bảo tồn ca trù một cách nguyên bản nhất cũng lần lượt ra đi mang theo giá trị nhạc cổ vô giá. 
      Chèo và tuồng cũng lâm vào tình cảnh tương tự, hàng trăm vở tuồng cổ với nhiều dạng thức khác nhau nay chỉ còn lưu lại trong trí nhớ vài người. Nhiều nghệ sỹ tuồng, chèo, dân ca không đọc được bản nhạc cổ. Hơn 50 vở chèo cổ với 170 làn điệu nay chỉ còn được biết đến vài vở trong khi số lượng đoàn chèo của cả nước hiện nay là không nhỏ, hơn 20 đoàn. Việc khôi phục những vở chèo cổ không mấy được quan tâm hoặc có cũng khó thực hiện. Cách đây 8 năm Viện Âm nhạc Việt Nam đã cất công về Thái Bình để sưu tầm chèo Khuốc và chèo Sáo đền, nhưng cơ bản đều bị “hiện đại hoá”, chỉ còn 3 mảnh chèo “xịn” là: Múa đèn đeo vai, Múa tắm tiên, Hề canh điếm. Chèo ngày nay chủ yếu diễn trong nhà hát với sân khấu, với tác giả, với đạo diễn, thay vì diễn sân đình theo lối ứng diễn giữa khán giả và nghệ sỹ. Và hiện nay nhiều vở chèo cổ vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong xã hội Việt Nam đương đại, nhưng theo quan niệm của GS. TS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Về thực chất, có thể gọi đó là một thứ kịch nói pha Chèo bởi diễn biến của nội dung được thực hiện chủ yếu qua lời thoại. Nó có thế mạnh là diễn tả cụ thể, chi tiết, sâu những những xung đột, tuy nhiên nó cũng làm mất đi một số đặc trưng cơ bản của Chèo.
      Với ngành tuồng, tình trạng diễn viên không đọc được hệ thống hò-xư-xang... thuộc rất ít các pho diễn cổ thì việc thể hiện và lưu giữ tuồng cổ cũng là điều không thể làm được. Phong cách tuồng cổ của miền Bắc chỉ còn vài mảnh vụn. Quan họ cũng không ngoài dòng chảy, lối hát cổ ngày xưa đã thay thế bằng nhiều lối hát hiện đại trên sân khấu, hát đơn từng tiết mục trong khi lối hát cổ là hát đôi, có giọng chính, giọng luồn với các kỹ thuật vang, rền, nền, nảy không có nhạc cụ đệm, và theo canh hát. Những biến tấu như thế dễ mang quan họ đi xa và dễ được lứa tuổi trẻ tiếp nhận nhưng đồng nghĩa với nó giá trị kinh điển, cổ truyền sẽ bị lấn lướt, dễ dẫn đến nguy cơ thất truyền.
      Cùng với việc cách tân nội dung âm nhạc dân gian thì “cải tiến nhạc cụ” để nó trở nên hiện đại hơn, đa năng hơn như lắp thêm dây, khoét thêm lỗ cho sáo kèn, đặt thêm ống cho Kloong Put, Tơrưng... cũng khiến cho giá trị cổ nhạc bị ảnh hưởng. Và điều đáng lo ngại nhất là tất cả đều mang âm hưởng của nhạc cổ điển châu Âu. 
      Sự thay đổi của âm nhạc cổ theo hướng hiện đại là tất yếu của mỗi chặng đường lịch sử tuy nhiên nếu không có những điều kiện, quy định cho việc cải biên, thay đổi thì nguy cơ tổn thất hoặc mất trắng những giá trị của nhạc cổ là điều khó tránh. GS. TS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh: Điều tệ hại nhất là sau khi sử dụng các giá trị và biểu đạt âm nhạc dân gian theo kiểu như hiện nay sẽ không giữ lại được những hình thức nguyên bản của những thứ chúng ta đã sử dụng. Trong khi các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh luôn đòi hỏi không được làm khác đi với nguyên bản, kể cả khi trùng tu, tôn tạo. Và theo ông, việc tìm cho ra chủ sở hữu của âm nhạc cổ sẽ là điều kiện để khống chế việc sử dụng nguồn tài sản phi vật thể khỏi những sáng tạo theo kiểu “vứt bỏ hoàn toàn những yếu tố truyền thống” hoặc phối kết hợp một cách “lủng củng” “râu ông nọ cắm cằm bà kia”... Từ đó sẽ có những quy định, nhằm kiểm soát đối với việc mượn âm nhạc cổ cho sáng tác nghệ thuật đương đại. Như vậy vừa bảo tồn vừa phát huy có sáng tạo âm nhạc cổ và vẫn đảm bảo yêu cầu: Tiên tiến đậm đà bản sắc. Và bên cạnh đó nên chăng cần tạo cho những tác phẩm nghệ thuật dân gian có một môi trường để nó được sống với bản chất vốn có của mình. Và song song với nó là dòng dân gian được cách tân. Về vấn đề này, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cũng cho rằng: Nghệ thuật cổ dân gian có thể xem đã đạt  đỉnh cao tuy nhiên xu hướng cải tiến, cách tân các loại hình nghệ thuật truyền thống này là tất yếu, một số cách tân đã hấp dẫn được khán giả và chuyển tải những câu chuyện đương đại vào đó. Bởi vậy chúng ta cần dung hoà cả hai yếu tố cách tân và bảo tồn, truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên để có thể làm được điều này đòi hỏi tầm vĩ mô của các nhà quản lí và làm văn hoá.

Đinh Thị Loan

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lưu giữ âm nhạc dân gian theo hình thức nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO