Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, việc Nghị định thư yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết đã tạo cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn và bền vững.
Dù mới xuất khẩu chính ngạch từ tháng 9.2022 nhưng đến nay sầu riêng Việt Nam đã chiếm được 31,8% thị phần tại thị trường Trung Quốc và chỉ đứng sau Thái Lan (chiếm 68% thị phần).
Theo số liệu thống kê, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 603.000 tấn sầu riêng, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc hơn 595.000 tấn (chiếm 98,6%).
Hai tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất được hơn 41.000 tấn, xấp xỉ sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm 2022.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) hiện đã phê duyệt mã số cho 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.
Thời gian tới, việc mở cửa thành công cho sản phẩm sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam.
Do đó, Cục Bảo vệ thực vật khuyến nghị, cần tận dụng tốt cơ hội, lợi thế và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp; không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng thì ngành hàng sầu riêng của Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ hội mở rộng thị trường được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.
Hiện, diện tích trồng sầu riêng trên cả nước là hơn 112.000 ha (chiếm 9% diện tích trồng cây ăn quả) và sản lượng sầu riêng đạt 863.000 tấn.