Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Lượng hóa cụ thể hơn các chính sách ưu đãi, hỗ trợ

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 06:27 - Chia sẻ
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai đã có thay đổi khá lớn khi bổ sung một số quy định về phát triển công nghiệp điện ảnh. Ghi nhận sự điều chỉnh này, tại phiên thảo luận tổ sáng qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa hơn nữa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp ràng buộc về mặt pháp lý để khả thi hơn.

Phải tạo ra bước phát triển mới

Trong những năm qua, nền điện ảnh nước ta đã có bước phát triển rất mạnh. Từ một ngành dịch vụ giải trí công ích thuần tuý do Nhà nước bao cấp hết để chăm lo đời sống tinh thần cho Nhân dân, điện ảnh ngày nay đã tiến tới trở thành một ngành kinh tế có đóng góp ngày càng nhiều vào thu nhập quốc dân, nhưng không bỏ qua mục đích phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần, nhiệm vụ chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kỳ vọng của Nhân dân. Như vậy, đây là một ngành tổng hợp rất quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần.

Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội đã được chuẩn bị rất công phu, tiếp thu, giải trình rất cụ thể. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật với tầm nhìn xa hơn. Sửa luật lần này là sửa đổi toàn diện chứ không phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Mà đã sửa đổi toàn diện là phải sửa cả về hình thức và nội dung để sau khi có luật mới thì ngành điện ảnh Việt Nam có bước phát triển mới, hội nhập mạnh mẽ hơn nữa với điện ảnh thế giới. 

Theo ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), nếu Việt Nam muốn vươn tầm ra thế giới trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng thì phải thay đổi cách làm. Hàn Quốc hàng năm đều đưa sinh viên đi học, đào tạo tại các trung tâm điện ảnh thế giới, từ đó văn hóa, điện ảnh Hàn Quốc trở nên hết sức phổ biến, nhất là ở khu vực châu Á. Ở nước ta, vì sao trong thời kỳ chiến tranh đã có rất nhiều tác phẩm điện ảnh hay, sâu sắc, có sức sống trường kỳ với lịch sử như Em bé Hà Nội, Sao Tháng Tám, Vỹ tuyến 17... mà bây giờ lại thiếu vắng các tác phẩm như vậy? Đặt câu hỏi này, ông Nguyễn Mạnh Tiến cũng cho rằng, dự thảo Luật còn thiếu các chính sách quan tâm, đầu tư cho con người, mới chỉ nhấn mạnh đến quản lý nhà nước. Nếu cứ tiếp tục làm theo cách này liệu có thúc đẩy phát triển được thị trường điện ảnh hay không? 

Thực tế đã chứng minh, điện ảnh là ngành nghệ thuật tiên phong. Đầu tư cho lĩnh vực này sẽ lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. Trong đó, một số bộ phim đoạt giải Oscar hay có tiếng vang lớn trên thị trường phim chiếu rạp của Hàn Quốc đã trở thành niềm tự hào của quốc gia, giúp phát triển du lịch. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cách tiếp cận đối với dự luật này phải rộng hơn mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành điện ảnh.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại điểm cầu thành phố Hải Phòng

Nhuần nhuyễn giữa tiền kiểm và hậu kiểm

Một trong những nội dung được kỳ vọng khi thông qua sẽ phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và thị hiếu của người xem hiện nay, đó là quy định về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 22). Dự thảo Luật quy định theo hướng, tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.

Quy định này được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế cũng như thương mại điện tử xuyên biên giới. Đồng thuận với nội dung này, song ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) lưu ý, khi phổ biến phim trên không gian mạng theo phương án như dự thảo Luật sẽ phải có những biện pháp kèm theo. Ví dụ như tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm; có những biện pháp công nghệ để có thể kịp thời xử lý và phát hiện sai phạm; tăng cường mức xử phạt nghiêm minh để các tổ chức, cá nhân sai phạm một lần, không dám sai phạm lần nữa. “Những điều kiện đi kèm với phương án này tương đối phức tạp, nên hy vọng cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện được”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương nêu rõ.

Chỉ ra thực tế việc phổ biến phim trên không gian mạng hiện đang "trăm hoa đua nở", chưa quản lý được, ĐBQH Bùi Huyền Mai (Hà Nội) lưu ý, khi thay đổi quan điểm quản lý hoạt động này từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cơ quan chủ trì soạn thảo phải tính toán kỹ. Ví dụ, chúng ta yêu cầu nhà cung cấp phim trên không gian mạng tự kiểm định kết quả, cảnh báo cư dân mạng theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch ban hành. Câu hỏi đặt ra là: Nhà nước có công cụ nào để bảo đảm nhà cung cấp phim không phổ biến văn hóa phẩm độc hại trên mạng trước khi bị phát hiện? Với sự thay đổi phương pháp quản lý như dự thảo luật liệu có gây mất công bằng, vì nhà sản xuất phim chiếu rạp và phim chiếu trên sóng truyền hình thì phải xin phép, trong khi phim chiếu trên không gian mạng lại không phải xin phép. Cùng với đó, việc kiểm soát phim phổ biến trên không gian mạng liên quan đến một số bộ, ngành khác, thì sự phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành để kiểm soát phim phổ biến trên không gian mạng như thế nào?

Ngoài ra, việc thực hiện tiền kiểm phân phối phim trên không gian mạng cũng tạo áp lực lớn, vì có hàng trăm bộ phim được đưa lên, nguồn lực của chúng ta có đủ để đáp ứng hay không? Thực tế thời gian qua cho thấy đã để lọt một số bộ phim có hình ảnh không phù hợp trên không gian mạng. “Tất nhiên, khâu tiền kiểm cũng có vai trò rất quan trọng, không thể bỏ khâu này, nhưng cần có giải pháp phối hợp nhuần nhuyễn giữa tiền kiểm và hậu kiểm. Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể nghiên cứu quy định rõ tiền kiểm, hậu kiểm đến mức độ nào, tránh để lọt những bộ phim có yếu tố xuyên tạc lịch sử, trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước”, ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) gợi mở.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai đã có nhiều bổ sung, điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng thống nhất với cơ quan thẩm tra khi đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật trên cơ sở nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số, bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh... Trong đó, các chính sách phát triển điện ảnh, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện ảnh cần được lượng hóa cụ thể hơn, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt cần có giải pháp ràng buộc về mặt pháp lý để bảo đảm tính khả thi. 

Lê Bình