Luôn trân trọng nhân tài

Nguyên Anh thực hiện 17/05/2020 08:21

Hơn 30 năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh, TS. Chu Đức Tính - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng, cái tuyệt vời của Bác là nâng niu, trân trọng mọi con người, trong đó Người đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ, vì “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Người lúc nào cũng sẵn sàng dang rộng vòng tay đón người tài, khuyến khích mọi tài năng, sắp xếp đúng vị trí.

Hạnh phúc của dân tộc Việt Nam

- Dành toàn bộ sự nghiệp hơn 30 năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh, tại thời điểm này nhìn lại, ông tâm đắc nhất điều gì ở Người?

- Trong Di chúc của mình, năm 1968 Chủ tịch Hồ Chí Minh có bổ sung một đoạn nói về việc riêng. Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Tôi rất tâm đắc với câu này, bởi đây là một đánh giá rất khiêm tốn và chính xác. Bác như tự vấn mình, cả cuộc đời phấn đấu cho Đảng, cho nhân dân, cho Tổ quốc, đến khi nhắm mắt xuôi tay “không có điều gì phải hối hận”. Chỉ mấy từ, nhưng bất kỳ cán bộ, Đảng viên nào khi về với “cõi người hiền”, về với tổ tiên, mà tự đánh giá được như thế là hạnh phúc. Và người có vị trí càng cao thì hạnh phúc càng lớn. Với một người từng kinh qua các vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhìn lại cả cuộc đời mình, Bác tự đánh giá “không có điều gì phải hối hận”, tôi cho đây là một hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu trong tôn trọng và sử dụng nhân tài

Quả thực, cả cuộc đời Bác là một con người như thế. Đối với Đảng và dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh có 4 sáng lập lớn: Sáng lập Đảng năm 1930; sáng lập ra Mặt trận Việt Minh năm 1941; sáng lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1944; và sáng lập Nhà nước Việt Nam năm 1945. Bên cạnh công lao ấy, Người còn thể hiện tấm gương cả cuộc đời vì nước, vì dân, suốt đời và lúc nào cũng đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết, trước hết.

- Trong mối quan hệ với nhân dân thì sao?

- Cán bộ bình thường hay mắc bệnh trong kháng chiến thì đồng cam cộng khổ, sẵn sàng dựa vào dân, trọng dân, thân dân, kính dân, nhưng khi hòa bình, có điều kiện để hưởng thụ, được ngồi vào ghế lãnh đạo thì nhiều người vô tình hoặc cố ý quên mất những người dân xưa đã đùm bọc, cưu mang mình. Trong cả cuộc đời mình, Bác luôn nhắc nhở cán bộ, Đảng viên không được ứng xử với dân như thế. Bác nói Đảng ta là Đảng cầm quyền, phải xứng đáng là Đảng lãnh đạo và phải là đầy tớ thực sự trung thành của dân. Xứng đáng là người lãnh đạo tức phải có năng lực lãnh đạo, còn đầy tớ của nhân dân tức là công bộc của dân, coi dân thực sự là ông chủ. Đấy là hai mặt của vấn đề. Là lãnh đạo thì phải có năng lực để lãnh đạo, nhưng muốn lãnh đạo được thì phải có phẩm chất đạo đức của người lãnh đạo.

“Khéo dùng, thì nhân tài ngày càng thêm nhiều”

- Bác đã làm thế nào để tìm được những nhà lãnh đạo vừa có năng lực, vừa có phẩm chất đạo đức như ông vừa nói?

 - Cái tuyệt vời của Hồ Chí Minh là nâng niu, trân trọng mọi con người, trong đó Người đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ, vì “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 3.9.1945, Bác đã cho đăng báo, sẵn sàng tổ chức tiếp dân để dân có thể đề đạt nguyện vọng, hiến kế vì quốc kế dân sinh, và để giám sát cán bộ. Bác sẵn sàng tiếp đón mọi người với hai điều kiện: Thứ nhất, phải thông báo trước để Bác xếp lịch, đồng bào đỡ phải chờ đợi; và thứ hai, mỗi người chỉ được gặp Bác một tiếng, còn dành thời gian cho người khác. Báo Cứu quốc ngày 14.11.1945 đăng bài viết “Nhân tài kiến quốc” của Bác, trong đó Bác đánh giá cao vai trò của nhân tài: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng, thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”.

TS. Chu Đức Tính
TS. Chu Đức Tính

Đến ngày 20.11.1945, Bác lại viết tiếp bài “Tìm người tài đức”, cũng đăng trên Báo Cứu quốc. Bác viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào, chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghĩ không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận…”. Một bài báo rất ngắn nhưng Bác khẳng định trong nhân dân nhất định có nhiều người có thể làm cán bộ giúp nước, giúp dân, vấn đề là tìm ra họ hay không. Tôi và Chính phủ chưa có tài nhìn ra họ để sử dụng, khuyết điểm đó, tôi là Chủ tịch Nước, tôi xin nhận. Tức là ngay trong lời hiệu triệu tìm người tài, Bác đã nhận khuyết điểm là mình chưa phát hiện ra người tài; đồng thời khẳng định lúc nào cũng sẵn sàng dang rộng vòng tay đón người tài.

Không dừng ở lời kêu gọi mà trong ứng xử của mình hàng ngày, Bác luôn trân trọng mọi người có tài có đức. Cho nên, đứng dưới ngọn cờ của Bác có ba lực lượng: Cán bộ, Đảng viên sẵn sàng theo Bác, theo Đảng từ những ngày còn hoạt động bí mật; nhân sĩ, trí thức của chế độ cũ, nghe và tin theo Hồ Chí Minh, từ bỏ giai cấp bóc lột của mình để trở thành công bộc của nhân dân; những lực lượng từng là kẻ thù của nhân dân, nhưng khi tiếp xúc với Hồ Chí Minh, thấy chế độ của Hồ Chí Minh nhân văn như vậy, thì rất nhiều người đã từ bỏ hàng ngũ của địch, trở về đứng dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh. Như vậy, rõ ràng Người có sức cảm hóa tuyệt vời. Sự cảm hóa đó xuất phát từ cái gốc là Bác luôn đánh giá cao vai trò của cán bộ. Cán bộ đó phải có tài và có đức, hai yếu tố quan trọng như nhau, không cái nào bị coi kém hơn cái nào.

- Tìm được nhân tài đã khó, nhưng sử dụng được họ thì còn khó hơn. Người xưa có câu “dụng nhân như dụng mộc”. Với Bác Hồ, việc “dụng nhân” được thể hiện như thế nào?

- Khéo xếp người vào công việc phù hợp. Người giỏi khoa học tự nhiên thì xếp vào công việc khoa học tự nhiên, người giỏi công tác xã hội sẽ làm công tác xã hội. Không được xếp trái ngành trái nghề. Đấy là cái tài của Bác Hồ. Khuyến khích mọi tài năng, sắp xếp đúng vị trí. Vì thế, hầu như không có cán bộ nào dưới thời Hồ Chí Minh không phát huy năng lực. Tôi từng làm quản lý 16 năm, điều tôi học Bác chính là cách dùng người. Đó không phải sách lược mà là chiến lược cụ thể, dùng thực sự, thật tâm, khen đúng và chê đúng, nâng niu, trân trọng mọi con người.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Luôn trân trọng nhân tài
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO