Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội (2.3.1946 - 2.3.2021)

Luôn là cơ quan tham mưu, giúp việc tin cậy của Quốc hội

- Thứ Sáu, 26/02/2021, 08:50 - Chia sẻ
Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Do công tác phục vụ được bắt đầu từ Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I nên ngày khai mạc Kỳ họp đầu tiên (2.3.1946) có ý nghĩa lịch sử là ngày mở đầu truyền thống hoạt động của Văn phòng Quốc hội - khi đó là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội. Vì thế, ngày 2.3.2005, Chủ tịch Quốc hội Khóa XI Nguyễn Văn An đã ký ban hành Nghị quyết số 751/2005/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyết nghị: Ngày 2.3 hàng năm là Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. 

Tận tụy và trách nhiệm

Ngay từ thủa ban đầu, cơ quan phục vụ Ban Thường trực Quốc hội đã bộn bề công việc. Nhiệm vụ đầu tiên, hết sức quan trọng khi ấy là bảo đảm liên lạc thông suốt với Chính phủ; thực hiện những công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng (in, sao văn bản, chuyển phát tài liệu, giao thông liên lạc, tổ chức công tác tài chính; sắp xếp nơi ăn ở cho các đại biểu khi về họp, tổ chức các hội nghị của Ban Thường trực Quốc hội...). Theo bản kê khai lý lịch của các nhân viên phục vụ Ban Thường trực Quốc hội tại Hồ sơ số 276 lập ngày 20.6.1947 của Phòng tư liệu Quốc hội thuộc Trung tâm lưu trữ quốc gia III thì số cán bộ nghiệp vụ đầu tiên chỉ gồm: Ông Trần Văn Xoang (tức Trần Thanh Tú); ông Hoàng Viết Sinh (tức Trịnh Hoàng); ông Phạm Văn Tâm; bà Trịnh Thị Phúc, cùng một số nhân viên phục vụ khác, tất cả gần 20 người. Đây là những cán bộ được tuyển chọn từ các cơ quan trung ương và đều là những người có phẩm chất cách mạng, tư cách, đạo đức tốt, tận tâm, tận lực thực thi nhiệm vụ.

Tuy số lượng ít ỏi, chỉ gần 20 người nhưng họ đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội giải quyết nhiều công việc thiết thực, hiệu quả. Có thể dẫn ra một số việc chủ yếu như:

Ngày 16.4.1946, Văn phòng đã tham mưu cho Ban Thường trực Quốc hội tổ chức một phái đoàn gồm 10 đại biểu Quốc hội do Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang công tác tại Pháp, từ 25.4 đến 16.5.1946 với nhiệm vụ làm cho Nhân dân Pháp và số đông các chính khách Pháp hiểu rõ cuộc đấu tranh vì độc lập của Việt Nam và mong muốn quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Pháp thân thiện trên nền tảng thừa nhận ý nguyện độc lập, thống nhất của Việt Nam.

Cũng trong thời gian này, ở Nam bộ và Nam Trung bộ, quân Pháp vẫn luôn luôn khiêu khích, phá hoại Hiệp định sơ bộ (6.3.1946). Để có cơ sở pháp lý làm căn cứ đấu tranh, Văn phòng đã giúp Ban Thường trực Quốc hội xây dựng văn bản Lời hiệu triệu quốc dân đồng bào với nội dung cơ bản gói gọn trong các cụm từ “chuẩn bị”, “đoàn kết”, “bình tĩnh”, “tránh khiêu khích” nhằm chống lại sự phản bội Hiệp định sơ bộ của quân Pháp. Lời kêu gọi của Ban Thường trực Quốc hội đã được quốc dân đồng bào hưởng ứng nhiệt liệt, tin tưởng và tôn trọng.

Ngày 3.5.1946, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thành lập một Đoàn công tác do linh mục Phạm Bá Trực dẫn đầu cùng Chính phủ vào Trung bộ để giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách quốc gia liên hiệp của Chính phủ Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, ngày 14.8.1946, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thành lập một phái đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó có các đại biểu Nguyễn Trí và Dương Văn Dư vào Nam Trung bộ động viên các chiến sĩ đang anh dũng chiến đấu trên các mặt trận. Cũng trong thời gian này, Văn phòng còn giúp Ban Thường trực Quốc hội chỉ đạo soạn thảo Bản tuyên ngôn để hiệu triệu quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ, đập tan mọi âm mưu chia rẽ dân tộc của địch...

Chỉ trong 8 tháng (thời gian giữa hai Kỳ họp của Quốc hội Khóa I, từ tháng 3 đến tháng 11.1946), Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã tham mưu, phục vụ ba Tiểu ban của Quốc hội xem xét và cho ý kiến đối với 98 dự án sắc lệnh do Chính phủ gửi sang. Tuyệt đại bộ phận các ý kiến của Ban Thường trực Quốc hội về các dự án Sắc lệnh đã được Chính phủ tiếp thu (trong đó được tiếp thu nhiều hơn cả là các dự án Sắc lệnh về hội họp, Sắc lệnh về ấn loát, Sắc lệnh về lao động, Sắc lệnh về giáo dục...). 

Có thể thấy rằng, ngay từ buổi đầu, với tinh thần hăng say cách mạng, anh chị em Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã làm việc hết sức tận tụy và có trách nhiệm cao. Từ đó, đã giúp Ban Thường trực Quốc hội giải quyết thấu đáo nhiều công việc hệ trọng. Bên cạnh những công việc mang tầm cỡ chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại lớn lao thì mọi công việc hành chính, quản trị như văn thư, đánh máy, ấn loát, thông tin liên lạc... đến việc theo dõi tình hình hoạt động của đại biểu ở các địa phương để giúp Ban Thường trực Quốc hội giữ mối liên lạc, tất thảy đều được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả... Đó cũng là tiền đề để Văn phòng Quốc hội các giai đoạn sau học tập, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ cho Quốc hội trong từng thời kỳ cho tới tận bây giờ...

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai mạc ngày 2.3.1946

Nguồn: ITN 

Cơ quan tham mưu chiến lược của Quốc hội

Sau này và hiện nay, bên cạnh các hoạt động phục vụ về điều kiện làm việc của Quốc hội (cơ sở vật chất, phương tiện công tác, công nghệ thông tin...) thì tham mưu chiến lược theo chức năng của Quốc hội là khối lượng công việc to lớn đối với Văn phòng Quốc hội.

Về tham mưu công tác lập pháp: Chỉ tính về số lượng, nếu 7 khóa đầu của Quốc hội (1946 - 1987), Văn phòng Quốc hội mới tham mưu phục vụ xây dựng được 29 đạo luật và 3 bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946, 1959 và 1980), thì 7 khóa Quốc hội sau, bắt đầu từ Khóa VIII (khóa đầu tiên của công cuộc đổi mới) đến nay (1987 - 2021), với sự tham mưu phục vụ đắc lực của Văn phòng Quốc hội, Quốc hội đã xây dựng được 428 đạo luật và 2 bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2001 và Hiến pháp năm 2013). Đặc biệt, từ đầu thế kỷ XXI tới nay, 4 khóa Quốc hội (từ Khóa XI - XIV) đã xây dựng tới 321 đạo luật, trung bình mỗi khóa xây dựng được 80 luật. Trong quy trình 7 công đoạn xây dựng luật thì Văn phòng Quốc hội đã tham mưu phục vụ 4 công đoạn rất quan trọng, đó là: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thẩm tra các dự án luật; phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các dự án để trình ra Quốc hội; và phục vụ Quốc hội thông qua các luật. Có lẽ đây là loại công việc nặng nề, phức tạp, tiêu hao nhiều thời gian và hao phí nhiều lao động trí tuệ bậc nhất, nhưng Văn phòng Quốc hội đã nỗ lực, phấn đấu với mức cao nhất để hoàn thành có chất lượng nhiệm vụ phục vụ tham mưu chiến lược của mình...

Tương tự như vậy, trong tham mưu phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng Quốc hội đã hoàn tất khá nhiều công việc cụ thể, trong đó có 3 loại việc rất quan trọng: Một là, tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai có hiệu quả tất cả 6 hình thức giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp theo luật định (trừ hình thức thành lập Ủy ban lâm thời), đặc biệt có hiệu quả cao là hình thức giám sát lấy phiếu tín nhiệm. Hai là, tham mưu để Quốc hội chấp nhận hình thức giám sát chuyên đề (là một hình thức giám sát có tác dụng nhiều mặt), do đó đã được luật định là một hình thức giám sát tối cao của Quốc hội và bắt đầu được thực hiện từ Quốc hội Khóa XI. Ba là, thường xuyên đổi mới hình thức giám sát hoạt động chất vấn. Từ chất vấn theo nhiều lĩnh vực đến chất vấn theo nhóm vấn đề chuyên sâu; từ nhóm vấn đề được biết trước của Bộ trưởng, Trưởng ngành đến chất vấn tổng thể (chưa biết ai bị chất vấn, chất vấn vấn đề gì, vào thời gian nào, bao lâu); từ 3 - 4 bộ trưởng, trưởng ngành phải trả lời đến gần như toàn bộ thành viên Chính phủ, toàn bộ những người đứng đầu cơ quan nhà nước đều phải đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Những đổi mới đó đã đem lại hiệu quả thiết thực, rõ nét (người bị chất vấn trách nhiệm hơn trong điều hành công việc thuộc phạm vi quản lý của mình; đại biểu Quốc hội hoàn thiện hơn, trí tuệ hơn trong lựa chọn nội dung và cấu trúc câu chất vấn...) và nhiều vấn đề chất vấn đã được “đi tới tận cùng”...

Với chức năng thứ ba của Quốc hội - quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu theo hướng thực thi đường lối chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm đạt đến hiệu lực cao nhất. Theo đó, trong thời kỳ chiến tranh, tất cả các quyết định của Quốc hội đều nhằm chi viện sức người, sức của lớn nhất cho tiền tuyến lớn miền Nam và bảo vệ vững chắc miền Bắc - hậu phương lớn của tiền tuyến lớn; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ sau khi hoàn thành thống nhất nước nhà thì các quyết sách của Quốc hội tập trung vào trọng tâm là tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện cho được Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...

Kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống, Văn phòng Quốc hội đang khẩn trương tổ chức nghiên cứu để tham mưu cho các hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới, tập trung vào việc thực hiện tốt nhất các nội dung Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV... Với truyền thống đáng tự hào và những thành tựu quan trọng đã đạt được trong 75 năm qua, tin tưởng rằng, Văn phòng Quốc hội, như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sẽ luôn là cơ quan tham mưu, giúp việc tin cậy của Quốc hội.