Lúng túng xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch

Ngọc Phương 26/11/2015 08:11

Nhiều khách du lịch phàn nàn, bức xúc khi thấy cách biệt đáng kể về chất lượng và giá cả dịch vụ giữa khách sạn cao và thấp sao, thậm chí giữa các khách sạn cùng hạng sao, đặc biệt tại những địa phương có du lịch theo mùa vụ. Chính nhà quản lý cũng thừa nhận “lúng túng”, “áy náy” khi xếp hạng cơ sở lưu trú, do tiêu chí thẩm định bất cập.

Xếp hạng nhưng vẫn “áy náy”

Ông Nguyễn Công Khương - Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định chia sẻ: hoạt động du lịch ven biển Nam Định có tính mùa vụ, nhân lực tại các cơ sở lưu trú, từ người quản lý đến đội ngũ nhân viên phần lớn chưa qua đào tạo nghiệp vụ, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, khi thẩm định thường không đủ tiêu chuẩn xếp hạng, nhưng cơ sở lưu trú vẫn trưng biển hiệu khách sạn. Khi thanh tra và xử phạt vì không đăng ký xếp hạng, họ lại đưa hồ sơ đề nghị xếp hạng, nhưng khi thẩm định vẫn không đạt. Vòng luẩn quẩn này gây lúng túng cho đơn vị quản lý.

Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Nam Định. Theo ông Trần Việt Hà, Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, Luật Du lịch hiện hành không quy định: không đủ tiêu chuẩn xếp hạng sao sẽ phải chuyển thành nhà nghỉ. Do vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An đã dùng biện pháp là những khách sạn xếp hạng từ 1 - 5 sao được đưa vào trang web của sở, ngành, để quảng bá tới khách du lịch, từ đó phần nào hạn chế tình trạng không thực hiện xếp hạng cơ sở lưu trú… Tuy vậy, điều đó cũng có nghĩa là vẫn có những khách sạn không đủ tiêu chuẩn đang đón và phục vụ khách du lịch, với sự thiếu chuyên nghiệp về nhân lực cũng như không bảo đảm về cơ sở vật chất.

Ngay cả các khách sạn được xếp hạng cũng có nhiều vấn đề. Thường khách sạn từ 3 - 5 sao chuyên nghiệp, bảo đảm đầy đủ tiêu chí xếp hạng; trong khi nhiều khách sạn từ 2 sao trở xuống có những tồn tại như: trang thiết bị không được chú trọng đầu tư nên chất lượng phục vụ kém, vệ sinh buồng phòng không bảo đảm, cảnh quan, kiến trúc, lễ tân… cũng chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, những cơ sở này vẫn được xếp hạng, bởi khi thẩm định, mỗi vấn đề trên chỉ bị trừ 1 - 2 điểm, nên tính tổng điểm vẫn đạt tiêu chuẩn 2 sao. Xếp hạng rồi lại áy náy - một cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc chia sẻ.

Thực tế, những người thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú còn nhiều băn khoăn, như về số phòng: có cơ sở hơn 10 phòng đã gọi là khách sạn, nhưng có nơi mấy chục phòng vẫn là nhà nghỉ; có khách sạn 30 phòng, nhưng chỉ phục vụ nghỉ, không có các dịch vụ cho du khách, hay khách sạn trên 10 phòng nhưng chỉ có 2 nhân viên. Cũng có trường hợp, tại các trung tâm du lịch, nhiều khách sạn 2 sao chất lượng tốt hơn hẳn khách sạn 3 sao, song không thể nâng hạng vì không đạt tiêu chuẩn về số phòng, do nằm trong khu vực hạn chế quy mô xây dựng…

Nguồn: erts.vn
Nguồn: erts.vn

Khó quản lý

Thời gian qua, nhiều nơi chưa nghiêm túc thực hiện thủ tục xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Tại một số địa phương, có cơ sở lưu trú du lịch chuyển đổi bảng hiệu là nhà trọ để không phải làm thủ tục đăng ký loại, hạng theo quy định, mặc dù các cơ sở lưu trú này đủ điều kiện đăng ký là nhà nghỉ du lịch. Nhiều khách sạn chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trong kinh doanh lưu trú du lịch như: không gắn biển tên, loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận; tự ý nâng hạng sao, quảng cáo không đúng loại, hạng đã được cơ quan nhà nước về du lịch có thẩm quyền công nhận… Đặc biệt, ở vùng du lịch mang tính mùa vụ, việc không niêm yết giá phòng đã dẫn tới tăng giá tùy tiện, không tương xứng với chất lượng, gây bất bình trong du khách.

Tại các thành phố, trung tâm du lịch có địa bàn rộng lớn, số lượng cơ sở lưu trú nhiều và ngày càng tăng, song phòng chuyên môn của cơ quan quản lý du lịch không đủ cán bộ để giám sát, quản lý; khó tổ chức thẩm định, công nhận hạng các cơ sở lưu trú du lịch theo đúng thời gian, trình tự thủ tục như quy định. Bà Lê Mai Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, số lượng cơ sở lưu trú 2 sao trở xuống rất lớn, địa phương không thể “ôm” nổi. Từng có đề nghị phân cấp quận, huyện thẩm định những cơ sở lưu trú đạt chuẩn, nhưng Phòng Văn hóa - Thông tin quận, huyện thường có nhân lực mỏng và kiêm nhiệm quản lý du lịch. Do đó, cần có sự phối hợp giữa cấp Sở và cấp quận, huyện để xếp hạng, quản lý cơ sở lưu trú du lịch, tránh để ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam.

 Từ khi Luật Du lịch 2005 ra đời, cùng sự tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa, số lượng cơ sở lưu trú du lịch đã tăng nhanh chóng. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2005 cả nước có khoảng 6.660 cơ sở lưu trú du lịch với 145.000 buồng thì đến cuối tháng 9.2015, cả nước có tổng cộng 18.700 cơ sở lưu trú với 358.000 buồng, trong đó có 85 khách sạn 5 sao, 209 khách sạn 4 sao, 428 khách sạn 3 sao. Công suất sử dụng buồng bình quân theo năm cả nước ước đạt 55%. Tuy cơ sở lưu trú du lịch phát triển nhanh, chất lượng được nâng cao nhưng chưa đồng đều. Hệ thống khách sạn 1 - 2 sao ít được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lúng túng xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO