Lúng túng trong phân loại văn bản pháp luật

- Thứ Ba, 12/10/2021, 08:23 - Chia sẻ

Kết quả tự rà soát và kiểm tra của Cục Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho thấy, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật Bình Định ban hành đều đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền; nội dung và thể thức; số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái luật chiếm tỷ lệ thấp.

Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cả nước nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng cho thấy, một số địa phương còn lúng túng trong việc xác định để phân loại văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản áp dụng pháp luật. Chẳng hạn, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do HĐND cấp huyện, xã ban hành; Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND cấp huyện đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã… Cơ quan nào có trách nhiệm thẩm định các quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do cấp xã ban hành…?. Chính vì thế không ít địa phương rơi vào lúng túng, phải có công văn đến Sở Tư pháp đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ, bởi việc phân loại văn bản sẽ liên đới đến các vấn đề trình tự, thủ tục thẩm định như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, Điều 2 và Khoản 1, Điều 3, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã quy định: Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội do HĐND ban hành được xác định có nội dung chứa đựng quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần là văn bản quy phạm pháp luật; và phải được thẩm định trước khi ban hành. Còn tại Điểm h, Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP thì Quyết định phê duyệt kế hoạch không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND cấp huyện đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã phải được ban hành bằng hình thức là văn bản áp dụng.

Trong một số trường hợp, việc đánh giá một dự thảo có là văn bản quy phạm pháp luật hay không là vấn đề tương đối khó. Do vậy, việc diễn ra sai sót trong quá trình dự thảo, ban hành là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dự thảo văn bản có nội dung rõ ràng là có “chứa đựng quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần” nhưng không được thực hiện đúng quy trình; mang tính chất tùy tiện, “ngẫu hứng” là khó chấp nhận.

Hậu quả pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật trái luật làm ảnh hưởng đến nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp; gây tác hại đối với đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng vào niềm tin của nhân dân. Đã từng có chuyện, HĐND xã H.; huyện H. đã ban hành Nghị quyết về thu đóng góp bê tông nông thôn theo nhân khẩu, không phân biệt lứa tuổi, thành phần; không lấy ý kiến của nhân dân, trái với tinh thần quy chế dân chủ ở cơ sở, bị dư luận phản ứng.      

Từ thực tế này, thiết nghĩ để góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cấp, các ngành phải nhận thức cho đúng tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, cơ quan soạn thảo và cơ quan làm công tác thẩm định cần phải có những cải cách đột phá để cùng góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, cần chú ý biện pháp thu hút và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và kinh nghiệm và phải được xác định là khâu quan trọng nhất. 

Phạm Dân - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định