Thăng Long qua những thăng trầm
Trong khuôn khổ Hội Sách Hà Nội 2022, chiều 8.10, NXB Hà Nội ra mắt bộ sách “Các vương triều trên đất Thăng Long” gồm 4 cuốn: “Vương triều Lý (1009 - 1226)”, “Vương triều Trần (1226 - 1400)”, “Vương triều Lê (1428 - 1527)”; và “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng”.
Trong đó, cuốn “Vương triều Lý (1009 - 1226)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên đã giới thiệu đến độc giả một công trình nghiên cứu về lịch sử hơn 200 năm của Vương triều Lý từ buổi lập dựng, cực thịnh cho tới lúc suy vi. Công trình một lần nữa khẳng định những cống hiến to lớn của vua Lý Thái Tổ, triều đình và quân dân nhà Lý trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa…; xây dựng Đại Việt thành một quốc gia độc lập, thống nhất và cường thịnh; đặt nền tảng cho nền văn minh Việt Nam với trung tâm là kinh đô Thăng Long tiếp tục phát triển và tỏa sáng.
Cuốn “Vương triều Trần (1226 - 1400)” do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên, đưa độc giả đi qua lịch sử 175 năm của vương triều Trần - từ năm 1226 - 1400, trải qua 13 đời vua với thời gian hưng thịnh xấp xỉ một thế kỷ rưỡi. Đây cũng là vương triều có công lao to lớn trong sự nghiệp phục hưng dân tộc một cách toàn diện trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, củng cố, thống nhất quốc gia và thúc đẩy sự phát triển của nền văn minh, đưa nước Đại Việt phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu to lớn.
“Vương triều Lê (1428 - 1527)”, cũng do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên, viết về một thời đoạn đặc biệt của lịch sử. Vương triều Lê sơ (1428 -1527) được đánh giá là ngọn núi cao nhất trong dãy núi chế độ phong kiến Việt Nam. Khác với triều đại Lý hay Trần, Nhà Lê xác lập vương vị, trở thành vương triều có hào quang của sự y tín đầy rực rỡ sau khi giải phóng dân tộc, củng cố chủ quyền đất nước và mở rộng lãnh thổ quốc gia, đưa Đại Việt tiến đến vị thế cường quốc trong khu vực, khiến lân bang kính nể.
“Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” là công trình cuối cùng trong bộ sách. Đây là giai đoạn duy nhất trong lịch sử dân tộc trong tình trạng một nước hai vua (Lê - Mạc), hai chúa (Trịnh - Nguyễn), tồn tại cả vua và chúa (vua Lê - chúa Trịnh), chưa kể chính quyền nhà Tây Sơn. Tất cả “mảnh ghép” ấy làm nên bối cảnh tổng quát đầy phức tạp, nhiều mâu thuẫn, đan xen giữa mô hình chính trị - hệ tư tưởng với thực thể đời sống. Là một chuyên gia hàng đầu về giai đoạn lịch sử này, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã đưa ra những bình luận, nhận định giúp người đọc có được cái nhìn đa chiều, đa diện và sâu sắc và sự cảm nhận về phần hồn “Kẻ Chợ” đầy hưng thịnh của Thăng Long thời Mạc - Lê Trung Hưng.
Còn dư địa nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội
Sau hơn 10 năm kể từ khi ra mắt lần đầu trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến năm 2010, 4 công trình của bộ sách “Các vương triều trên đất Thăng Long” đã khẳng định giá trị khoa học của mình, được đông đảo độc giả quan tâm. Đội ngũ tác giả là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành trong giới Sử học, nội dung từng cuốn sách được thông qua bởi Hội đồng Khoa học của Thành phố. Trong lần ra mắt năm 2022, theo Phó tổng Giám đốc NXB Hà Nội Phạm Thùy Dương: NXB và các tác giả đã đầu tư nhiều công sức rà soát, chỉnh sửa, hiệu đính thông tin, tiếp tục bổ sung các kết quả nghiên cứu nhằm mang đến cho bạn đọc công trình nghiên cứu tương đối toàn diện. Các tác giả đã cố gắng để lý giải những vấn đề lịch sử một cách khoa học và đáng tin cậy nhất.
PGS. TS. Vũ Văn Quân khẳng định: Các cuốn sách từ “Vương triều Lý (1009 - 1226)”, “Vương triều Trần (1226 - 1400)”, “Vương triều Lê (1428 - 1527)”; và “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng” là sự tập hợp kết quả nghiên cứu của giới sử học Việt Nam và quốc tế về từng giai đoạn lịch sử, không phải sản phẩm của riêng người chủ biên hay tập thể tác giả. Đó không phải là kết quả nghiên cứu của 10 năm mà của nhiều năm qua các giai đoạn lịch sử.
“Lịch sử càng lùi xa, nguồn sử liệu đến ngày hôm nay càng khan hiếm. Vương triều Trần không quá xa nhưng không phải dồi dào tư liệu. Vài chục năm qua, nhiều lớp nhà nghiên cứu sử học, văn hóa đã tìm tòi gắng công sưu tầm, khai thác các nguồn sử liệu trong cũng như ngoài nước để dựng lại lịch sử dân tộc ở các vương triều nói chung và triều Trần nói riêng. Đến nay, đã có nhận thức tương đối căn bản, đầy đủ, toàn diện về vương triều Trần nói riêng cũng như các vương triều khác trong lịch sử” - PGS. TS. Vũ Văn Quân nói.
Các nghiên cứu đã được thực hiện qua nhiều thời kỳ, nhưng để tập hợp thành một bộ sách cũng là công việc vô cùng phức tạp. GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ: “Khi được phân công chủ biên, chúng tôi khai thác triệt để đóng góp của các chuyên gia. Khi tổng hợp các bản thảo đó lại, dù là chuyên gia rất giỏi về các lĩnh vực, nhưng trình bày trong cấu trúc tổng thể có chỗ thừa, thiếu, mỗi người có cách thể hiện một khác. Chúng tôi “gò” mọi người vào mẫu chuẩn, tổng hợp, hiệu chỉnh chặt chẽ, thậm chí có chỗ phải bổ sung, cắt bớt, có chỗ viết lại, để trở thành một công trình, cuốn sách thống nhất, đạt đến độ chuẩn tương đối cao”.
Nghiên cứu lịch sử, tư liệu được coi là số 1, “có bột mới gột lên hồ”, tư liệu càng tốt, càng nhiều công trình càng tiệm cận với sự thật lịch sử. Nghiên cứu các tư liệu phương Tây viết về Thăng Long, cũng như về Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng, thành phố Hà Nội đã rất quan tâm đầu tư, các khối tư liệu của các công ty Đông Ấn ở nước ngoài đã được NXB Hà Nội sưu tầm và lưu giữ nhiều, là khối tài sản quý. Riêng tư liệu từ Hà Lan đã khoảng 25.000 trang riêng về Thăng Long – Kẻ Chợ, chưa kể từ các nước khác cũng góp thêm vào tư liệu này. Đó là dư địa để các khoa học tiếp tục nghiên cứu về Thăng Long -Hà Nội trong thời gian tới.