Lục đục nội bộ, OPEC+ có lung lay?

- Thứ Ba, 06/07/2021, 06:27 - Chia sẻ
Trong bối cảnh giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng mạnh gần đây, những leo thang căng thẳng trong cuộc đối đầu nội bộ giữa Ảrập Xêút và Các Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) trong cuộc họp nâng sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) mới đây khiến nhiều người lo ngại cho số phận của cơ quan này, cũng như nguồn cung của “vàng đen” trong tương lai.
	Nguồn: Reuters
Nguồn: Reuters

Mâu thuẫn hiếm gặp 

Cuối tuần qua, mâu thuẫn giữa hai cường quốc dầu lửa ở vùng Vịnh trở nên căng thẳng vì cả hai đều nói lên bức xúc về đối phương trên sóng truyền hình, trong khi trước đây UAE và Ảrập Xêút có truyền thống giữ kín những vấn đề của mình. Đây được xem là mâu thuẫn ngoại giao hiếm gặp giữa hai đồng minh lâu năm. Bởi trong thời gian dài, UAE và Ảrập Xêút luôn là đối tác thân thiết. Trong khi Ảrập Xêút là nhà lãnh đạo chính của OPEC thì UAE là nhà sản xuất lớn thứ ba của khối này vào năm 2020.

Vừa qua, Ảrập Xêút, với sự hậu thuẫn của các thành viên OPEC+ khác, đề xuất nên tiếp tục nâng sản lượng khai thác dầu trong những tháng tới và gia hạn thỏa thuận như vậy cho tới cuối năm 2022 vì mục đích bảo đảm sự ổn định cho thị trường dầu. OPEC+ là liên minh giữa OPEC với một số nước sản xuất dầu ngoài khối, bao gồm Nga. Tuy nhiên, kế hoạch đó vấp phải sự phản đối gay gắt của UAE, cho rằng “không cần thiết” và việc tăng sản lượng mà không tăng hạn mức sản xuất của nước này là “không công bằng”.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei phát biểu: “Mọi người đều hy sinh nhưng không may là UAE đã phải hy sinh nhiều nhất, 1/3 sản lượng của chúng tôi đã không thể khai thác trong 2 năm qua”. UAE chỉ đồng ý với việc nâng sản lượng trong ngắn hạn, “một cách có điều kiện, theo đòi hỏi của thị trường” và không quên đòi hỏi những điều khoản tốt hơn cho phía UAE trong năm 2022.

Nguy cơ tan rã?

Xung đột giữa Ảrập Xêút và UAE khiến OPEC+ phải hoãn họp hai lần trong tuần trước, và cuộc họp cấp bộ trưởng đã phải lùi sang ngày thứ hai (5.7). Thực chất, tâm điểm trong mâu thuẫn này nằm ở một từ giữ vai trò then chốt trong các thỏa thuận sản lượng của OPEC+: mức cơ sở. Mỗi nước trong liên minh tính toán việc tăng hoặc giảm sản lượng dầu dựa trên một mức cơ sở. Nếu con số đó càng cao, nước đó được phép khai thác nhiều dầu hơn.

UAE cho rằng, mức cơ sở của nước này hiện nay được quy định ở mức 3,2 triệu thùng/ngày từ tháng 4.2020 là quá thấp và đòi nâng lên 3,8 triệu thùng/ngày nếu thỏa thuận tăng sản lượng được gia hạn sang năm 2022. Nguyên nhân sâu xa của đòi hỏi trên bắt nguồn từ việc UAE đã đầu tư mạnh để tăng công suất các mỏ dầu, thậm chí thu hút các công ty nước ngoài tham gia các dự án khai thác dầu khí. Ngoài ra, trong bối cảnh Iran có thể sớm tăng mạnh xuất khẩu dầu nếu đạt thỏa thuận hạt nhân, UAE dường như đang mất kiên nhẫn trong việc đòi hỏi những điều khoản mới cho mình.

Theo giới quan sát, động thái phản đối của UAE đang đặt các đồng minh vào một vị thế khó: Hoặc chấp nhận đòi hỏi mà Abu Dhabi đưa ra, hoặc đối mặt nguy cơ OPEC+ tan rã. Tuy vậy, Ảrập Xêút và Nga phản đối việc tính lại sản lượng mục tiêu cho UAE, lo ngại rằng các quốc gia khác trong liên minh cũng đưa ra đòi hỏi tương tự.

Thực tế, việc không đạt được thỏa thuận nâng sản lượng dầu sẽ càng làm thắt chặt thêm nguồn cung dầu hạn hẹp hiện nay, từ đó có khả năng khiến giá dầu tiếp tục tăng cao, và kéo theo sức ép lạm phát toàn cầu. Thậm chí, một kịch bản thê thảm hơn là OPEC+ hoàn toàn có thể sụp đổ, bắt đầu với khả năng UAE rời khỏi khối. Trong trường hợp đó, mỗi nước sẽ khai thác dầu với mức sản lượng tùy thích, và như vậy số phận giá dầu sẽ tụt dốc không phanh.

Cuộc chiến giảm giá dầu từng xảy ra vào đầu năm 2020, sau khi Ảrập Xêút và Nga không thể đi đến nhất trí về vấn đề sản lượng. Vài tháng sau khi cuộc chiến đó khép lại bằng một thỏa thuận, UAE lại khiến thị trường chao đảo khi đưa ra ý tưởng rời khỏi OPEC+. Vừa qua, Abu Dhabi không nhắc lại lời đe dọa rút khỏi liên minh, nhưng khi được hỏi liệu UAE có rút lui, hoàng tử Abdulaziz của Ảrập Xêút chỉ nói: “Tôi hy vọng là không”.

Việc tăng sản lượng hiện nay, trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng tăng tốc đang đem đến những hy vọng về sự phục hồi kinh tế, sẽ giúp tăng doanh thu cho các quốc gia sản xuất dầu vốn chịu tình cảnh ngân sách bị "teo tóp" vì giá dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, việc bơm quá nhiều dầu ra thị trường quá sớm có thể khiến sự phục hồi của giá dầu trở nên khó khăn..

Lần họp này của OPEC+ không chỉ bàn về sản lượng khai thác dầu 6 tháng cuối năm 2021, mà còn cả kế hoạch cho năm 2022. Bởi vậy, việc mâu thuẫn giữa Ảrập Xêút và UAE được giải quyết như thế nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và ngành công nghiệp dầu lửa trong thời gian tới.

Ngọc Minh