
Không chỉ ghi điểm bởi những đóng góp kinh tế, mà doanh nghiệp tư nhân đã luôn gắn phát triển kinh tế với trách nhiệm xã hội. Trong suốt những giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, của thiên tai, bão lũ… doanh nghiệp tư nhân luôn đồng hành, sẵn sàng hỗ trợ cùng đất nước, đồng bào vượt khó. Tuy vậy, cũng thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp còn gặp không ít khó khăn, trong đó có vướng mắc về thể chế để phát triển tăng tốc.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.
Tuy vậy, để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Chỉ khi nút thắt này được tháo gỡ, chỉ khi xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, cắt bỏ quy định “đẻ ra giấy phép con”… thì doanh nghiệp mới không phải gánh chi phí tuân thủ pháp luật không đáng có để có sức lớn mạnh.
Để phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chỉ rõ, quan trọng nhất là phải cải cách thể chế để nhà đầu tư yên tâm thấy rằng Chính phủ thực sự mở cửa, thực sự mong chờ cho nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư thực sự có hiệu quả.
Nghị quyết Về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín đã nêu rõ, một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện đó là tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.
Và chỉ 3 ngày sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết quan trọng này, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 52/TB-VPCP ngày 21.2.2025 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Theo đó, Thường trực Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát để xây dựng thể chế thông thoáng, dễ thực hiện; xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chấm dứt cơ chế xin cho, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển hạ tầng, góp phần giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, phục vụ doanh nghiệp. Các bộ, cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý hiệu quả, kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp, thông tin kịp thời kết quả xử lý cho doanh nghiệp; gửi kết quả xử lý đến Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính để tham mưu, xử lý trước ngày 20.3.2025…
Nghị quyết của Quốc hội đã có, Thường trực Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo, giao việc đối với từng chủ thể. Việc còn lại là các cơ quan liên quan bắt tay ngay vào triển khai thực hiện. Đây là lực đẩy rất quan trọng để doanh nghiệp tư nhân phát triển tăng tốc, bứt phá trong thời gian tới.