Minh bạch để không có phí phi chính thức
- Để thu hút đầu tư, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế. Ông đánh giá như thế nào về chính sách này?
ĐBQH Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) |
- Để thu hút đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt một cách hiệu quả, ngoài các chính sách ưu đãi về đất đai, dự thảo Luật quy định nhiều ưu đãi về chính sách thuế.
Về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, dự thảo Luật quy định: Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 5 năm nhưng không quá năm 2030 và giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong các năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh của cá nhân làm việc tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt…
Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo Luật quy định, các dự án đầu tư tại đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt được hưởng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế bao gồm: Dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển. Các dự án đầu tư tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường được áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế…
Đây là các chính sách ưu đãi thuế cần thiết để thu hút đầu tư nhưng chưa đủ. Bởi lẽ, để lựa chọn địa điểm đầu tư, các nhà đầu tư không chỉ trông chờ vào chính sách thuế. Điều mà nhà đầu tư quan tâm là vấn đề thị trường, hạ tầng giao thông với hệ thống hàng không, cảng biển có bảo đảm thuận lợi cho hoạt động đầu tư hay không. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng quan tâm đến nguồn nhân lực ở các khu vực này. Đặc biệt, các chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư phải công khai, minh bạch và ổn định lâu dài. Thủ tục hành chính đơn giản, đội ngũ cán bộ công chức ở các khu vực này phải thực sự chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để nhà đầu tư không phải gánh thêm chi phí phi chính thức.
- Vậy theo ông, việc miễn giảm thuế như thế nào là phù hợp?
- Thực tế cho thấy, việc miễn giảm tiền thuê đất là một trong những chính sách thu hút đầu tư đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành. Do đó, với những khu hành chính - kinh tế đặc biệt, việc tạo ra những chính sách vượt trội để thu hút đầu tư, tạo được bước đột phá là cần thiết. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là việc miễn, giảm thuế thì căn cứ theo tiêu chí nào? Liệu việc miễn giảm có theo giá thị trường không?
Để bảo đảm bình đẳng giữa các nhà đầu tư thì việc miễn, giảm thuế không nên thực hiện trực tiếp. Các nhà đầu tư phải đấu giá để xác định giá trị tài nguyên. Sau đó, tùy theo mức độ đóng góp cho nền kinh tế - xã hội, chúng ta sẽ giảm trừ tiền thuê đất hàng năm cho dự án theo nguyên tắc thu nhập hoặc thặng dư được tính toán dựa trên báo cáo khả thi của dự án và cam kết của chủ đầu tư. Muốn vậy, Chính phủ, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương cần phối hợp để xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để làm công cụ tính toán cho việc miễn, giảm thuế cho phù hợp.
|
Miễn, giảm thuế căn cứ vào hiệu quả đóng góp
- Dự thảo Luật cũng quy định về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời gian thuê đối với một số dự án đầu tư. Liệu quy định như vậy, có ảnh hưởng đến thu ngân sách không, thưa ông?
- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, để đặc khu phát triển thì cần có những chính sách đặc thù cho những khu vực này. Việc Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện không thu tiền thuê đất đối với một số dự án đầu tư đặc biệt là cần thiết. Chính sách ưu đãi này sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế - xã hội lớn hơn. Giá trị đóng góp khi ấy có thể lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà Nhà nước đã ưu đãi cho nhà đầu tư thì tại sao chúng ta lại không ủng hộ? Tuy nhiên, việc miễn, giảm phải áp dụng sau chứ không phải là trước, và phải căn cứ vào kết quả đóng góp của dự án vào phát triển kinh tế - xã hội sau mỗi một niên độ tài chính mà dự án đã đăng ký.
Tất nhiên, việc miễn, giảm thuế là vấn đề cần phải hết sức cân nhắc và phải tính toán kỹ lưỡng. Bởi điều này tác động đến việc thu ngân sách và tác động đến doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm hài hòa lợi ích chung. Dự thảo Luật quy định về miễn tiền thuê đất chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp đối với những dự án đặc biệt. Do đó, tôi cho rằng, việc miễn tiền thuê đất sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách nhà nước.
- Theo ông, các chính sách ưu đãi mà dự thảo Luật đưa ra đã thực sự vượt trội cho các đặc khu phát triển chưa, thưa ông?
- Nhìn chung, dự thảo Luật đã thể hiện được một số chính sách vượt trội cho các đơn vị hành chính đặc biệt. Dự thảo Luật vẫn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý. Hy vọng rằng, Luật sau khi ban hành sẽ tạo khung pháp lý quan trọng để cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phát triển. Tuy nhiên, ngoài các chính ưu đãi, thu hút cho các đặc khu bởi hành lang pháp lý, rất cần năng lực hoạt động hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cũng như đạo đức công vụ của cán bộ, công chức tại các đặc khu, liệu có thực sự vì các nhà đầu tư, vì sự phát triển của các đặc khu hay không.
- Xin cảm ơn ông!