Không để khoảng trống về trách nhiệm
Về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường, tôi đồng tình với nguyên tắc được quy định trong dự thảo Luật, rằng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Quy định theo hướng này sẽ nâng cao trách nhiệm công vụ của cơ quan tiến hành tố tụng trong thực thi pháp luật. Hơn nữa, nếu thành lập cơ quan chuyên trách về bồi thường thì tăng thêm đầu mối, tốn kém; trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hàng năm vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là không nhiều. Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải |
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) là xác định cơ quan giải quyết bồi thường như thế nào cho chính xác, bao quát, không để sự đùn đẩy hoặc khoảng trống về trách nhiệm bồi thường. Luật sư Đỗ Minh Sơn (Hội Luật gia TP Hà Nội) tán thành với nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm bồi thường theo như quy định của dự thảo Luật. Theo đó, xác định rõ trách nhiệm bồi thường của các cơ quan căn cứ vào giai đoạn tiến hành tố tụng được quy định trong pháp luật về tố tụng, có như vậy mới đề cao trách nhiệm của mỗi cơ quan trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Thảo luận về quy định cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan giải quyết bồi thường trong một số trường hợp, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải nêu ý kiến, về bắt giữ người, trong Bộ luật Tố tụng hình sự quy định 4 trường hợp: bắt giữ khẩn cấp, bắt bị cáo tạm giữ tạm giam, bắt quả tang, bắt trong trường hợp truy nã. Nếu chỉ quy định về “bắt giữ người” theo như 2 phương án ở Khoản 1 là chưa đầy đủ. Ông Đào Thanh Hải dẫn chứng, trong trường hợp bắt quả tang, cơ quan công an có 12 tiếng đồng hồ thực hiện ghi lời khai, xác minh, làm rõ rồi mới quyết định có tạm giữ hay không. Vậy khoảng thời gian 12 tiếng đó có vi phạm không, có phải bồi thường không? Hoặc đối với án cố ý gây thương tích, khi nhìn bằng mắt thường thấy rằng tỷ lệ chắc chắn hơn 11% rồi, hoặc dùng hung khí nguy hiểm, đủ điều kiện để bắt giữ. Nhưng đến nửa đường, bị hại quay đầu, không giám định... thì cơ quan công an có trách nhiệm bồi thường hay không?... Từ những dẫn chứng thực tế, ông Đào Thanh Hải đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét đưa ra các quy định có tính bao trùm hết các khả năng thực tế có thể xảy ra.
Cũng tại Điều 38, dự thảo Luật có đưa ra phương án quy định Khoản 3, Khoản 4 về trách nhiệm bồi thường của cơ quan điều tra trong trường hợp Tòa án và Viện Kiểm sát trả hồ sơ điều tra và cuối cùng Viện Kiểm sát đình chỉ vụ án. Phó Trưởng Phòng Pháp chế, Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Minh tán thành phương án không quy định 2 khoản này. Ông Nguyễn Anh Minh lập luận, trong hai trường hợp này, trách nhiệm bồi thường là cả quá trình, từ khi khởi tố, chứ không phải chỉ có thời gian điều tra. Nếu quy định cả Khoản 3, Khoản 4 trong điều 38 như dự thảo Luật thì đương nhiên tất cả vấn đề bồi thường thuộc về cơ quan điều tra đối với các vụ án tố tụng hình sự. “Tôi đã có thực tế, khi thấy khó khăn là Viện kiểm sát trả về điều tra bổ sung, Tòa án mà thấy khó ra quyết định về vấn đề hình sự, dân sự là trả về điều tra bổ sung. Nếu quy định 2 khoản này, thì hồ sơ trả về hết cơ quan điều tra, chứ không có hồ sơ nào ở Tòa án và Viện Kiểm sát cả” ông Nguyễn Anh Minh nhấn mạnh.
Đại biểu thảo luận tại Hội nghị | Ảnh: Minh Quốc |
Cá nhân, pháp nhân nước ngoài có được bồi thường?
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Phó Viện trưởng Viện KSND TP Hà Nội Nguyễn Văn Dũng phân tích, đối tượng được bồi thường là cá nhân, pháp nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định rõ đối với cá nhân, pháp nhân nước ngoài thì có được điều chỉnh bởi Luật này hay không và việc bồi thường được quy định như thế nào. Ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị, về phạm vi điều chỉnh đề nghị Luật cần có sự quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Dũng, tại quy định trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường, điều luật chỉ quy định về vấn đề xem xét, xử lý kỷ luật nếu người thi hành công vụ gây thiệt hại mà chưa đề cập đến trách nhiệm hình sự nếu việc gây thiệt hại đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo ông Dũng, cần thiết phải quy định việc cơ quan giải quyết bồi thường có trách nhiệm đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm và xử lý về hình sự đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại nếu có đủ căn cứ tại Bộ luật Hình sự. Điều này bảo đảm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật đồng thời nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ trong thực hiện công vụ.
Thảo luận về các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 16, Luật sư Đỗ Minh Sơn đề nghị bổ sung và thiết kế thành một khoản quy định về hành vi “Chậm trả hoặc cố tình dây dưa, kéo dài trong việc thanh toán số tiền cho người bị thiệt hại mà họ được hưởng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. Việc quy định thêm hành vi này là cần thiết để triệt tiêu tình trạng sử dụng khoản kinh phí được giao vào mục đích khác nhằm vụ lợi như cố tình gửi ngân hàng khoản tiền phải thanh toán để hưởng lãi.