Về thẩm quyền của toà án
Điều 33 Dự thảo luật quy định thẩm quyền của tòa án cấp huyện trong việc giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính được thiết kế trên cơ sở các quy định của luật hiện hành - trừ những vụ khiếu kiện về các quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND huyện. Theo đó, Điều 34 của Dự thảo quy định việc giải quyết khiếu kiện các quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND và chủ tịch UBND cấp huyện không còn là thẩm quyền của tòa án cấp huyện mà là thẩm quyền của tòa án cấp tỉnh. Đây là một thay đổi quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn lâu nay của tòa án cấp huyện trong việc giải quyết khiếu kiện mà đối tượng bị kiện là UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện. Tuy nhiên, điều băn khoăn của người dân là tòa hành chính cấp tỉnh vẫn phải giải quyết các khiếu kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo quy định tại Điều 34 của Dự thảo. Đây là vấn đề rất khó đối với tòa án cấp tỉnh. Trong thực tế, người dân yếu thế rất ngần ngại và băn khoăn khi khởi kiện ra tòa hành chính cấp tỉnh những quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và chủ tịch UBND cấp tỉnh. Lý do thì khá rõ, xin không phân tích thêm.
Từ thực tế nói trên, để bảo đảm tính độc lập, khách quan, người dân đề xuất điều chuyển các trường hợp khiếu kiện những quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh lên thẩm quyền tòa án cấp cao giải quyết - đây là một đề xuất rất xác đáng. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, thì tòa án cấp cao chỉ xử phúc thẩm, tái thẩm và giám đốc thẩm, không xử theo thủ tục sơ thẩm. Đây là một vướng mắc cần được xem xét để tháo gỡ. Theo đó, chúng tôi đề nghị: trên cơ sở thẩm quyền của tòa án cấp cao được quy định trong Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân đã có hiệu lực thi hành, Ban soạn thảo nghiên cứu để thiết kế một điều ngay trong Luật Tố tụng hành chính quy định cụ thể về trách nhiệm và thẩm quyền của tòa án cấp cao trong việc giải quyết phúc thẩm, tái thẩm và giám đốc thẩm các vụ khiếu kiện hành chính. Đồng thời bổ sung thêm một khoản quy định: Trong trường hợp đối tượng bị khiếu kiện hành chính là UBND và Chủ tịch UBND tỉnh, thì tòa án cấp cao có thể lấy lên để giải quyết. Bổ sung thêm quy định này là hoàn toàn có thể, bởi lẽ nó cũng tương tự như quy định tại khoản 8, Điều 34 về việc bổ sung thẩm quyền của tòa án cấp tỉnh, cụ thể khoản 8, Điều 34 của Dự thảo đã quy định: khi cần thiết, tòa án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết các vụ khiếu kiện thuộc thẩm quyền của tòa án cấp huyện.
ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) phát biểu tại Hội trường | Ảnh: Lâm Hiển |
Quyền của người đại diện
Luật Tố tụng hành chính hiện hành thiếu chặt chẽ trong việc quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của người tham gia tố tụng, theo đó người bị khiếu kiện sử dụng quyền ủy quyền của mình cho người khác một cách không có điều kiện ràng buộc, vì thế rất dễ tùy tiện trong việc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Trường hợp thủ trưởng hoặc người có thẩm quyền ủy quyền cho cán bộ cấp dưới của mình tham gia tố tụng là phổ biến nếu không nói là gần như 100%. Và trong thực tế, người được ủy quyền lại không có quyền quyết định các vấn đề cần giải quyết trong quá trình tố tụng, theo đó thường phải chờ xin ý kiến của đối tượng bị khởi kiện và đương nhiên là phải hoãn phiên tòa.
Để khắc phục hạn chế nói trên, khoản 3, Điều 60 của Dự thảo quy định: trong trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho người được quyền xử lý đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của người bị khởi kiện. Theo đó, khoản 5, Điều 60 của Dự thảo quy định: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện toàn bộ các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền, người được ủy quyền không ủy quyền lại cho người thứ ba”. Đây là quy định mới, tích cực, dư luận xã hội tán thành và đánh giá rất cao đối với quy định này. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có một quy định nhằm hạn chế quyền ủy quyền của người bị khởi kiện là người đứng đầu hoặc là người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, theo hướng quy định điều kiện được ủy quyền. Cụ thể là: người bị khởi kiện chỉ được thực hiện quyền ủy quyền trong những trường hợp nào.
Tính khách quan trong phân công thẩm phán
Nghiên cứu Điều 125 của Dự thảo cho thấy, về cơ bản không có sửa đổi bổ sung so với Điều 112 của Luật Tố tụng hành chính năm 2010, việc phân công thẩm phán do Chánh án tòa án quyết định. Theo đó, một trong những vấn đề mà cử tri băn khoăn và quan tâm nhiều nhất đó là tính khách quan trong việc phân công thẩm phán. Trên thực tế, đây là vấn đề nhạy cảm, dễ bị tác động và cũng dễ xảy ra những sai sót thuộc về chủ quan của Chánh án cần có cơ chế kiểm soát. Vì thế, theo chúng tôi, Điều 125 của Dự thảo cần bổ sung một khoản quy định rõ việc phân công thẩm phán phải hợp lý, minh bạch và khách quan vừa phù hợp với tính chất từng vụ án nhưng cũng vừa phải theo một phương án ngẫu nhiên, khoa học do chính tập thể cơ quan tòa án xây dựng nên. Quy định như vậy là cơ sở pháp lý cho việc yêu cầu phải xây dựng quy chế phân công thẩm phán đối với tòa án các cấp một cách công khai, minh bạch.
Những vấn đề nói trên chưa phải là tất cả, nhưng nếu được QH xem xét để bổ sung vào Dự thảo Luật thì đó là những vấn đề cơ bản, nhằm góp phần khắc phục những khó khăn trong việc giải quyết các vụ khiếu kiện hành chính ở địa phương hiện nay. Đây cũng là điều kiện để người dân bớt được những ngần ngại khi thực hiện quyền khởi kiện của mình đối với các quyết định hành chính và hành vi hành chính theo quy định của pháp luật.