- Thưa bà, Bộ GTVT vừa đưa ra đề xuất 3 phương án bảo tồn cầu Long Biên. Ý kiến của bà về các phương án này ?
- UVTT Hoàng Thị Hoa: Vừa qua, Bộ GTVT đã đề xuất 3 phương án để xây dựng một cây cầu vượt sông Hồng mới vừa đáp ứng nhu cầu giao thông hiện đại nhưng vẫn cân nhắc đến bảo lưu giá trị lịch sử văn hóa của cầu Long Biên. Đây là động thái tích cực, thể hiện quan tâm đến khía cạnh lịch sử văn hóa của ngành Giao thông Vận tải.
Là một công trình giao thông quan trọng, kinh phí đầu tư lớn thì rõ ràng cây cầu phải đáp ứng các điều kiện kinh tế - kỹ thuật giao thông, tối ưu hóa năng lực của công trình… Bộ GTVT trong thời gian vừa qua đã có những định hướng quan trọng vào việc đẩy mạnh phát triển giao thông đường sắt, đường thủy nội địa. Trong phát triển đường sắt, đã cân đối giữa đường sắt thường và đường sắt tốc độ cao; vấn đề được QH thảo luận tập trung tại các kỳ họp trong những năm qua. Việc xây dựng mới cầu Long Biên cần cụ thể hóa, làm rõ được vai trò, tác dụng của cầu Long Biên mới đối với quá trình phát triển KT-XH của thủ đô.
Tôi đã đọc các phương án đề xuất của ngành giao thông đối với việc bảo tồn cầu Long Biên. Nếu là một di tích lịch sử văn hóa thì cầu Long Biên sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Khi đó, xét các phương án mà Bộ GTVT đề xuất thì chưa đạt yêu cầu về các nguyên tắc bảo vệ đã được quy định trong Luật. Cụ thể là các yêu cầu phải bảo đảm địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; Không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích về hình dáng, kích thước, chất liệu, mầu sắc, trang trí và những đặc điểm khác;… Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản chính thức nào công nhận cầu Long Biên là một di tích lịch sử, văn hóa.
- UVTT Hoàng Thị Hoa: Có thể nói, cầu Long Biên là một công trình kiến trúc kết cấu thép có giá trị nghệ thuật cao – có thể đại diện cho một giai đoạn phát triển mạng lưới đường sắt, cầu thép đầu thế kỷ XX còn hiện diện tại nước ta và ngay tại thủ đô Hà Nội. Có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa của Hà Nội và cả nước, liên quan đến cầu Long Biên (trong các năm 1902, 1946, 1954 và 1967). Rất nhiều ý kiến các nhà văn hóa, sử học, kiến trúc đều khẳng định cầu Long Biên là một công trình tiêu biểu, cần được tôn trọng với tư cách là một di sản kiến trúc đô thị, là một trong những biểu tượng của Hà Nội, một di sản văn hóa quốc gia.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản nào chính thức ghi nhận. Đây là một thiếu sót đáng tiếc mà ngành văn hóa thành phố cần sớm khắc phục.
Nguồn: ITN |
- Có thể nói, cầu Long Biên xứng đáng là một di tích lịch sử văn hóa. Vậy làm thế nào để cầu Long Biên sớm được chính thức được công nhận?
- UVTT Hoàng Thị Hoa: Trình tự thủ tục xây dựng hồ sơ đề xuất, thẩm định và công nhận di tích lịch sử, văn hóa đã được quy định đầy đủ. Cụ thể, căn cứ Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001 và sửa đổi, bổ sung năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2012/NĐ-CP Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục xếp hạng, lập và phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó quy định rõ việc tổ chức điều tra, khảo sát, lập hồ sơ (bản vẽ, thuyết minh) đánh giá về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích, di vật, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thuộc phạm vi di tích. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan lập và thẩm định hồ sơ gửi tới các cơ quan thẩm quyền phê duyệt; tổ chức công bố công khai, cắm mốc giới bảo vệ.... Những công việc này cần vai trò chủ động của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.
Trường hợp cụ thể như cầu Long Biên cần có sự phối hợp đồng bộ giữa UBND thành phố Hà Nội và Bộ VH, TT và DL mà trực tiếp tiếp là ngành văn hóa của thủ đô. Cùng với đó là sự chung tay của các nhà văn hóa, các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Khoa học lịch sử, Di sản văn hóa VN, Hội Kiến trúc sư VN, Tổng hội Xây dựng VN…
- Hiện nhu cầu giao thông của Hà Nội ngày một lớn. Trong quá trình “chờ đợi”một sự công nhận chính thức, có cách nào vừa đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án mà vẫn bảo vệ được giá trị của công trình này, thưa bà?
- UVTT Hoàng Thị Hoa: Qua cuộc giám sát của QH về việc thực hiện các công trình xây dựng, tôn tạo kết hợp bảo vệ di sản tại Hà Nội trong năm 2013, chúng tôi thấy rằng TP Hà Nội đã tích cực nghiên cứu, đề xuất các phương án, tạo lập sự hài hòa giữa các yếu tố nhằm đáp ứng các mục tiêu vừa bảo đảm phát triển kinh tế xã hội, vừa bảo tồn được di sản văn hóa lịch sử, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Chẳng hạn, trường hợp đề xuất xây cầu vượt đi qua khu vực Đàn Xã Tắc, khi còn nhiều tranh luận, ý kiến của các nhà chuyên môn, chuyên gia lịch sử, thì yếu tố bảo tồn đã được tôn trọng, các giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề giao thông thuận tiện nhưng cũng tạo điều kiện để bảo tồn di tích đã được đưa ra.
Với truyền thống 1000 năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội, chúng tôi tin rằng Hà Nội và các ngành hữu quan sẽ sớm có giải pháp thỏa đáng cho việc xây dựng và bảo tồn cầu Long Biên, nhất là trong dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ Đô (10/10/1954-10/10/2014), ngày mà đoàn quân chiến thắng ca khúc khải hoàn, đã vượt qua cầu Long Biên tiến về giải phóng Thủ đô năm xưa.
- Xin cám ơn UVTT!