Tranh luận dân chủ trong QH nhưng bảo đảm sự thống nhất của hệ thống chính trị - là sáng tạo chưa có tiền lệ
PV:
Thưa Chủ nhiệm, nhìn nhận về các hoạt động của QH thời gian gần đây, đặc biệt là những kỳ họp gần đây của QH Khóa XII, dư luận xã hội và cử tri nhắc nhiều đến hai chữ dân chủ. Dân chủ trong hoạt động của QH nên hiểu như thế nào cho đúng?
CN Đào Trọng Thi: Hoạt động của QH, những cải tiến, đổi mới trong hoạt động của QH thể hiện sự chuyển biến trong việc thể chế hóa một quan điểm lớn của Đảng ta về dân chủ. Sự chuyển biến, đổi mới trong hoạt động của QH không phải là cái tự nhiên, sẵn có mà trên nền tảng Đảng có sự đổi mới thực sự trong phương thức lãnh đạo đối với QH, với Nhà nước. Đây cũng là thành công của QH, bởi quan điểm lớn của Đảng được thể chế hóa tốt khi có những hoạt động cụ thể hay đổi mới thực sự trong QH.
Thông qua QH, chúng ta nhìn thấy sự tiến bộ về chất trong phát triển nền dân chủ của Nhà nước nói chung và trong hoạt động của QH nói riêng. Năm 1946, trong Khóa QH đầu tiên, chúng ta lựa chọn con đường xây dựng Nhà nước dân chủ. Nhưng, phải nói thật, trong hoạt động của QH thời kỳ này, việc đấu tranh để bảo vệ nền tảng dân chủ của một thể chế Nhà nước cũng giống như cách của QH nhiều nước trên thế giới – là sự đấu tranh giữa các lực lượng đối lập trong QH. Vì đoàn kết dân tộc, vì lợi ích quốc gia, chúng ta phải chấp nhận có Việt cách, Việt Quốc trong QH. Khi chúng ta xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam thì việc tìm ra phương thức để thay thế cho phương thức đấu tranh giữa các lực lượng đối lập trong QH là không đơn giản. QH khi đó chưa có cơ chế để thực hiện đấu tranh, tranh luận (đây là động lực phát triển của xã hội). Nếu không có cơ chế này thì sẽ không tạo được dân chủ thực sự. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, hoạt động của QH ta còn mang tính hình thức.
PV: Tính hình thức trong hoạt động của QH – không còn đúng với hoạt động của QH giai đoạn hiện nay, nhất là trong nhiệm kỳ QH Khóa XII này – nhiệm kỳ được đánh giá với nhiều cải tiến, đổi mới trong việc thực hiện cả 3 chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Có phải thế không, thưa Chủ nhiệm?
CN Đào Trọng Thi: Kể từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, đặc biệt là trong mấy Khóa QH gần đây mà đỉnh cao là những Kỳ họp QH gần đây của Khóa XII, chúng ta đã thực sự tìm được không khí tranh luận rất dân chủ nhưng vẫn bảo đảm sự thống nhất của hệ thống chính trị. Phương thức này chưa có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Đây là sáng tạo và thành quả của Đảng ta. Rất nhiều Nhà nước XHCN đã hình thành, kể từ Nhà nước Xô Viết, nhưng cái yếu của các thể chế này, đặc biệt trong hoạt động của QH, là không tìm được động lực để phát triển xã hội.
Thành công của chúng ta là đã thể nghiệm và bước đầu tìm ra phương thức hoạt động vừa bảo đảm tính thống nhất của các thành phần trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng; nhưng vẫn tạo được không khí trao đổi dân chủ, tạo được sự độc lập tương đối giữa các thành phần trong hệ thống chính trị. Và trên nền tảng sự thống nhất đó vẫn tạo ra các cuộc tranh luận thẳng thắn, tạo động lực để xã hội phát triển tốt hơn, điều hành công việc của đất nước có chất lượng hơn.
PV: Tranh luận thẳng thắn, dân chủ nhưng không căng thẳng, phủ định lẫn nhau và mục tiêu cuối cùng là để đi đến sự thống nhất? Đây có lẽ là cái được lớn nhất về xây dựng dân chủ của QH trong thời gian qua, thưa Chủ nhiệm?
CN Đào Trọng Thi: Nói đến cùng, sự trao đổi, thảo luận, tranh luận thẳng thắn trong QH tuy cũng có thời điểm gây ra sự căng thẳng, nhưng cuối cùng chúng ta đã tìm được sự thống nhất để hoàn thiện công tác điều hành của Chính phủ cũng như bảo đảm sự phát triển chung trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo. Nếu Đảng đã quyết định, Quốc hội và Chính phủ quyết định theo sự quyết định của Đảng thì sẽ không còn không khí thảo luận, tranh luận để cùng hoàn thiện nữa. QH giám sát Chính phủ; Chính phủ được chủ động hơn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ để tìm ra cái tốt đẹp hơn trong điều hành chính sách phát triển KT-XH đất nước. Trên cơ sở hợp đồng như vậy và các bên tuân thủ chặt chẽ thì rõ ràng vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng lên, cả hệ thống chính trị cùng mạnh lên. Đảng sử dụng được cả trí tuệ của Chính phủ và hiệu quả giám sát của Quốc hội.
Thông qua hoạt động của hai cơ quan quan trọng là lập pháp và hành pháp, quyết định của Đảng có trách nhiệm cao hơn hẳn. Đây thực sự là đổi mới trong sự lãnh đạo của Đảng.
PV: Thưa Chủ nhiệm, QH đổi mới xuất phát từ sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trên nền tảng quan điểm và đường lối do Đảng đề ra, QH thể chế hóa thành pháp luật, thành chính sách… Tuy nhiên, như Chủ nhiệm có nói: chưa chắc một quan điểm lớn của Đảng đã được thể chế hóa tốt nếu không có những hoạt động cụ thể hay sự đổi mới thực sự trong QH. Ở đây có vai trò quan trọng của người điều hành ở diễn đàn của QH hay không?
CN Đào Trọng Thi: Thành quả chúng ta đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là thành quả về sự phát huy dân chủ trong nghị trường có sự đóng góp từ rất nhiều phía. Trong đó, có vai trò điều hành của Lãnh đạo QH, Chủ tịch QH, UBTVQH. Nếu không xây dựng được một nội dung, chương trình nghị sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì có lẽ cũng không tạo cũng không tạo cơ hội để ĐBQH phát huy được tiếng nói của mình. Tôi rất ấn tượng với các ĐBQH của chúng ta, họ trưởng thành qua từng kỳ họp, kể cả từ cách đặt câu hỏi, chuẩn bị ý kiến phát biểu đến sự sắc sảo trong tranh luận. Chất lượng của các cuộc tranh luận trên diễn đàn QH đóng góp rất lớn vào thành công của QH Khóa XII. Quan sát các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn và tranh luận trong các phiên QH thảo luận về kinh tế – xã hội, trong lập pháp – thấy rõ sự trưởng thành. ĐBQH và các thành viên Chính phủ trao đổi thẳng thắn, cởi mở. Tại QH có sự trao đổi từ hai phía. Chứ nếu một anh nói, một anh không nói gì cả - thì không dân chủ. Không khí rất cao trong tranh luận đã tạo nên không khí dân chủ trên diễn đàn QH.
Sự trưởng thành của đại biểu trên cơ sở sự điều hành của Lãnh đạo QH, tạo cho ĐBQH phát huy vai trò, hiệu quả trong tranh luận; đồng thời duy trì cho sự tranh luận trong QH nằm trong đường ray là hướng tới sự hoàn thiện Nhà nước cũng như bảo đảm để quan điểm, đường lối của Đảng được cụ thể hóa đúng. Ở đây có vai trò rất rõ của Chủ tịch QH.
Cũng có thể hiểu, QH chính là Đảng
PV: Có chính xác hay không khi nhìn nhận, trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, có sự đóng góp nổi bật của QH?
CN Đào Trọng Thi: QH tham gia đóng góp làm cho Chính phủ mạnh lên và cả hệ thống chính trị mạnh lên. Theo tôi, không thể nói Quốc hội làm Chính phủ mạnh lên hay ngược lại, Chính phủ làm Quốc hội mạnh lên. Quốc hội, Chính phủ mạnh lên là kết quả sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Đây không phải là cách nói hình thức vì thực sự nếu không có sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì các cơ quan trong bộ máy Nhà nước sẽ khó đạt được những kết quả như thời gian qua. Quốc hội chính là Đảng. QH phát huy sức mạnh của từng cá nhân ĐBQH. Sự phát huy sức mạnh này thể chế hóa đúng chủ trương của Đảng. Quốc hội và Chính phủ - hai lực lượng quan trọng hình thành nên Nhà nước – cần phải phát huy được sức sống, sức sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được quy định từ thể chế chính trị.
Có ý kiến cho rằng, những cải tiến, đổi mới trong hoạt động của QH trong thời gian qua là do QH làm ra. Theo tôi nhận định như vậy là không đúng. QH có điều kiện hơn. Những vấn đề được đưa ra bàn thảo và quyết định tại QH không phải do Chính phủ hay Quốc hội xới lên mà xuất phát từ Đảng. Nhưng vấn đề là chúng ta đã làm rất đúng: đối với Chính phủ, ta làm cho Chính phủ chủ động hơn; đối với QH, ta cũng muốn QH ngày càng làm được nhiều hơn. Trên cơ sở đó thì kết luận của Đảng thể hiện sự lãnh đạo cao hơn. Thành công của chúng ta là đã tìm ra được cơ chế (tôi chắc chắn là từ lâu Đảng rất quan tâm) để Chính phủ phát huy tính chủ động trong điều hành và Quốc hội phát huy được vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Đảng đề ra chủ trương, đường lối và việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối đó có sự tham gia của tất cả các thành phần trong hệ thống lãnh đạo của Đảng.
Nói rộng ra, trong bước tiến của nền dân chủ nước ta có vai trò đóng góp của đông đảo thành phần nông dân, nhân dân lao động. Đối với QH là sự ủng hộ của cử tri. Sự ủng hộ của cử tri là cơ sở để đại biểu có những ý kiến sắc sảo; sự tham gia của dư luận có tác động đến toàn xã hội, tác động đến hoạt động của Chính phủ, Quốc hội.
PV: Với rất nhiều thành công trong thực tiễn như vậy, đã gọi tên được phương thức mới, chưa có tiền lệ đó là gì chưa, thưa Chủ nhiệm?
CN Đào Trọng Thi: 65 năm qua, thành tựu lớn của QH là xây dựng nền dân chủ. Nền dân chủ này không giống nhiều nước khác. Dân chủ xã hội chủ nghĩa rất mới mẻ và chúng ta phải đầu tư công sức phát huy những thành quả đã có, hoàn thiện nền dân chủ của chúng ta. QH Khóa XIII và các khóa tiếp theo phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Từ trước đến nay, ở nhiều nước nói có nền dân chủ tư sản. Dân chủ của chúng ta là dân chủ khác – dân chủ xã hội chủ nghĩa. Muốn thế phải hình thành được hệ thống chính trị lý luận để chứng minh rằng, đây là một nền dân chủ bản chất hơn, dân chủ hơn. Vì hai chữ dân chủ không chỉ mang tính chất nhân văn mà mọi người trong xã hội có quyền bình đẳng; quan trọng hơn là hình thành nền dân chủ để có mô hình quản lý nhà nước phù hợp. Nền dân chủ mà chúng ta đang tiến hành, làm cho nội hàm, khái niệm về dân chủ xã hội chủ nghĩa rõ ràng hơn. Phải tích lũy từ thực tiễn để nó trở thành một nền tảng cơ sở lý luận kiểu mới. Vì về vấn đề này, người ta đã nói nhiều rồi nhưng thành công thì chưa. Cách mạng tháng Mười vĩ đại, Nhà nước Xô Viết hình thành trên nền tảng ấy, nhưng rốt cuộc đã không thành công. Tôi cho rằng, điểm này là thành quả lớn, là giá trị lớn, là diễn biến tích cực của 65 năm QH Việt Nam.
Thành quả của dân chủ không phải chỉ ở tầm QH
PV: Nền dân chủ của năm 1946 và nền dân chủ ở thời điểm năm 2011 này có điểm gì khác biệt không, thưa Chủ nhiệm?
CN Đào Trọng Thi: Năm 1946, chúng ta chưa có khái niệm xã hội chủ nghĩa mà chấp nhận mô hình chung. Một nhà nước sau khi giành độc lập có mấy con đường. Anh có thể đi theo con đường quân chủ như quân chủ lập hiến ở Thái Lan, có vua nhưng vẫn có QH; ta lựa chọn thể chế cộng hòa, không có vua và xây dựng nhà nước dân chủ. Nhưng mô hình dân chủ của chúng ta chưa định hình con người trong xã hội có quyền bình đẳng; mà xác định là dân chủ nhân dân – nhà nước của nhân dân, không phải do tư sản.
Sau đó, chúng ta đi theo con đường xã hội chủ nghĩa của Liên Xô, có một Đảng lãnh đạo. Chúng ta dùng con đường chuyên chính vô sản. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa lúc này hiểu theo mô hình Nhà nước xã hội chủ nghĩa là chuyên chính vô sản. Thậm chí, giai đoạn này, mình còn rất mơ hồ về mô hình Nhà nước pháp quyền; cũng chưa có các cơ quan tư pháp hoạt động mang tính chất tư pháp mà đều theo sự lãnh đạo của Đảng.
Có lẽ chúng ta không nói chuyên chính vô sản nữa là từ thời kỳ đổi mới. Đổi mới của Đảng ta không chỉ đổi mới trong phát triển kinh tế, mặc dù khi đó, nền kinh tế quá yếu kém là lý do khẩn cấp, bắt buộc chúng ta phải đổi mới. Đổi mới bắt đầu từ đổi mới kinh tế nhưng kèm theo sự đổi mới các quan hệ về quản lý nhà nước (chứ chưa nói nhiều đến Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như hiện nay).
Trong giai đoạn hiện nay, muốn phát triển thì phải hòa nhập hơn với thế giới. Đảng ta đổi mới. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì đây là điều kiện bảo đảm cho chúng ta phát triển tốt nhất. Nền dân chủ phải tạo ra sự phát triển cho đất nước.
Ta cần dân chủ nhưng dân chủ xong thì như thế nào? Chưa có tiền lệ để mình học. Chúng ta có đủ kinh nghiệm để không rập khuôn bắt chước. Đây là thành quả lớn nhất.
Với vai trò của mình, bằng tài năng, phẩm chất, năng lực và sự trưởng thành của ĐBQH, QH đóng góp vào sự phát triển của nền dân chủ đất nước. Chính phủ cũng vậy. Quốc hội và Chính phủ cùng nhịp và đóng đúng vai. Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo, chấp nhận hai thành phần quan trọng nhất của Nhà nước là lập pháp và hành pháp có sự tranh luận, giám sát lẫn nhau một cách nghiêm khắc và chặt chẽ để tạo nên những thành quả tốt. Đây là cái tôi tâm đắc nhất khi nhìn lại sự phát triển của đất nước thời gian qua.
PV: Có chính xác không khi nói rằng, diễn đàn QH là nơi thể chế hóa mục tiêu dân chủ của Đảng ta?
CN Đào Trọng Thi: Chỉ QH mới có chức năng thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể chế thành pháp luật. Và trên cơ sở pháp luật, Chính phủ điều hành, không phải điều hành một cách thụ động mà rất chủ động. Nếu Quốc hội yếu thì Chính phủ không trực tiếp thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng được, phải là Quốc hội. Đây là sự phân công trong hệ thống chính trị. Đã gọi là thể chế hóa thì cơ quan lập pháp phải mạnh lên để tạo nền tảng hoạt động hài hòa. Trong trường hợp, Quốc hội yếu mà Chính phủ mạnh cũng không để làm gì.
Đã từng có ý kiến băn khoăn: có cần một QH mạnh không, hay chỉ cần một Chính phủ mạnh? Tôi cho rằng, đặt vấn đề như thế là không nghiêm túc. Chính phủ mạnh khi có Quốc hội mạnh. Nếu không có Quốc hội thì lấy ai để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng; Chính phủ không tự triển khai được. Nếu Chính phủ tự làm theo ý mình thì là một Nhà nước không có pháp luật. QH tham gia và làm đúng sứ mệnh của mình là phải thể chế hóa đường lối của Đảng. Tương tự như vậy, cũng không thể nói là Chính phủ ta bây giờ mới mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chính phủ điều hành như thế là mạnh lắm đấy chứ. Nhưng đấy là thời chiến, Đảng trực tiếp chỉ đạo công việc và Chính phủ triển khai. Chính vì thế, vai trò của QH thời kỳ này bị lu mờ.
Quá trình đổi mới đã hoàn thiện hệ thống thể chế hệ thống chính trị, các cơ quan trong hệ thống thực hiện đúng vai. Vì thế phát huy được sức mạnh của toàn dân.
PV: Đến đây, đã có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã có bước tiến dài về dân chủ chưa, thưa Chủ nhiệm?
CN Đào Trọng Thi: Rất xứng đáng để ghi nhận trong nhiệm kỳ vừa qua, một trong những thành tựu rất quan trọng là chúng ta đã có bước tiến trong hình thành thể chế dân chủ của Nhà nước. Nhiệm kỳ ở đây không có nghĩa chỉ tính tới hoạt động của QH mà là nhiệm kỳ của Đảng, của Nhà nước. Thành quả về dân chủ không phải chỉ ở tầm QH, nó là sự phát triển của cả đất nước. Xây dựng Nhà nước dân chủ xuất phát từ chủ trương lớn của Đảng ta. Đảng ta đã đưa “dân chủ” vào trong quan điểm phát triển đất nước. Trước Đại hội lần thứ XI của Đảng, chúng ta xác định: xây dựng Nhà nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tại Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ngay trong quan điểm, Đảng ta đã xác định sự coi trọng đối với tính dân chủ của thể chế chúng ta.
Dân chủ là cốt lõi. Đảng đưa dân chủ vào trong lời tuyên bố về mục tiêu phát triển đất nước; đặt “dân chủ” lên trên và không còn là tính từ cho “xã hội” nữa. Dân chủ là một trong những mục tiêu như các mục tiêu dân giàu, nước mạnh và mang ý nghĩa toàn diện. Dân chủ phải có lực. Hay nói một cách dân giã là có thực mới vực được đạo. Dân chủ nhưng phải giàu, phải mạnh. Và sau khi giàu mạnh rồi thì chúng ta đặt dân chủ lên trước công bằng, văn minh. Đây là bước tiến lớn. Đến cuối nhiệm kỳ QH Khóa XII này, dân chủ được thể chế hóa trên nghị trường rất thành công.
PV: Xin cám ơn Chủ nhiệm!
|