Ảnh: Q. Khánh |
Hoạt động tội phạm diễn ra trên thực tế rất đa dạng về quy mô, mức độ nghiêm trọng, tài liệu chứng cứ thu thập cũng như thái độ khai báo của đối tượng nghi can nên không cần thiết phải ghi âm, ghi hình trong mọi trường hợp. Ví dụ, những trường hợp phạm tội đơn giản, phạm tội quả tang và đối tượng đã nhận tội thì không cần phải ghi âm, ghi hình. Hoạt động ghi âm, ghi hình bắt buộc như thế thì hầu như điều tra viên phải đọc lại biên bản hỏi cung cho bị can nghe; điều tra viên phải tiến hành phát lại băng ghi âm, ghi hình từ đầu đến cuối cho bị can xem lại; bị can xác nhận lời khai, xác nhận nội dung ghi âm, ghi hình, ký vào biên bản… là quá nhiều nội dung, mất nhiều thời gian như vậy thì ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tiến độ điều tra các vụ án. Trong điều kiện hiện nay nếu quy định như vậy đồng nghĩa sẽ phải đầu tư kinh phí, ngân sách, biên chế cho hoạt động ghi âm, ghi hình. Ngoài ra, rất nhiều nội dung của hoạt động này cần được đặt ra cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trong thời gian vừa qua xảy ra việc bức cung, nhục hình chủ yếu do năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức của điều tra viên. Do vậy, để hạn chế tình trạng này thì điều quan trọng vẫn là giáo dục phẩm chất đạo đức, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và chúng ta không quá lệ thuộc vào ghi âm, ghi hình.
Tôi đồng tình và kiến nghị nên quy định theo hướng gọn lại. Theo đó, chỉ ghi âm, ghi hình trong những trường hợp bị can kêu oan ngay từ đầu, bị can có đơn tố cáo bức cung, nhục hình, bị can bị điều tra truy tố về tội có khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình và bị can trong vụ án có Hội đồng xét xử hủy án để điều tra lại. Bị can, bị cáo là người có quốc tịch nước ngoài và việc ghi âm ghi hình chỉ thực hiện trong các buổi hỏi cung mà không có người bào chữa tham gia. Như vậy sẽ bảo đảm tính khả thi hơn của điều luật.