Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cuối năm 2011, xã Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh được UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch, công suất 1.500m3/ngày đêm, với tổng mức đầu tư hơn 18 tỷ đồng phục vụ 1.500 hộ dân trên địa bàn. Công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS - VSMTNT) tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Qua gần 4 năm thi công, đến tháng 3.2014, công trình đã hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cho địa phương (HTX nước sạch, môi trường Gia Phố) quản lý, khai thác… Tuy nhiên, đến tháng 5.2014, trạm bơm đầu mối bị hư hỏng nặng, không thể hoạt động được. Sau 5 tháng “đắp chiếu” đến tháng 10.2014, công trình mới được sửa chữa, đưa vào vận hành.
Những tưởng công trình sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn, đến tháng 1.2015, trạm bơm nước thô tiếp tục mất điện và hỏng máy bơm, xã tiếp tục làm công văn đề nghị Trung tâm NS - VSMTNT khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, việc khắc phục gặp quá nhiều khó khăn. Trong suốt 2 năm 2015 - 2016, công trình lúc thì hỏng máy bơm, lúc bể đường ống phải nằm chờ sửa chữa và hầu như không hoạt động… Trước thực tế chất lượng công trình quá kém, ngân sách xã không đủ chi thường xuyên, nguồn thu từ các hộ dùng nước không đủ để khắc phục sửa chữa công trình và trả lương cho bộ máy quản lý (7 xã viên HTX), UBND xã Gia Phố đã 3 lần làm văn bản “xin trả” cho Trung tâm NS - VSMTNT quản lý.
Anh Lê Hùng, người dân xóm 1 cho biết: Khi nhà máy nước được khởi công, người dân ai cũng vui mừng, kỳ vọng. Nhưng khi nhà máy đi vào vận hành, cấp nước, người dân bắt đầu bức xúc vì nước cấp không bảo đảm, ì ạch, hỏng lên hỏng xuống. Cứ nghĩ chỉ trục trặc một thời gian, ai ngờ nhà máy “đắp chiếu” luôn không hoạt động được nữa.
Giám đốc HTX nước sạch - môi trường Gia Phố Lê Đình Nam cho biết, quá trình vận hành, công trình gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đợt lũ lụt tháng 10.2016 đã bồi lấp, làm hư hỏng hoàn toàn trạm bơm đầu mối, hệ thống đường dây điện, cột điện và 200m đường ống cấp 1. HTX đã rất nỗ lực, thậm chí đã huy động gần 100 triệu đồng tiền của xã viên để cố duy trì nhà máy, nhưng đó là nỗ lực bất khả thi. Bây giờ muốn hoạt động được nhà máy cần phải có 1,5 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa. Số tiền ấy vượt quá khả năng của HTX, nếu không có ngân sách hỗ trợ thì nhà máy không còn cách nào khác phải đóng cửa và xã chắc chắn sẽ trả công trình cho chủ đầu tư - ông Nam lo lắng.
18 tỷ đồng - một con số đầu tư không hề nhỏ cho một xã miền núi. Và khó khăn chồng thêm khó khăn cho người dân nơi đây khi không ít hộ vì có công trình nước sạch này đã phá bỏ giếng hoặc các dụng cụ đựng nước mưa đã sử dụng lâu nay. Nhiều hộ không còn cách nào khác đành phải sắm lại bể, tích trữ nước mưa để có nước sử dụng lâu dài… Người dân mong chờ cơ quan thẩm quyền có hướng khắc phục để sớm có nước sạch sinh hoạt.