Tôi đề nghị cân nhắc một số nội dung cụ thể trong dự thảo Luật mà theo tôi sẽ khó thực hiện trong thực tế.
Thứ nhất là quy định cấm cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi ở Khoản 10, Điều 8. Việc xác định hành vi trục lợi không phải dễ. Dù có trục lợi, nhưng để tránh vi phạm pháp luật thì cả chủ nhà lẫn người xin đăng ký vào chỗ ở đó không bao giờ khai là có chuyện trục lợi và trong trường hợp công an không chứng minh được là có trục lợi thì không thể xử lý được.
Thứ hai, cần quy định rõ thế nào là chỗ ở hợp pháp tại Điều 20. Đây là quy định rất căn bản, nên không thể để hiểu thế nào cũng được. Nếu hiểu chỗ ở hợp pháp đồng nghĩa với giấy chứng nhận sở hữu nhà và đất thì lại cứng nhắc. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp mua nhà bằng tiền của mình, thực tế đã cư trú và ở đó nhiều năm, nhưng vì lý do nào đó mà không hay chưa làm được sổ đỏ không phải do lỗi của họ. Và nếu theo cách hiểu chỗ ở hợp pháp đồng nghĩa với giấy chứng nhận là sở hữu nhà đất thì sẽ không thể đăng ký thường trú được. Đây là một điều kiện rất khó khăn. Trong thực tế vừa rồi ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, có rất nhiều nhà có chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng do chuyện chuyển đổi mục đích đó và có thể về mặt thủ tục nhưng rồi gây khó cho người dân và họ chưa làm được giấy tờ sở hữu mặc dù người ta mua bằng tiền của mình và đã ở ổn định hàng chục năm.
Thứ ba, về quy định tại Khoản 1, Điều 23, trong vòng 12 tháng kể từ khi di chuyển đến chỗ ở hợp pháp phải chuyển đăng ký thường trú, trong thực tế có nhiều gia đình có hai hay nhiều chỗ ở hợp pháp thì sao? Khi tôi chuyển sang chỗ ở mới nhưng nhà cũ tôi vẫn không bán cho người khác thì tôi không thể chuyển hộ khẩu đi được, vì nếu chuyển hộ khẩu đi thì nhà cũ sẽ không có hộ khẩu nữa. Trong tình huống đó thì rất nhiều gia đình nếu không tách hộ cũng chỉ có sử dụng một giải pháp đó là đăng ký tạm trú ở nơi ở mới. Theo tôi nên giữ quy định hiện hành mà không quy định thời hạn 12 tháng trong dự thảo Luật lần này.
Cuối cùng, quy định tại Khoản 4, Điều 30 về thời hạn làm thủ tục xin gia hạn tạm trú. Theo tôi chỉ nên quy định đến làm thủ tục gia hạn tạm trú trước khi hết thời hạn tạm trú là được, chứ nếu quy định 30 ngày thì sẽ cứng, và khó. Có thể vì một lý do nào đó tôi vắng nhà không về được trước 30 ngày và khi về còn dưới 30 ngày thì việc gia hạn tạm trú có thể không thực hiện được, hoặc nếu thực hiện được cũng là vi phạm pháp luật. Với việc tạm trú, tôi nghĩ nên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.