Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - nhà báo thời chống Mỹ, cứu nước

Phan Quang 03/01/2022 06:14

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996) là một chính khách nổi tiếng không chỉ ở nước ta. Ông là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam những năm 1960 - 1970. Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm Phó Chủ tịch Nước, quyền Chủ tịch Nước, rồi Chủ tịch Quốc hội (1981 - 1987)... Ông được trao Giải thưởng quốc tế Lênin vì sự nghiệp hòa bình (1986). Ít người biết ông còn là một nhà báo, người đồng sáng lập và điều hành hai tờ báo đã hoàn thành sứ mệnh của mình, lưu danh muôn thuở trong lịch sử nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh: Báo Thống Nhất ra đời và kết thúc đúng vào kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ (19.5.1957 - 19.5.1975) trụ sở chính đóng tại Hà Nội; và báo Giải Phóng ra số 1 tại vùng căn cứ của ta ở miền Nam năm 1964 và số cuối tại TP. Hồ Chí Minh đầu năm 1977.

	Chủ tịch - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong một lần đến thăm cán bộ, nhân viên báo Giải Phóng trong chiến khu - Nguồn: nguoidothi.net.vn
Chủ tịch - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong một lần đến thăm cán bộ, nhân viên báo Giải Phóng trong chiến khu
Nguồn: nguoidothi.net.vn

Người gây uy tín, cổ vũ, động viên 2 tờ báo

Nhà báo, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Minh Vỹ, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, người từng có thời gian làm chủ nhiệm báo Thống Nhất nhớ lại: “Cũng thật đáng tự hào là tờ báo đã làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc giao phó cho lúc bấy giờ, và nghe lại tên tờ báo chắc bạn đọc thuở ấy còn thấy hơi ấm, thậm chí hơi nóng của nó cho đến ngày nay (...) Hai vị chủ nhiệm kế tiếp nhau trong buổi đầu là Dương Bạch Mai và Nguyễn Hữu Thọ thì mọi người đều biết, vừa gây uy tín cho tờ báo, vừa cổ vũ, động viên cho ê kíp chuyên trách tờ báo và đông đảo các cộng tác viên”1.

Nhà báo Đặng Ngọc Nam, nguyên Ủy viên Ban biên tập báo Thống Nhất cho biết: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhiều lần đến báo Thống Nhất thăm và trao đổi ý kiến về công tác thông tin, báo chí nói chung và báo Thống Nhất nói riêng đối với miền Nam”2.

Năm 1964, tại vùng giải phóng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định cho ra đời báo Giải Phóng. Tại buổi làm việc với Ban biên tập và cán bộ chủ chốt của báo, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ khích lệ: “Chúng ta nỗ lực tối đa để tờ báo có thể ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Mặt trận DTGPMN (20.12.1960 - 20.12.1964). Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm và cải tiến để không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, hình thức của tờ báo”. Chủ tịch nêu rõ: “Bạn đọc báo Giải Phóng không chỉ là nhân dân vùng giải phóng mà còn ở các vùng ven thành phố và cả nội thành nữa. Báo Giải Phóng sẽ vượt vĩ tuyến 17 ra với đồng bào miền Bắc... Báo Giải Phóng cũng sẽ đến với bạn bè quốc tế, giúp họ hiểu rõ, hiểu đúng và ủng hộ cuộc kháng chiến của chúng ta”3.

Nhà báo Cao Kim, nguyên Tổng Biên tập báo Hải Phòng, một “người trong cuộc” kể lại: Làm báo tại chiến khu chống Mỹ, cách Sài Gòn không xa, lại nằm trong vùng đánh phá hủy diệt của máy bay, pháo binh Mỹ, trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ, báo Giải Phóng vẫn ra đúng hạn, như mong muốn của Chủ tịch. Các nhà báo vừa làm vừa xây dựng và chiến đấu bảo vệ cơ quan, đồng thời thay nhau đi cùng các đơn vị Quân Giải phóng đến các mặt trận và về các địa phương hoạt động nghiệp vụ.

Sau Tết Mậu Thân 1968, tháng 3.1969,  Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tới từng căn hầm gặp gỡ, động viên cán bộ, phóng viên, công nhân nhà in. Ông biểu dương tinh thần dũng cảm, làm việc quên mình để tờ báo của Mặt trận phục vụ ngày càng đắc lực công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mùa xuân năm 1975, trong niềm hân hoan chiến thắng, cán bộ, phóng viên báo Giải Phóng có mặt tại Sài Gòn. Nhà báo Nguyễn Thành Lê, Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân được Trung ương cử vào làm Tổng biên tập báo Giải Phóng (bộ mới). Báo in tại Sài Gòn, mỗi số 4 trang khổ lớn nhiều màu, xuất bản hằng ngày, lại có ấn phẩm cuối tuần, được nhân dân Sài Gòn và miền Nam đón đọc, cộng tác.

Sau gần hai năm, ngày 16.1.1977 báo Giải Phóng phát hành số cuối trước khi hợp nhất với báo Cứu Quốc, trở thành báo Đại Đoàn Kết - cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.

Và lần trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí đặc biệt

Đầu những năm 1990, sau lần trao Huy chương (nay là Kỷ niệm chương) Vì sự nghiệp báo chí đặc biệt tặng ba nhà báo cách mạng lão thành Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hội Nhà báo Việt Nam quyết định tặng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông cho biết sẵn sàng đón nhận tấm huy chương thể hiện tấm lòng của các nhà báo cả nước. Tuy nhiên vào thời gian ấy, sau những năm tháng tù đày thời chống thực dân Pháp, những lần hứng chịu đạn bom Mỹ tại miền Nam, mặt khác do tuổi cao, ông đổ bệnh. Được biết ông vào, ra các bệnh viện nhiều lần mà sức khỏe xem chừng khó hồi phục. Hội Nhà báo Việt Nam quyết định cử người vào TP. Hồ Chí Minh trao tặng Luật sư tấm Huy chương ngay tại bệnh viện. Lần này có nhà báo Đinh Phong, Phó Tổng thư ký Hội phụ trách phía nam, đang làm việc ở Đài Truyền hình thành phố, và tôi - Phan Quang từ Hà Nội bay vào.

Người đón chúng tôi trong gian phòng đặc biệt trắng toát một màu là trợ lý của Luật sư. Trên chiếc giường trải đệm trắng, người ông lúc này được phủ tấm chăn trắng, chỉ để lộ cái đầu với khuôn mặt gầy, đôi mắt lim lim. Hai chúng tôi cũng được bệnh viện khoác cho hai tấm áo choàng trắng.

Anh trợ lý cho biết: Luật sư không nói rõ được ra lời nhưng minh mẫn lắm, ai nói gì ông đều nghe, đều hiểu. Tôi mở hộp lấy tấm Huy chương, đang lúng túng chưa biết nên làm cách nào. Anh trợ lý cúi khom người nói vừa đủ cho Luật sư nghe: “Anh Chín ơi, mấy anh ở Trung ương Hội Nhà báo vào trao tặng anh tấm huy chương”. Đôi mắt Luật sư hơi hé mở, đôi môi ông mấp máy. Anh trợ lý quay sang nói vào tai tôi: “Anh đặt lên ngực anh Chín”.

Tôi trân trọng đặt tấm Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam lên tấm chăn trắng, vào nơi tôi đoán là ngực trái của nhà chính khách, vị luật sư được đào tạo tại Pháp nhưng đã dành nhiều tâm huyết bảo vệ các nhà hoạt động chống thực dân, vì vậy nhiều năm bị bắt bớ tù đày.

Tôi cầm lòng không để nước mắt tuôn, chắp tay đứng lặng, cuối cùng khom người ghé sát tai ông nói một câu. Đôi mắt ông lại hé mở, đôi môi ông mấp máy. Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ khỏe mạnh, tươi cười trong bộ quân phục của Quân Giải phóng qua các tấm hình trong cuốn sách của nhà báo Wilfred Burchett và cuộn băng video công bố năm 1965 - hai tác phẩm đầu tiên trong vô vàn cuốn sách, bộ phim báo chí quốc tế sẽ thực hiện về cuộc chiến của quân dân ta chống Mỹ, cứu nước. Riêng băng video dài 15 phút do W. Burchett ghi được 27 hãng thông tấn, truyền hình lớn trên thế giới cùng lúc đặt mua quyền phát sóng.

Tôi như vẫn nghe từ xa vọng lại tiếng loạt súng đại bác nổ đều đều, mở đầu Lễ duyệt binh tổ chức tại quảng trường trước Lầu Ngọ Môn, Huế sáng sớm ngày 21.4.1975 mừng chiến thắng giải phóng mấy tỉnh miền Trung. Bài báo ngắn “Lá cờ trước Ngọ Môn” tôi viết nhanh tại chỗ để kịp gửi về Hà Nội đăng báo Nhân Dân số ra ngày hôm sau, mở đầu: “Tiếng nổ oai nghiêm của đại bác đập vào đài chân cột cờ, dội trở lại thành Đại Nội như đánh nhịp cho bản nhạc Giải phóng miền Nam... Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đọc diễn văn bồi hồi nhắc đến công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mấy vạn người dự mít tinh xúc động lặng yên...” Và kết thúc: “Tiếng đại bác mừng chiến thắng như vẫn còn oai nghiêm nhịp nhàng dội vào tường thành và các tòa lâu đài cổ trong nội thành Huế...”5.

Hai mươi hôm sau, ngày 30.4.1975, thành phố Sài Gòn và miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng.

_______________________

1 Nhiều tác giả, Còn mãi ánh hào quang, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.30

2 Sđd, tr.13

3 Cao Kim, Làm báo ở chiến trường, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018.

5 Bài Lá cờ trước Ngọ Môn, báo Nhân Dân số ra ngày 22-4-1975. In lại trong Tuyển tập Phan Quang, tập I, tr.29-31, Nxb Văn học, 1999

    Nổi bật
        Mới nhất
        Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - nhà báo thời chống Mỹ, cứu nước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO