Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý ổn định và toàn diện hơn
Các ĐBQH cho rằng, việc ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý ổn định và toàn diện hơn cho hoạt động hết sức ý nghĩa này.
Thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa) về Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc chiều 15/5, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật.

Theo ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp), dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội, với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Đáng chú ý, so với Nghị quyết số 130/2020/QH14, dự thảo Luật có những nội dung mới, tiến bộ và nổi bật. Đó là đã nâng tầm pháp lý từ một Nghị quyết của Quốc hội thành một luật, tạo cơ sở pháp lý ổn định và toàn diện hơn.
Không những vậy, dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi đối tượng và lĩnh vực tham gia. Không chỉ lực lượng vũ trang mà cả cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân liên quan đều được xác lập trong phạm vi điều chỉnh. Lĩnh vực tham gia cũng được mở rộng đáng kể với 8 lĩnh vực, thay vì 5 lĩnh vực theo Nghị quyết 130/2020/QH14.
Cùng với đó, dự thảo đã bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ và chế độ chính sách cho người tham gia, góp phần bảo đảm công bằng và an toàn cho lực lượng gìn giữ hoà bình Việt Nam; định hình rõ vị trí, chức năng của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình trong hệ thống chính trị, quốc phòng, đối ngoại quốc tế.
Tỏ ý băn khoăn về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng, gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là một hoạt động mang tính chức năng, chứ không phải là một lực lượng mang tính tổ chức quốc tế cố định để các quốc gia tham gia như một thành viên.
Dẫn thông lệ quốc tế và luật tại một số nước, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị nghiên cứu kỹ, đổi tên dự thảo Luật là “Luật Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc” hoặc “Luật về Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc”. Việc đổi tên, theo ông, sẽ chính xác hơn về mặt pháp lý, minh bạch trong phạm vi điều chỉnh, tương thích với hệ thống pháp luật quốc tế và thể hiện đúng vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc đóng góp vào gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Đề nghị điều chỉnh quy định về địa bàn
Tại Khoản 4, Điều 3, Dự thảo Luật quy định: “Địa bàn: Là quốc gia, khu vực nơi đặt trụ sở cơ quan, tổ chức của Liên Hợp Quốc có lực lượng Việt Nam tham gia”. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, quy định như vậy chưa thực sự bám sát tên gọi của Luật.
.jpg)
Về bản chất, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là được triển khai tại các khu vực hậu xung đột, nơi đã có thỏa thuận ngừng bắn hoặc hòa bình giữa các bên liên quan. Thực tế cũng cho thấy, các phái bộ gìn giữ hòa bình chủ yếu đặt tại các quốc gia, khu vực có hoạt động gìn giữ hoà bình cần thiết, đặc biệt ở châu Phi, Trung Đông, một số nước ở Nam Á – nơi đang có xung đột vũ trang, đang có thoả thuận ngừng bắn, nơi đang có nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến hòa bình.
Đại biểu đề xuất chỉnh sửa quy định trên như sau: “Địa bàn: Là quốc gia, khu vực nơi lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc”.
Đại biểu cũng đề nghị điều chỉnh Điều 5 dự thảo Luật về vị trí, chức năng của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc theo hướng: “Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là lực lượng được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, có chức năng thực hiện nhiệm vụ được giao trong các phái bộ gìn giữ hòa bình, duy trì hòa bình và an ninh tại địa bàn; góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam”.
Hoặc: “Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là lực lượng được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, có chức năng đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong khuôn khổ các phái bộ do Liên Hợp Quốc triển khai; góp phần thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; thể hiện vai trò trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và góp phần nâng cao uy tín, vị thế quốc gia”.
Cơ bản tán thành với việc dự thảo Luật mở rộng phạm vi đối tượng, bao gồm lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân liên quan, song ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất, nếu một phái đoàn mà gồm nhiều ngành nghề khác nhau cùng tham gia thì nên có sự lãnh đạo, chỉ đạo chung để bảo đảm tính thống nhất.