Giáo dục

Luật Nhà giáo: Kỳ vọng về những quyết sách giải quyết đãi ngộ, cơ chế cho giáo viên

Trang Nhung - Thanh Mai 06/05/2025 15:06

Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, chỉnh lý và thảo luận ở hội trường một số nội dung của dự thảo Luật Nhà giáo. Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, các ĐBQH kỳ vọng dự thảo Luật sẽ được hoàn thiện, đảm bảo quyền lợi tối đa cho giáo viên và tạo nhiều đột phá trong ngành giáo dục.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình): Dự thảo Luật Nhà giáo giải quyết nhiều chính sách, đãi ngộ

260320240751-db-ngoc-2.jpg
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình)

Dự thảo Luật Nhà giáo đã được Quốc hội thảo luận tại hội trường, tiếp thu nhiều ý kiến từ đại biểu Quốc hội qua các kỳ họp trước. Khi dự thảo luật lấy ý kiến rộng rãi tại các tỉnh, thành phố, đã nhận được sự đồng thuận cao từ đoàn đại biểu địa phương và đội ngũ giáo viên – những người trực tiếp thực hiện Luật trong tương lai.

Phải khẳng định, Dự thảo Luật Nhà giáo đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ giáo viên. Luật đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ như đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm; xem xét nâng tuổi nghỉ hưu để những người có trình độ cao như giáo sư có thể tiếp tục giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm. Đặc biệt, Luật bổ sung chế độ chính sách cho giáo viên vùng sâu, để họ yên tâm công tác.

Không chỉ tập trung vào chính sách tiền lương, dự thảo Luật còn đề cao việc phát triển năng lực của đội ngũ giáo viên. Bên cạnh việc hưởng chính sách ưu đãi, giáo viên cần nâng cao chuyên môn, thích nghi với đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy để truyền cảm hứng cho học sinh.

Nếu thực hiện tốt, Luật Nhà giáo không chỉ mang lại quyền lợi cho giáo viên mà còn thúc đẩy một môi trường giáo dục toàn diện; chất lượng đào tạo cao; nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo - đổi mới; tạo hiệu ứng tích cực cho thế hệ tương lai.

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu): Chính sách giáo dục cần phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương

ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu)
ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu)

Tôi cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật Nhà giáo đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trình tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Đặc biệt tâm đắc với quy định về tuyển dụng nhà giáo. Tuy vậy, cần bổ sung đối tượng "người từng có tiền án về tội liên quan đến ma túy, nhất là các tội sản xuất, tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng ma túy" là đối tượng không đủ điều kiện trở thành nhà giáo. Bởi giáo viên không chỉ truyền đạt về kiến thức, mà còn là tấm gương về đạo đức, nhân cách, trong khi tội phạm liên quan đến mua bán, sử dụng ma túy gây tác hại rất lớn cho xã hội.

Đặc biệt, Dự thảo Luật Nhà giáo cho phép địa phương, cơ sở giáo dục quy định chính sách thu hút giáo viên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống và nhu cầu giáo dục, như: hỗ trợ nhà ở, tăng phụ cấp, tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ giúp tăng tính hấp dẫn và giữ chân đội ngũ giáo viên tại vùng khó khăn. Đây là điểm nhấn nổi bật bởi nếu chỉ áp dụng một chính sách chung cho toàn quốc sẽ không đủ linh hoạt để giải quyết các vấn đề đặc thù của từng địa phương.

Để đảm bảo sự công bằng và hiệu quả trong thực thi chính sách này, cần quy định rõ ràng hơn về giới hạn, nguyên tắc và tiêu chí chung trong dự thảo luật. Trên cơ sở đó, Chính phủ hướng dẫn các địa phương vận dụng linh hoạt, không tạo sự bất bình đẳng quá mức giữa các vùng miền. Có như vậy, chính sách mới thật sự hiệu quả, khắc phục được các hạn chế trước đây.

ĐBQH Trương Xuân Cừ (TP. Hà Nội): Cần cơ chế minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên

ĐBQH Trương Xuân Cừ (TP. Hà Nội)
ĐBQH Trương Xuân Cừ (TP. Hà Nội)

Sau khi xem xét toàn bộ nội dung Dự thảo Luật Nhà giáo, có thể thấy tổ soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến tâm huyết, đặc biệt từ các giáo viên. Đây là một dự thảo Luật mang đến bước tiến mới trong ngành giáo dục.

Tuy vậy, dưới góc nhìn của tôi, dự thảo chưa có nhiều đột phá như kỳ vọng. Việc nhìn nhận và luật hóa vai trò của nhà giáo chưa có nhiều điểm mới.

Về chế độ đãi ngộ, Luật Nhà giáo quy định nâng cao lương và chế độ ưu đãi cho giáo viên. Ở một số ngành, việc tăng thu nhập có thể dễ thực hiện. Tuy nhiên, với hơn một triệu giáo viên tại Việt Nam, chỉ một sự điều chỉnh nhỏ cũng tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, về chế độ lương giáo viên, Nghị quyết Trung ương lần thứ 2 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 khóa XI đều khẳng định: "Mức lương của nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp, có phụ cấp tùy theo tính chất công việc và theo vùng". Luật Giáo dục 2019 cũng đề cập đến vấn đề này. Tuy vậy, đến nay, chế độ lương giáo viên vẫn chưa được cải thiện rõ rệt, vẫn nhận nhiều ý kiến từ dư luận.

Tôi hy vọng, sau khi tiếp thu các ý kiến tại Kỳ họp, Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ hoàn thiện, tạo được cơ chế chính sách đột phá, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên yên tâm công tác.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Luật Nhà giáo: Kỳ vọng về những quyết sách giải quyết đãi ngộ, cơ chế cho giáo viên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO