Luật Nhà giáo: Cần đưa điều khoản cụ thể về dạy thêm, học thêm
Luật Nhà giáo tiếp tục được Quốc hội thảo luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội. Trong đó, các nội dung quy định về dạy thêm và học thêm nhận được nhiều sự băn khoăn của đại biểu, làm sao để Luật phát huy được giá trị trong thực tiễn và đảm bảo tính phổ quát trong đời sống.
Ngày 30/12/2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định nhiều điểm mới về dạy thêm học thêm có hiệu lực kể từ ngày 14/02/2025, theo đó, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Cùng với đó, giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Bên cạnh những ý kiến đồng thuận cho rằng chính sách mới sẽ giúp quản lý lại việc dạy thêm, học thêm, đảm bảo công bằng cho tất cả các đối tượng học sinh, tránh việc lạm dụng dạy thêm, học thêm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người học. Một số ý kiến nhận định nên chăng cấm hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm trong khi nhu cầu của thực tiễn là có.
Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XV, trong phiên thảo luận về Luật nhà giáo, nhiều đại biểu cho rằng cần có thêm cơ chế để quản lý việc dạy thêm, học thêm..
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng
Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc dạy thêm phát sinh tiêu cực chỉ là những trường hợp cá biệt, chính vì vậy không thể đánh đồng rằng cứ dạy thêm hay học thêm là xấu. Ngược lại, mong muốn được bồi dưỡng kiến thức sau giờ học trên lớp là nhu cầu chính đáng của các em cũng như của phụ huynh vậy thì việc cấm đoán một cách tiêu cực là không nên.
“Nhu cầu học thêm xuất phát từ sự hiếu học của người Việt, nếu người ta có nhu cầu học thật thì tại sao giáo viên lại không dạy, có điều ta nắn chỉnh như thế nào để cho đúng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của việc “hiếu học” hơn là câu chuyện “hiếu dạy”. Hiện nay, chúng ta đang bị nhìn nhận và áp đặt sang một hướng thiếu tích cực, một số nhà giáo dạy chưa đủ khối lượng trên lớp để dành cho việc dạy thêm bên ngoài. Nhưng theo tôi số đó không nhiều, rất cá biệt giữa nhiều nhà giáo chân chính yêu nghề khác. Luật Nhà giáo là một luật mang tính chất phổ quát, vậy nếu để đảm bảo phổ quát thì không nên cấm chỉ vì một vài trường hợp số ít, quan trọng là chúng ta quản lý như thế nào để chuyện đấy không xảy ra nữa”, Đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh nhấn mạnh.

Cần thêm quy định cụ thể về dạy thêm học thêm
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhận định rằng dù Thông tư 29 ra đời cơ bản giúp kiểm soát lại hoạt động dạy thêm, học thêm, tránh những tiêu cực xảy ra. Tuy nhiên, nên cân nhắc lại để chính sách linh hoạt và phát huy hiệu quả tốt hơn trong thực tiễn.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhận định việc dạy thêm học thêm là một vấn đề nóng được rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng như cử tri quan tâm đặc biệt thời gian qua khi Thông tư 29 được ban hành cũng ít nhiều gây nên những xáo trộn, hoang mang cho chính các nhà giáo và cho nhân dân. Tuy nhiên trong Dự thảo Luật Nhà giáo lại chưa có những điều khoản cụ thể quy định về nội dung này. Mong rằng trong thời gian tới Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung thêm một số quy định để vị thế của nhà giáo được thực sự ghi nhận.

Đồng tình với nhận định các chính sách cần nghiên cứu kỹ khi triển khai trong thực tiễn, Đại biểu Bế Trung Anh (đoàn Trà Vinh) cho rằng cần quan tâm tới đời sống của nhà giáo, khi đồng lương được đảm bảo cân bằng với mức sống thì sẽ giảm tối đa các tiêu cực. Luật Nhà giáo khi ban hành lần này sẽ là nền tảng cơ sở để giúp các nhà giáo thêm yêu nghề và sẵn sàng cống hiến.
“Ngày xưa các nhà giáo ít khi dạy thêm và cũng không có nhiều tiêu cực vì đời sống họ ổn so với xung quanh nhưng hiện nay mọi ngành nghề khác đều đang phát triển ổn định so với mức sống thì tại sao nhà giáo vẫn cứ mãi như thế, liệu họ có đang bị bỏ lại đằng sau rất xa hay không.
Mặc dù nói rằng lương của nhà giáo đang ở thang bậc cao nhất tuy nhiên tôi nghĩ cũng vẫn chưa theo kịp với mức sống. Mặt khác với nhà giáo ngoài công việc dạy học thì họ làm thêm cái gì? Tôi cho rằng các chính sách của chúng ta cũng như Luật nhà giáo lần này nên có những quy định cụ thể để tạo điều kiện cho nhà giáo có thể dạy thêm, để họ được hành nghề bằng chính nghề của mình. Tôi cho rằng Thông tư 29 đã đi đúng hướng là cần phải quản lý việc đó, tuy nhiên ta đang quá chú trọng vào một mặt tiêu cực nào đó thì rất có thể ta chặn đường này nó lại sinh ra đường khác”, Đại biểu Bế Trung Anh bày tỏ.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng: "việc dạy thêm, học thêm thời gian qua được nhiều cử tri và Nhân dân quan tâm. Vấn đề này hiện vẫn gây nhiều tranh luận, và trong dự thảo Luật Nhà giáo chưa thể quy định một cách đầy đủ. Thời gian qua, khi tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 29, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Một mặt, nhiều phụ huynh và giáo viên mong muốn có cơ chế linh hoạt, giúp học sinh tiếp cận tốt hơn với kiến thức. Mặt khác, xã hội vẫn lo ngại về nguy cơ biến tướng, trục lợi từ việc dạy thêm.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế để phụ huynh, học sinh tiếp cận được đội ngũ giáo viên chất lượng, giảng dạy trong điều kiện tốt nhất, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả. Điều này xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh.
Nếu dự thảo Luật Nhà giáo có những quy định cụ thể hơn về dạy thêm, học thêm, kết hợp với sự hướng dẫn rõ ràng từ Thông tư 29, tôi nghĩ các biến tướng từ hoạt động này sẽ được giải quyết thấu đáo".