Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành quy định vay nợ để chi đầu tư phát triển chứ không phải vay nợ để trả nợ

P. Thủy - N. Điệp - H. Ngọc - N. Giang ghi 25/10/2013 08:29

Trong 9 tháng qua, nền kinh tế nước ta đã có nhiều tín hiệu tích cực như tăng trưởng kinh tế bắt đầu phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định… Cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, song, một số ĐBQH cho rằng, Báo cáo đề nghị cần phân tích kỹ hơn những kết quả đã đạt được. Về bội chi ngân sách nhà nước, nhiều ĐBQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ, để bảo đảm cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi thì cần nâng mức bội chi đã được QH quyết định từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP trong năm 2014. Nhưng việc tăng mức bội chi này phải dành để tập trung cho chi đầu tư phát triển. Bởi theo Luật Ngân sách nhà nước hiện hành thì bội chi ngân sách để dành cho chi đầu tư phát triển, chứ không dành chi trả nợ. Một đất nước thu không đủ chi mà nay còn phải đi vay nợ để trả nợ thì không thể yên tâm được.

ĐBQH Bùi Văn Cường (Gia Lai): Nếu QH đồng ý nâng mức bội chi thì phải có quan điểm chỉ đạo rõ ràng là bội chi để tập trung cho chi đầu tư phát triển

Tôi cơ bản đồng tình với Báo cáo về tình hình KT-XH năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và nhiệm vụ năm 2014 - 2015 do Thủ tướng báo cáo với QH. Tuy nhiên, tôi thấy báo cáo này còn hơi hồng trong khi thực trạng bức tranh của nền kinh tế vừa qua có nhiều điểm không hồng được như vậy. Ví dụ, Báo cáo đánh giá hàng tồn kho giảm, thậm chí là không còn hàng tồn kho nhưng thực tế, hàng tồn kho giảm không phải do hàng hóa lưu thông trên thị trường tăng lên mà chủ yếu là do các doanh nghiệp phải tiết giảm sản xuất. Và hệ lụy của việc tiết giảm sản xuất là công nhân không có việc làm, doanh nghiệp không sản xuất, không có thu nhập và ngân sách nhà nước hụt thu... Hay đánh giá về tình hình doanh nghiệp, trong 9 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 10,8% và cho rằng, như thế là nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Vì nếu so sánh với số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 12,8% thì con số doanh nghiệp thành lập mới vẫn thấp hơn. Chưa kể đến quy mô của các doanh nghiệp thành lập mới có vốn đăng ký thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Phải đánh giá chính xác và khách quan tình hình thì mới có giải pháp hữu hiệu để xoay chuyển những khó khăn hiện nay của nền kinh tế.

Một vấn đề cần phải lưu ý hiện nay là bội chi ngân sách. Chính phủ đang đề nghị tăng mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3%. Tôi đề nghị phải hết sức cân nhắc đề xuất này. Nếu QH đồng ý nâng mức bội chi thì cũng cần phải có quan điểm chỉ đạo hết sức rõ ràng mức tăng bội chi này là phải tập trung cho chi đầu tư phát triển. Nếu không yêu cầu rõ ràng như vậy thì tăng bội chi ngân sách là rất nguy hiểm. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, lĩnh vực nào tạo ra sản phẩm cho xã hội thì cần ưu tiên đầu tư còn những việc chưa thực sự cần thiết thì cần phải tiết kiệm tối đa.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang): Cần xác định rõ các vấn đề trọng điểm cần tập trung tháo gỡ

Báo cáo của Chính phủ nghiêng về đánh giá những kết quả đạt được nhiều hơn là đánh giá những khó khăn, tồn tại của nền kinh tế. Do đó, giải pháp còn lại của 3 tháng cuối năm 2013, cũng như các giải pháp để tháo gỡ thực trạng của nền kinh tế trong Báo cáo của Chính phủ cũng chưa rõ. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013 do Ủy ban Kinh tế tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã tiếp tục cảnh báo về một số vấn đề đáng báo động của nền kinh tế, cụ thể là, trong số 4 động lực tăng trưởng gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp và khu vực FDI thì đã có đến 3 khu vực đầu bị sụt giảm đáng kể. Nếu không xác định rõ những khó khăn nổi trội hiện nay thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp không chỉ trong năm 2013 mà còn trong các năm sau đó. Việc chưa tập trung đánh giá đúng mức và khách quan những khó khăn này khiến báo cáo của Chính phủ chưa xác định rõ các vấn đề trọng điểm cần tập trung tháo gỡ.

Khối doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tạm ngừng hoạt động đến thời điểm này đã tăng 12,8%; trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, nhiều cơ chế chính sách đã được ban hành nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp nhận được với các cơ chế chính sách đó. Theo tôi, vẫn cần cơ chế chính sách đặc thù để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cần làm rõ sự  khác biệt của 9 tháng năm 2013 so với năm 2012, trong từng giai đoạn, doanh nghiệp gặp khó khăn ở đâu. Đối với doanh nghiệp nhà nước, mặc dù đang thực hiện tái cơ cấu nhưng việc triển khai rất chậm và hiệu quả không cao. Nguy cơ các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn. Các doanh nghiệp nhà nước cũng đang chờ đợi ở các cơ chế chính sách cụ thể để tiến hành tái cơ cấu nhưng việc triển khai thực hiện vừa qua còn rất chậm. Nếu không nhanh chóng có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn thì khó khăn của doanh nghiệp sẽ ngày càng gia tăng và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Hiện nay, các doanh nghiệp đang trong tình trạng nghiêng dốc, chỉ cần một tác động nhẹ thì doanh nghiệp cũng có thể bị ngã rất nhanh. Do vậy, cần phải có cơ chế chính sách kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đối với nông nghiệp – lĩnh vực được coi là bệ đỡ của nền kinh tế nhưng thời gian qua, bệ đỡ này cũng đang có những lỗ hổng và chúng ta vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp. Hiện nay, chúng ta vẫn nói nông nghiệp sản xuất thiếu tính cạnh tranh, không cạnh tranh được với các nước trên thế giới. Chính phủ cũng nhận định như thế, nhưng lại chưa làm rõ giải pháp cho nông nghiệp ở giai đoạn 2013 – 2014 như thế nào? Không thấy động thái rõ nét để phát triển nông nghiệp. ĐBQH cũng có ý kiến rất nhiều về phát triển nông nghiệp, nhưng càng về sau này, nông nghiệp càng khó khăn. Tôi đề nghị, chính sách phát triển nông nghiệp, từ khâu liên kết, khâu đầu sản xuất đến khâu chế biến và bảo quản, xuất khẩu đều phải được hoạch định rất rõ ràng.

ĐBQH Lê Đình Khanh (Hải Dương): Chính phủ cần giải trình rõ việc tăng bội chi, phát hành trái phiếu Chính phủ có thêm mục tiêu là để trả nợ 

Trong 9 tháng qua, nền kinh tế nước ta đã có nhiều tín hiệu tích cực như tăng trưởng kinh tế bắt đầu phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất cho vay giảm, tỷ giá ổn định... Nhưng tôi thấy, trong việc đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 cần xem xét lại. Ví dụ như chỉ tiêu tăng trưởng GDP được tính theo giá của năm 2010, chứ không tính theo giá của năm 1994 như các năm trước. Trong khi đó, nếu so sánh với giá năm 1994 thì tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,03%, còn so với giá năm 2010 thì tăng trưởng là 5,25%. Tốc đột tăng trưởng GDP khá hơn nhưng vẫn không đạt chỉ do QH đề ra (5,5%). Và thực tế, nền kinh tế dù đã có biểu hiện phục hồi, song lại chưa có điểm tựa để bật lên. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng ranh giới giữa ổn định và không ổn định còn mong manh. Bởi ngân sách đang hụt thu, nếu không cho phép bội chi, phát hành trái phiếu thì kinh tế khó ổn định. Để tránh rủi ro này, Chính phủ đề xuất tăng bội chi lên hơn 5% GDP, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Nhưng điều tôi băn khoăn là trong các mục tiêu của việc tăng bội chi, phát hành trái phiếu Chính phủ lại có mục tiêu để trả nợ vay trong nước và ngoài nước. Nhìn vào mục tiêu này có thể thấy trong tăng vay nợ có phần để đảo nợ. Một đất nước thu không đủ chi, mà nay còn phải đi vay để trả nợ thì không thể nói là yên tâm được. Việc làm này có thể sẽ để lại hệ lụy trong thời gian dài vì số tiền đi vay sẽ còn tiếp tục tăng, lãi mẹ đẻ lãi con. Giải pháp này cũng cần cân nhắc bởi Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành quy định vay nợ để chi cho đầu tư phát triển, chứ không phải vay nợ để đảo nợ. Vì thế, Chính phủ cần giải trình rõ về vấn đề này để ĐBQH yên tâm khi biểu quyết.

Hai chỉ tiêu đạt được là nhập siêu và tỷ lệ hộ nghèo cũng không thấy thoải mái để đánh giá là hài lòng. Trong đó, kế hoạch nhập siêu là 8%, thì thực tế chỉ nhập siêu 4%. Nhập siêu quá thấp trong khi sản xuất trong nước vốn phụ thuộc vào nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu cho thấy tín hiệu không khả quan đối với sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đã thực hiện được nhưng thực tế thì tiêu chí hộ nghèo vẫn ở giữ ở mức thu nhập 400.000 đồng/tháng/hộ trong suốt mấy năm qua. Trong khi đó, trượt giá năm 2012 là 8%, năm 2011 là 16% và năm nay là 7%. Mức độ trượt giá cao như vậy thì rõ ràng tiêu chí hộ nghèo không còn thích hợp nữa. Một lý do nữa để chưa thể yên tâm với chỉ tiêu hộ nghèo vì chỉ cần một biến cố như bão lũ là hàng trăm hộ cận nghèo sẽ chuyển thành hộ nghèo.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Trong các nhóm giải pháp đề ra cần có nhóm giải pháp ưu tiên, đột phá thì mới có thể đạt các mục tiêu kinh tế – xã hội đến hết năm 2015

Tôi đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ. Nhưng tôi thấy, các nhóm giải pháp này còn chung chung. Đề nghị, trong các nhóm giải pháp này cần có nhóm giải pháp ưu tiên, đột phá thì mới mong đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội đến hết năm 2015. Điển hình là trong các nhóm giải pháp ưu tiên cần có ít nhất 2 nhóm giải pháp. Một là tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, bởi khi các doanh nghiệp phát triển thì mới tăng đóng góp ngân sách từ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phát triển cũng giải quyết được vấn đề lao động, an sinh xã hội, lưu thông hàng hóa. Hai là cần kiên quyết phòng, chống tham nhũng triệt để hơn để lấy lại lòng tin của người dân. Trong Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng 2013 có nêu: Tòa án xét xử sơ thẩm 278 vụ, 589 bị can về tội tham nhũng, nhưng có đến 31,2% hưởng án treo. Xử lý tội về tham nhũng mà 10 người có 3 người được hưởng án treo thì đây là một vấn đề cần xem lại. Cũng trong Báo cáo này, thì từ đầu năm 2013 đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra thụ lý 371 vụ án với 847 bị can phạm tội tham nhũng, trong đó khởi tố 233 vụ, 568 bị can, tăng 11 vụ và tăng 97 bị can so với năm 2012. Đầu năm 2013 đến nay, viện kiểm sát các cấp đã truy tố 335 vụ, 803 bị can tội tham nhũng, tăng 91 vụ, 202 bị can so với năm 2012. Tại sao trong vấn đề chống tham nhũng chúng ta xác định rằng kiên quyết chống mà càng chống càng tăng? Câu hỏi đặt ra là: chúng ta đã thực sự kiên quyết muốn chống tham nhũng chưa? Tại sao kiên quyết chống mà số vụ lại tăng lên? Do pháp luật còn có kẽ hỡ, hay pháp luật trừng trị chưa nghiêm, hay do đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đang bị suy thoái dẫn đến tình trạng tham nhũng gia tăng?

    Nổi bật
        Mới nhất
        Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành quy định vay nợ để chi đầu tư phát triển chứ không phải vay nợ để trả nợ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO