Luật năm 2005: Cơ sở pháp lý đầu tiên
Luật Vận động hành lang năm 2005 quy định các nội dung cơ bản nhất của hoạt động vận động hành lang, đồng thời lập ra hai cơ chế hoàn toàn mới nhằm hỗ trợ hoạt động này.
Chỉ điều chỉnh vận động hành lang vì lợi nhuận
Luật Vận động hành lang, ban hành năm 2005, điều chỉnh các vấn đề như: nguyên tắc hoạt động vận động hành lang, việc công khai quá trình ban hành luật, cơ chế giám sát hoạt động vận động hành lang, các quy định về đăng ký hoạt động và chế tài đối với hành vi vi phạm.
Theo đó, vận động hành lang được định nghĩa là bất cứ hoạt động pháp lý nào nhằm gây ảnh hưởng đến cơ quan nhà nước trong quá trình làm luật. Vận động hành lang chuyên nghiệp là việc vận động nhằm mục đích lợi nhuận, cho lợi ích của bên thứ 3, với mục tiêu khiến cơ quan nhà nước nhận thức được quyền lợi của các bên trong quá trình ban hành luật. Hoạt động này có thể được thực hiện bởi một thương nhân, hoặc một cá nhân không phải pháp nhân theo hợp đồng dân sự. Có thể thấy, định nghĩa trên loại trừ các hoạt động vận động chuyên nghiệp nhưng không vì mục đích lợi nhuận, được thực hiện bởi pháp nhân không phải là thương nhân, như đảng phái chính trị, tổ chức phi chính phủ, hiệp hội của chủ sử dụng lao động, công đoàn, cũng như cá nhân tham gia vận động không có hợp đồng dân sự hoặc không có thù lao.
![]() |
Tuy nhiên, đạo luật năm 2005 không đưa ra khái niệm pháp lý về người vận động hành lang. Do đó, người vận động hành lang được hiểu là bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào sử dụng các biện pháp pháp lý để tác động đến cơ quan nhà nước trong quá trình ban hành luật. Theo nguyên tắc, người vận động hành lang có thể thực hiện công việc của mình ở bất kỳ đâu trong khuôn viên của các cơ quan nhà nước.
Hoạt động vận động hành lang chỉ được coi là hợp pháp sau khi người thực hiện đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hoạt động vận động hành lang chuyên nghiệp mà không đăng ký có thể bị phạt từ 750 - 12.500 euro. Trong khi đó, người tham gia vận động hành lang không chuyên nghiệp, tức không vì lợi nhuận, lại không cần đăng ký. Việc đăng ký là công khai, được lưu vào cơ sở dữ liệu điện tử và đăng ở bảng Thông tin trên website của cơ quan nhà nước. Người vận động hành lang đăng ký thông tin với cơ quan quản lý theo mẫu đơn có sẵn. Mọi thay đổi về thông tin so với mẫu đơn này phải được người vận động hành lang báo cáo với cơ quan quản lý trong vòng 7 ngày kể từ khi đơn được gửi. Bộ trưởng Quản lý hành chính và số hóa chịu trách nhiệm quản lý hệ thống thông tin về vận động hành lang. Thông tin về người vận động hành lang có thể bị xóa theo quyết định của cơ quan quản lý hoặc theo đề nghị của người đăng ký. Thông tin cũng có thể bị xóa nếu tòa án ra lệnh cấm hoạt động vận động hành lang vì có hành vi vi phạm pháp luật. Những thông tin như vậy cũng được lưu trong cơ sở dữ liệu.
Hai cơ chế mới
Luật Vận động hành lang năm 2005 đã thiết kế hai cơ chế mới liên quan chặt chẽ đến quá trình vận động hành lang là lập chương trình lập pháp và điều trần.
Theo luật, Hội đồng Bộ trưởng có nghĩa vụ công khai chương trình lập pháp. Văn bản được liệt kê trong chương trình lập pháp bao gồm sáng kiến pháp luật, dự luật và dự thảo văn bản pháp quy của Hội đồng Bộ trưởng. Dự luật ở đây bao gồm cả dự thảo ngân sách, dự thảo nghị quyết công nhận điều ước quốc tế và đạo luật điều chỉnh quan hệ giữa nhà nước Ba Lan và các tổ chức tôn giáo. Luật Vận động hành lang 2005 yêu cầu công khai mọi thông tin liên quan đến dự luật, từ sự cần thiết ban hành luật, nội dung chính của dự thảo, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo đến ý kiến chuyên gia, ý kiến cử tri hay các đề xuất soạn thảo. Sau khi các thông tin liên quan đến dự luật được công khai trên Bảng thông tin, mọi công dân đều có quyền thể hiện sự quan tâm bằng cách đưa ra đề xuất của mình và nói rõ quyền lợi cần được bảo vệ trong dự luật.
Điều trần công khai có thể được áp dụng với cả dự luật hoặc dự thảo văn bản pháp quy. Hoạt động điều trần công khai phần lớn được điều chỉnh bởi Nội quy hoạt động của Hạ viện. Đối với dự luật, sau khi dự luật được trình lên Hạ viện thì có thể tổ chức điều trần. Bên muốn tham gia điều trần cần tuyên bố có quyền lợi liên quan đến dự luật chậm nhất là 10 ngày trước khi cuộc điều trần diễn ra. Chủ tịch Hạ viện có quyền quyết định ai được tham gia vào cuộc điều trần. Danh sách cá nhân, tổ chức tham gia điều trần được công khai trên hệ thống thông tin của Hạ viện.
Điều trần không phải là hoạt động bắt buộc. Ủy ban thẩm tra dự thảo có quyền quyết định có tổ chức điều trần hay không. Việc tổ chức điều trần cần được quyết định bằng nghị quyết, theo đề nghị bằng văn bản của nghị sĩ. Điều trần không được tổ chức tại tiểu ban. Theo Nội quy hoạt động của Hạ viện, do hạn chế về không gian hoặc vì lý do kỹ thuật, ủy ban có thể hạn chế số bên liên quan tham gia buổi điều trần. Tuy nhiên, hạn chế phải được thể hiện dưới dạng một tiêu chí hợp lý công khai trên website của Hạ viện, ví dụ như “ai đến trước được trước”.
Ủy ban cũng có thể thay đổi thời gian diễn ra cuộc điều trần, và thậm chí là hủy bỏ nó do hạn chế kỹ thuật hoặc không gian, đặc biệt là do số người muốn tham dự quá đông không tổ chức được. Quyết định hủy buổi điều trần không thuộc diện được khiếu nại. Khái niệm số người muốn tham dự điều trần không được làm rõ.
Điều trần chỉ được tổ chức trong phiên họp của ủy ban, và chương trình buổi họp không được liên quan đến vấn đề nào khác. Danh sách người phát biểu và thời gian phát biểu được chủ tịch ủy ban quyết định. Mỗi bên chỉ được phát biểu một lần, nhưng chủ tịch ủy ban có thể kéo dài thời gian phát biểu. Thông tin về buổi điều trần sẽ được ghi chép thành biên bản. Biên bản được công khải trên Bảng Thông tin của cơ quan soạn thảo. Buổi điều trần có thể được ghi âm.
Các cơ quan hành chính có thể tổ chức điều trần trong quá trình ban hành văn bản pháp quy với thủ tục tương tự như trên. Điều trần có thể được tổ chức độc lập và chỉ có các bên có quyền lợi liên quan tham gia, hoặc cùng với đại diện các bộ có liên quan đến văn bản pháp quy sắp được ban hành.
Theo quy định, tác giả dự thảo luật phải phản hồi trực tiếp ý kiến của những người tham dự buổi điều trần, nhưng nếu cần cũng có thể trả lời bằng văn bản trong vòng 14 ngày kể từ khi buổi điều trần diễn ra.
Bộ Quản lý hành chính và số hóa có trách nhiệm công khai ngay thông tin trên Bản thông tin về mọi hoạt động có liên quan đến dự thảo và đề xuất của bên vận động hành lang. Luật không điều chỉnh hoạt động của người vận động hành lang không chuyên nghiệp, mà để lại khoảng trống cho quy định nội bộ của từng cơ quan liên quan đến quá trình ban hành luật. Mọi cơ quan nhà nước phải ngay lập tức báo cáo với Bộ trưởng Hành chính và số hóa về bất cứ hành vi vận động chưa được đăng ký nào. Mỗi năm một lần, các cơ quan phải trình báo cáo về các hoạt động vận động hành lang có liên quan đến đơn vị mình.