Luật không quy định “trần” tuổi ứng cử

Trịnh Sao Mai
Nguyên Hàm Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu
07/03/2016 07:44

Có những điều tưởng như vậy là đương nhiên, là quá hiển nhiên, không phải bàn cãi gì nữa. Ấy vậy mà cứ phải bàn. Bàn rồi cũng có lúc vẫn còn nhầm lẫn.

Hiểu cho đúng về độ tuổi ứng cử

Trên thực tế, thành viên của các tổ chức: MTTQ, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, đặc biệt là Hội người cao tuổi hầu hết ở độ tuổi trên sáu mươi, nhưng trong những nhiệm kỳ HĐND vừa qua được cử tri tín nhiệm bầu vào đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn khá cao, các đại biểu đại diện cho các tổ chức này hoạt động tích cực và hiệu quả. Vì vậy, phải hiểu cho đúng về độ tuổi ứng cử đại biểu HĐND các cấp, luật không quy định “trần”, mà chỉ quy định công dân nước Cộng hòa xã xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH và HĐND các cấp.

Tuổi của người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND các cấp, theo quy định tại Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND: ... công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH, HĐND các cấp… Như vậy, theo tinh thần và bản chất của điều luật này quy định người muốn ứng cử đại biểu QH hoặc đại biểu HĐND, điều kiện đủ về độ tuổi là phải đủ từ hai mươi mốt tuổi trở lên. Luật không quy định người ứng cử phải đủ hai mươi mốt tuổi đến bao nhiêu tuổi thì được ứng cử, không quy định “trần” của độ tuổi ứng cử.

Ý kiến khác lại cho rằng, đã đến tuổi nghỉ hưu, 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ là không còn đủ điều kiện ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND. Những người ủng hộ ý kiến này đã viện dẫn văn bản Hướng dẫn số 38 - HD/BTCTW ngày 31.1.2016 của Ban Tổ chức Trung ương “Về công tác nhân sự đại biểu QH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021”. Tại Điểm 3, Tiêu chuẩn đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Mục 3.1 Tiêu chuẩn chung:“… Người ứng cử đại biểu HĐND các cấp đang công tác tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung  phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5.1961, nữ sinh từ tháng 5.1966 trở lại đây”. Hướng dẫn rất rõ ràng, cụ thể cho một nhóm đối tượng nhất định, đó là những người còn công tác, đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Hướng dẫn này không thể hiểu là quy định cho mọi đối tượng, mọi công dân. Nếu hiểu như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giới thiệu người ra ứng cử đại biểu HĐND, nhất là đối với HĐND xã, phường, thị trấn. Đó là MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQ như: Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi… Đây là những tổ chức xã hội có số hội viên rất lớn, đang hoạt động rất tích cực tại cơ sở, là cơ sở chính trị, là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền cấp cơ sở. Nếu hiểu như vậy thì đương nhiên trong nhiệm kỳ HĐND 2016 - 2021, HĐND xã, phường, thị trấn sẽ không có bóng dáng của đại biểu HĐND nào đại diện MTTQ, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi tại cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cấp cơ sở.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị hướng dẫn nội dung, thủ tục, trình tự giới thiệu người ứng cử đại biểu Ảnh: X. Nghiệp
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị hướng dẫn nội dung, thủ tục,
trình tự giới thiệu người ứng cử đại biểu
Ảnh: X. Nghiệp

Đừng nhầm lẫn việc ứng cử

Trong các cuộc bầu cử trước đây, có khá nhiều công dân khi muốn ứng cử làm đại biểu HĐND đã phạm những sai lầm đáng tiếc, những sai lầm lẽ ra không đáng có. Đó là nhầm lẫn khi công dân cư trú và công tác ở một đơn vị hành chính này lại muốn ứng cử làm đại biểu HĐND tại một đơn vị hành chính khác. Điều này đã được pháp luật về bầu cử quy định rất rõ việc ứng cử của công dân.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng đã là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ hai mươi mốt tuổi trở lên, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội đều có quyền ứng cử vào QH và HĐND các cấp. Từ nhận thức như vậy, thực quyền đó công dân có thể nộp hồ sơ ở bất kỳ địa phương nào mà công dân muốn và muốn ứng cử bao nhiêu cấp HĐND tùy ý. Đó là hiểu quyền ứng cử một cách phiến diện, không đầy đủ và sai đối với các quy định của pháp luật về bầu cử.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 36 của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND:“Người ứng cử đại biểu HĐND nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó”. Quy định như vậy là rất rõ ràng, cụ thể. Ngoài những tiêu chuẩn đại biểu HĐND được quy định tại Điều 7, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, công dân muốn ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị hành chính nào cũng đều phải bảo đảm một trong hai yếu tố: Đó là cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó. Như vậy, công dân đang cư trú hoặc công tác thường xuyên tại đơn vị hành chính A thì chỉ được ứng cử vào HĐND của đơn vị hành chính A mà thôi; không được ứng cử vào HĐND của bất kỳ đơn vị hành chính nào khác khi không đáp ứng được một trong hai yếu tố trên.

Còn nếu hiểu công dân muốn ứng cử vào QH và bao nhiêu cấp HĐND cũng được lại là một sai lầm không đáng có. Bởi, điều này luật không cho phép. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 36 Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND: “Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu HĐND tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu QH thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu HĐND ở một cấp”. Quy định như vậy là rõ.

Luật quy định như vậy không hạn chế quyền ứng cử của công dân, mà chính là tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền ứng cử khá rộng. Đồng thời, quy định như vậy cũng chính là tạo điều kiện khi công dân ứng cử mà trúng cử ở cả hai cấp đại biểu thì vẫn có thời gian để thực hiện nhiệm vụ đại biểu, và làm công tác khác mà mình đang tham gia.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Luật không quy định “trần” tuổi ứng cử
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO