Luật Khí tượng thủy văn điều chỉnh toàn diện mọi hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam
Luật Khí tượng thủy văn với 10 Chương gồm 55 Điều được Quốc hội thông qua ngày 23.11.2015. Luật sẽ tạo ra khung khổ pháp lý, là bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn. Bảo đảm điều kiện cho các hoạt động khí tượng thủy văn phát triển; đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.
Luật điều chỉnh toàn diện mọi hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam. Một số vấn đề mới từ trước đến nay chưa có quy định mang tính pháp lý thì nay đã được quy định trong Luật, như: Vấn đề tác động vào thời tiết; Giám sát biến đổi khí hậu; Các yêu cầu bắt buộc về quan trắc khí tượng thủy văn đối với các công trình khi hoạt động chịu tác động hoặc gây tác động đến điều kiện khí tượng thủy văn mà có khả năng ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng, tài sản của cộng đồng; Các quy định về hoạt động phục vụ và dịch vụ khí tượng thủy văn; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khí tượng thủy văn… Góp phần hoàn chỉnh thêm một bước hệ thống pháp luật của ngành Tài nguyên và Môi trường. Bảo đảm tính thống nhất của các mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; phát triển các tram khí tượng thủy văn chuyên dùng Luật đã quy định các nội dung về quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, kế hoạch phát triển mạng lưới trạm của các Bộ, ngành, địa phương, hành lang kỹ thuật trạm và quy định về yêu cầu quan trắc phải tuân thủ tính chính xác, liên tục, thống nhất, đồng bộ theo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn...
Nhưng tùy thuộc vào mục đích cụ thể, nội dung quan trắc của các loại trạm khí tượng thủy văn có thể khác nhau. Vì vậy, xuất phát từ tính chất, trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin khí tượng thủy văn theo mục đích riêng của từng Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, nên việc giao cho các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân quy định nội dung quan trắc. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ quy định nội dung quan trắc khí tượng thủy văn đối với các trạm thuộc mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia.
Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia do Nhà nước đầu tư nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, không thể thiếu mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ mục đích cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế trên thế giới cũng như ở nước ta đã và đang tồn tại các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của đất nước, việc hình thành và phát triển các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng là một yêu cầu tất yếu khách quan, cần được khuyến khích. Thể hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Luật đã thể hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nhằm phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, quốc phòng, an ninh quốc gia… thông qua quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, việc sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trong hoạt động phòng, chống thiên tai.