Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê

Luật hóa việc kê khai, cung cấp thông tin bằng công nghệ số

- Thứ Ba, 26/10/2021, 06:48 - Chia sẻ
Cho rằng công tác thống kê hiện vẫn đang vận hành theo cách thức truyền thống, tốn nhiều giấy mực và công sức, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê lần này sẽ luật hóa việc kê khai, cung cấp thông tin bằng công nghệ số. Theo đó, chỉ cần một thao tác "kích chuột" sẽ lập tức có được các biểu mẫu, số liệu, thông tin thống kê đáp ứng yêu cầu của người dùng và chuyển thành tiền. Cán bộ thống kê sẽ không còn phải cặm cụi, hưởng đồng lương eo hẹp mà sẽ trở thành những người có thu nhập cao.

Thay đổi phương thức thống kê

Bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê hiện hành, các ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi Luật nhằm mục tiêu cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), số liệu thống kê vô cùng quan trọng, có tác động lớn đến các quyết sách của đất nước, quyết định của các nhà kinh doanh. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta càng thấy rõ vai trò của thống kê. Rõ ràng, chúng ta không thể nào dùng các số liệu thống kê đưa ra trước đó một quý, mà phải là những con số “nóng”, kịp thời từng ngày, từng giờ. Trong kinh doanh, những bộ phận quản trị khách hàng chỉ cần nắm được thông tin của khách hàng, tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, họ hoàn toàn có thể bán thông tin đó cho bộ phận tiếp thị khai thác thông tin và giới thiệu sản phẩm. Điều đó cho thấy, số liệu thống kê không còn là những còn số khô khan mà thực sự trở thành nguồn lực, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, "càng sở hữu nhiều con số thống kê, càng có nhiều tiền". Từ cách tiếp cận đó, đại biểu Hoàng Văn Cường kỳ vọng, dự thảo Luật lần này sẽ luật hóa việc kê khai, cung cấp thông tin thống kê bằng công nghệ số để hình thành kho dữ liệu quốc gia về thông tin kinh tế - xã hội.

Theo đó, thống kê không thể cứ mãi theo phương thức truyền thống như trước đây, mà phải thực hiện bằng công nghệ, bất kể sự thay đổi, biến động của kinh tế - xã hội đều phải được cập nhật trên hệ thống thông tin quốc gia để hình thành bộ dữ liệu số quốc gia. Thực tế cho thấy, các cuộc điều tra truyền thống mất rất nhiều công sức, tốn nhiều giấy mực, mà lại chưa chính xác bằng hệ thống cập nhật số. Nếu có kho dữ liệu số, bất kỳ lúc nào, bất kỳ thời điểm nào, các cơ quan thống kê cũng có thể chiết xuất được các chỉ tiêu mà các cơ quan nhà nước yêu cầu. Thậm chí, bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp, nhà kinh doanh nào yêu cầu, cơ quan thống kê cũng có thể cung cấp được ngay, chứ không cần giới hạn trong 222 chỉ tiêu thống kê như dự thảo.

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, thay vì sửa đổi các chỉ tiêu thống kê, dự thảo Luật cần sửa đổi từ phương thức thu thập các thông tin thống kê, sử dụng công nghệ số hóa, từ đó hình thành các kho dữ liệu thống kê. "Làm được như thế, nghĩa là cơ quan thống kê đang nắm giữ kho tài nguyên số, chỉ cần một thao tác "kích chuột" là lập tức có được các biểu mẫu thống kê, số liệu thống kê, thông tin thống kê đáp ứng yêu cầu của người dùng và chuyển thành tiền. Cán bộ thống kê sẽ không còn phải cặm cụi, hưởng đồng lương eo hẹp mà sẽ trở thành những người có thu nhập cao".

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy phát biểu tại điểm cầu tỉnh Bình Định

Ảnh: N. Hân

Thống kê nên là khởi đầu của chuyển đổi số quốc gia

Dành sự quan tâm về các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, vùng và liên kết vùng, một số đại biểu cho rằng, dù số chỉ tiêu trong dự thảo Luật khá nhiều nhưng vẫn thiếu các chỉ tiêu mang tính đo lường tổng hợp. Đơn cử, có tới 23 chỉ tiêu kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số nhưng vẫn chưa thể hiện rõ nét về đo lường kinh tế số, hay chưa có giải trình cụ thể, thuyết phục về việc không đưa chỉ tiêu “tỷ lệ các nền tảng số đang hoạt động trên thị trường Việt Nam” hay thay đổi chỉ tiêu “tỷ lệ chi cho chuyển đổi số”. Hoặc có tới 130 chỉ tiêu liên quan đến vùng và liên kết vùng nhưng nhiều chỉ tiêu chỉ dừng ở mức phản ánh thực trạng về dân số, lao động, việc làm, sản lượng (phản ánh về lượng)… của vùng, rất khó phản ánh và đo lường mức độ phát triển kinh tế vùng hay mức độ liên kết kinh tế trong vùng và giữa các vùng, mức độ phát triển và đóng góp của kinh tế đô thị, phản ánh về chất.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao về đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số. Nghị quyết số 16 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 cũng đặt ra chỉ tiêu kinh tế số đạt 20% GDP. Như vậy, việc xây dựng các chỉ tiêu liên quan đến nguồn nhân lực và lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế số cần bám sát các nghị quyết này. Với quan điểm như vậy, ĐBQH Vũ Hải Quân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nên cụ thể hóa các cách tính chỉ tiêu số đạt 20% GDP. Hiện nay, chúng ta mới quan tâm đến các chỉ tiêu doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin, doanh thu dịch vụ nền tảng số và kinh doanh trực tuyến, doanh thu bưu chính, viễn thông. Kinh tế số có phải chỉ bao gồm những dịch vụ như vậy hay không (?) Chúng ta sẽ thực hiện việc thống kê các chỉ tiêu này như thế nào? Ngay cả việc xác định chính xác doanh thu của Google hay Facebook tại Việt Nam cũng còn là một câu hỏi.

Đại biểu Vũ Hải Quân cũng đề nghị dự thảo Luật nên có quy định cụ thể hóa, công khai các quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện thu thập dữ liệu thống kê, phương pháp làm thống kê để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ của dữ liệu này. Đồng thời, quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh hợp tác đầu tư công tư để thực hiện tốt công tác thống kê cũng như tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thực hiện khảo sát, lưu trữ, phân tích dữ liệu thống kê.

Giải trình các ý kiến của đại biểu về tăng cường công nghệ thông tin trong thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ sẽ cố gắng cao nhất để sử dụng triệt để công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng thống kê, bảo đảm rút ngắn thời gian, với chi phí thấp nhất.

Thống kê nên là công việc khởi đầu của chuyển đổi số quốc gia. Nếu ngành thống kê không đi đầu trong chuyển đổi số thì không thể nào các ngành, các lĩnh vực khác có thể chuyển đổi số. Nhấn mạnh điểm mấu chốt này, nhiều đại biểu nêu rõ, chỉ khi có kho dữ liệu thống kê số mới là tiền đề tiên quyết để phát triển kinh tế số như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Anh Thảo