Dự kiến có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Theo đại biểu, năm 2024 là năm nước rút, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dưới sự quyết tâm lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư, sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có xu hướng phục hồi và phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra.
Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; chính trị xã hội ổn định; văn hoá xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày được tăng cao, đặc biệt các phong trào xoá đói, giảm nghèo, xoá nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Cùng với những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đại biểu cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề hạn chế trong thể chế, cơ chế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân. Trong đó, phải nói đến tác động không nhỏ do ảnh hưởng của sự lãng phí diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề hạn chế trong thể chế, cơ chế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân. Trong đó, phải nhận diện những hệ lụy của tình trạng lãng phí đối với sự phát triển của đất nước.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn trách nhiệm với địa phương
Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn có hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô và lãng phí rất phổ biến”, đại biểu nêu rõ, vấn đề này cũng đã được Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa phân tích sâu sắc những tác hại và sự cần thiết phải đẩy mạnh chống lãng phí. Ngay tại phiên thảo luận tại Tổ mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ các công trình, dự án bị bỏ hoang không sử dụng được như việc dôi dư các tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính; lãng phí trong đầu tư công điển hình như Dự án chống ngập ở TP. Hồ Chí Minh qua 2 nhiệm kỳ mà người dân vẫn phải chịu ngập lụt; hay 2 bệnh viện ở Hà Nam được nhà nước đầu tư hàng chục năm vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Từ những thực tiễn trên, đại biểu kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra. Đồng thời, thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.
Đặc biệt có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương tổ chức thực hiện với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ xem xét đề xuất cơ chế cho các địa phương nhận trợ cấp cân đối không phải sử dụng nguồn tăng thu để cải cách tiền lương, nhằm giảm bớt khó khăn cho các tỉnh chưa cân đối được ngân sách, tạo điều kiện cho các địa phương có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài ra, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân sinh sống tại các xã vùng an toàn khu cách mạng (CT229) và các xã trọng điểm của vùng CT229 trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Trong đó, quan tâm luật hóa quy định ngân sách nhà nước đóng BHYT đối với người dân sinh sống tại khu vực này ngay trong dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.