Luật Giáo dục nghề nghiệp phải lấy ý kiến bổ sung hoàn thiện trước khi trình QH thông qua

Hồng Hà 29/04/2020 21:30

Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp, với phạm vi điều chỉnh và nội hàm đã có nhiều thay đổi so với dự án luật ban đầu là luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Do đó, cần thấy rằng nội dung Luật này không còn là sửa đổi, bổ sung nữa, mà mục đích, tính chất của Luật đã có đường rẽ, và nếu thế dự thảo luật có đủ điều kiện để thông qua tại Kỳ họp thứ Tám hay không?

Một là, sự thay đổi tên gọi và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án luật có những vấn đề cần phải được bàn thêm

Về cơ bản, việc thay đổi tên gọi và mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh đối với giáo dục trung cấp chuyên nghiệp và sửa tên gọi Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp là đúng với quy định của Hiến pháp và Luật giáo dục hiện hành, được hầu hết ĐBQH tán thành. Riêng việc mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh đối với hệ thống giáo dục cao đẳng ở các cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước thì không nhận được sự đồng tình của dư luận và của ĐBQH bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, Luật Giáo dục hiện hành quy định giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp, nếu quy định bao gồm thêm hệ thống giáo dục cao đẳng của các ngành, các địa phương và các cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước là không đúng và không thống nhất với Luật Giáo dục hiện hành.

Thứ hai, Luật Giáo dục đại học do QH Khóa XIII thông qua vừa mới có hiệu lực thi hành đã quy định, hệ thống giáo dục cao đẳng thuộc đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục đại học.

Như vậy, việc mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh đối với giáo dục cao đẳng như dự thảo luật sẽ là chồng chéo, vừa không phù hợp với Luật Giáo dục, vừa trái với quy định của Luật Giáo dục đại học mới có hiệu lực thi hành. Trên thực tế, các cơ sở giáo dục đại học đã và đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo các trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học một cách hợp lý, liên thông và hiệu quả. Nếu mở rộng phạm vi và đối tượng của luật giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả đào tạo trình độ cao đẳng như dự thảo sẽ gây nên sự xáo trộn rất lớn trong hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học.

Hai là, việc phân công quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp - vấn đề cần được xem xét trên nguyên tắc của tính hệ thống

Dự thảo luật phân công Bộ LĐ, TB và XH thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau bởi các lý do sau đây:

Về nguyên tắc, việc giao cho bộ nào thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, là phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Bộ đó đã được pháp luật quy định, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, mà trước hết là sự thống nhất về quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục quốc dân đã được hiến pháp quy định. Hầu hết các ĐBQH đồng tình với loại ý kiến giao cho Bộ GD và ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Phân công như vậy là đúng với Điều 100 của Luật Giáo dục đã quy định: Bộ trưởng Bộ GD và ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục (đương nhiên không thể không bao gồm giáo dục nghề nghiệp).

Nghiên cứu báo cáo giải trình của UBTVQH về việc giao cho Bộ LĐ, TB và XH mà không giao cho Bộ GD và ĐT quản lý nhà nước về dạy nghề - với lý do, trước đây Bộ GD và ĐT có quản lý mảng dạy nghề nhưng chưa thật tốt, nên chính phủ giao cho Bộ LĐ, TB và XH quản lý, hiện nay Bộ GD và ĐT lại nhiều việc, nếu giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có thể thêm gánh nặng cho ngành - cách giải trình đó hoàn toàn không thuyết phục, bởi lẽ không có cơ sở và cũng không thể nói là bộ nào nhiều việc hơn bộ nào, nhiều việc hay ít việc còn phụ thuộc vào quy mô bộ máy quản lý và hệ thống vị trí việc làm được xác định so với chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, không ai có thể nghĩ rằng hiện nay Bộ GD và ĐT nhiều việc hay ít việc hơn Bộ LĐ, TB và XH. Từ những phân tích trên cho thấy Bộ LĐ, TB và XH chỉ có thể thực hiện trách nhiệm là cơ quan chủ quản của những cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ - tương tự như cách mà các bộ, ngành khác đã và đang thực hiện trách nhiệm là bộ, ngành chủ quản đối với các cơ sở giáo dục của mình, còn việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân phải thuộc về chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD và ĐT. Khi xác định và giao đúng chức năng, nhiệm đối với Bộ GD và ĐT thì Bộ GD và ĐT phải chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý của mình, nếu quản lý chưa tốt, chưa hiệu quả thì phải đầu tư thêm về điều kiện, tăng cường thêm về chỉ đạo và tìm giải pháp tích cực để thực hiện cho tốt. Không thể vì ít quan tâm, vì gánh nặng công việc, quản lý chưa tốt, chưa tạo được sự phát triển mà giao lại cho bộ khác quản lý.

Ba là, sự cần thiết phải điều chỉnh thời điểm xem xét thông qua luật giáo dục nghề nghiệp

Tại Kỳ họp thứ Bảy, QH chỉ mới cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề (trong phạm vi dạy nghề), nay QH xem xét để thông qua một dự án luật mới - Luật Giáo dục nghề nghiệp với nội hàm lớn hơn nhiều, phạm vi và đối tượng điều chỉnh như dự thảo là mở rộng rất nhiều - không chỉ đối với trung cấp chuyên nghiệp như ý kiến của QH tại Kỳ họp thứ Bảy. Việc mở rộng phạm vi và nội hàm của dự án luật như nói ở trên đã có tác động đến nhiều đối tượng gồm cả người học và các cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học trong cả nước. Đây là những vấn đề lớn và mới nhưng chưa có báo cáo tác động để QH nghiên cứu, xem xét cho ý kiến. Vì thế, cơ quan soạn thảo cần phải tổ chức khảo sát lấy ý kiến của các đối tượng điều chỉnh - nhất là ý kiến từ thực tiễn của các cơ sở giáo dục hiện đang đào tạo trình độ cao đẳng và đại học; ý kiến của các bộ, ngành, các địa phương có cơ sở đào tạo cao đẳng trước khi xem xét quyết định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và các chế định có liên quan.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cũng như việc phân công cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là những vấn đề quan trọng, thuộc nguyên tắc của tính hệ thống, vì thế không thể chủ quan, áp đặt. Từ những vấn đề nói trên, việc cân nhắc để chưa thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp tại Kỳ họp thứ Tám là điều có thể và hết sức cần thiết.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Luật Giáo dục nghề nghiệp phải lấy ý kiến bổ sung hoàn thiện trước khi trình QH thông qua
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO