Đòn bẩy cho công nghiệp trong nước
Theo đó, Luật Công nghiệp trọng điểm được kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Công nghiệp trọng điểm không chỉ đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng suất lao động toàn xã hội. Việc xác định và phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, nhằm tận dụng tối đa lợi thế so sánh và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Hiện nay, Bộ Công thương vẫn đang tích cực xây dựng dự án Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm tạo cơ sở pháp lý và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp, nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập hiện tại trong quá trình phát triển công nghiệp. Đại diện Cục Công nghiệp, Bộ thương cho biết Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ ưu tiên, chú trọng các nguồn lực quốc gia để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm gồm: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, công nghiệp dệt may, da – giày,… Trong đó, tập trung xây dựng các giải pháp gồm ưu đãi đầu tư, tăng tỷ trọng công nghệ cao, tăng giá trị sản xuất tại Việt Nam, nâng cao năng suất, chất lượng và hình thành các cụm liên kết,…
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Vân: Trong thời gian tới, các tập đoàn kinh tế, công ty nước ngoài, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng chú trọng tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà máy vào những khu vực mà tại đó họ có thể tận dụng được một ngành công nghiệp hỗ trợ tốt, đáp ứng được nhu cầu mua sắm linh kiện, chi tiết sản phẩm hay như các hợp đồng cung cấp, đặt hàng sản xuất các chi tiết, đơn vị sản phẩm phục vụ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm hơn là những quốc gia có lợi thế về nhân công giá rẻ. Chính vì vậy các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang trông chờ sớm ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm. Riêng với công nghiệp hỗ trợ, luật sẽ là điểm tựa để ngành phát triển mạnh mẽ”.
Thúc đẩy, sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý
Theo thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2024 các ngành công nghiệp trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhằm góp phần góp phần bảo đảm chỉ tiêu phấn đấu năm 2024 của ngành Công Thương, Cục Công nghiệp tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép...
Đồng thời tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn,…
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2024 - 2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường.
Theo dự kiến, nếu Luật Công nghiệp trọng điểm cùng các chính sách song hành sẽ giúp ngành công nghiệp tăng trưởng 7,8 - 8,3%, nhanh hơn so với tăng trưởng kinh tế (6,5 - 7,0%), qua đó mở rộng cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động.
Dự kiến mỗi năm, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tạo thêm khoảng từ 250 - 300 nghìn việc làm mới, tương ứng với 25 - 30 nghìn tỉ đồng thu nhập tăng thêm/năm cho người lao động.