Luật Chăm sóc và phát triển trẻ thơ của Philippines:Bước chiến lược trong đầu tư nguồn nhân lực tương lai
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. ký đã ký ban hành Luật Chăm sóc và phát triển trẻ thơ vào ngày 8/5/2025, song mới đây Hiệp hội Quản lý Philippines (MAP), một trong những tổ chức chính sách doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn nhất tại quốc gia này, mới lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ luật mới.

Trong tuyên bố chính thức, MAP bày tỏ kỳ vọng rằng luật sẽ thúc đẩy việc phân bổ ngân sách cho các chương trình nhạy cảm về dinh dưỡng, nhằm giải quyết toàn diện các nguyên nhân cơ bản của suy dinh dưỡng trẻ em, bao gồm an ninh lương thực, tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng với giá cả phải chăng, dịch vụ y tế và xã hội, cũng như các can thiệp cụ thể về dinh dưỡng để xử lý tình trạng thiếu vi chất và các nguyên nhân cấp tính khác của suy dinh dưỡng mẹ và trẻ.
Luật mới thay thế Luật Những năm đầu đời được ban hành năm 2013, mở rộng phạm vi chăm sóc toàn diện cho trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm giáo dục sớm, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội. Luật yêu cầu các đơn vị chính quyền địa phương thành lập các Trung tâm Phát triển trẻ em tại mỗi barangay (đơn vị hành chính nhỏ nhất trong hệ thống chính quyền địa phương của Philippines), nhằm bảo đảm mọi trẻ em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, được tiếp cận dịch vụ chăm sóc chất lượng từ sớm .
Đáng chú ý, luật nhấn mạnh đến việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật, yêu cầu các chương trình giáo dục và chăm sóc phải sử dụng ngôn ngữ và phương tiện giao tiếp phù hợp, tạo môi trường học tập và vui chơi tối ưu cho sự phát triển toàn diện của các em .
Theo nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu phát triển Philippines (PIDS), hiện nay, cả nước thiếu khoảng 33.000 trung tâm chăm sóc trẻ em, thấp hơn nhiều so với nhu cầu ước tính là 96.000. Luật mới được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng này, đồng thời chuyên nghiệp hóa đội ngũ giáo viên và nhân viên phát triển trẻ em thông qua hệ thống đào tạo và chứng nhận quốc gia .
Việc MAP lên tiếng ủng hộ luật mới cho thấy nhận thức ngày càng tăng của khu vực tư nhân về tầm quan trọng của đầu tư vào phát triển trẻ thơ như chiến lược kinh tế dài hạn. Đây không chỉ là vấn đề xã hội, mà còn là nền tảng cho năng suất lao động và tăng trưởng bền vững của quốc gia trong tương lai.