Theo đó, có 4 thủ tục hành chính cắt giảm, tích hợp gồm: Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; Tích hợp nhiều loại giấy phép về môi trường vào một loại giấy phép môi trường.
Cắt giảm tới 40% thủ tục hành chính
Theo các chuyên gia, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được sửa đổi rất công phu với nhiều điểm đột phá không chỉ giải quyết được những chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về Bảo vệ môi trường (BVMT) mà còn khởi đầu cho việc cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Đơn cử đối với giấy phép môi trường, đây là một sự cải cách hành chính chưa từng có khi 7 nội dung trước đây được đưa vào 1 giấy phép môi trường (GPMT) giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm và giảm thiểu đáng kể được các quy trình, thủ tục.
Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm đáng kể thủ tục hành chính (TTHC) cho doanh nghiệp. Cùng với đó, bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn tác động môi trường cho đến khi cấp GPMT đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường phối hợp của các cơ quan.
Đối với giấy phép môi trường, đây là một sự cải cách hành chính chưa từng có khi 7 nội dung trước đây được đưa vào 1 giấy phép môi trường giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm và giảm thiểu đáng kể được các quy trình, thủ tục.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có bước tiến “đột phá” cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm tới 40% TTHC, giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 – 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với quy trình đánh giá tác động môi trường, Luật đã đưa ra những quy định đánh giá một cách thận trọng, cân nhắc dựa trên nhiều tiêu chí về môi trường. Với những điểm đột phá này, các thủ tục, hồ sơ sẽ giảm khoảng 50% thời gian giải quyết. Điều này mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, chất lượng môi trường chắc chắn sẽ được kiểm soát hơn nhiều so với trước đây.
Phân loại rác thải tại nguồn, khuyến khích tái chế, tái sử dụng rác thải
Một điểm đột phá lớn không thể không nhắc đến, đó là trước thực trạng tỷ lệ chôn lấp rác thải ở Việt Nam còn cao do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý, Điều 136 của Luật đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên “khối lượng, mức độ độc hại của chất ô nhiễm thải ra môi trường,…”, thay vì việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.
Theo đó, quy định rác thải sinh hoạt phải được phân chia làm ba loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác (Điều 75). Mô hình và cơ chế quản lý này đã được chứng minh hiệu quả ở nhiều quốc gia phát triển. Đặc biệt, việc thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác cũng được các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc… áp dụng khá thành công.
Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn sau khi phân loại được khuyến khích tận dụng tối đa lượng chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi phù hợp với điều kiện nông thôn tại Việt Nam (Điều 61). Ngoài ra, lần đầu tiên Luật quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế hoặc khó có khả năng tái chế phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hay cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu (Điều 54).
Luật cũng bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước. Quy định buộc phải lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, Luật Bảo vệ môi trường 2020 mở ra cơ hội để tài nguyên như đất, nước, rừng không bị hủy hoại, sử dụng lãng phí.