Xu hướng dựa vào nội lực
Trong bối cảnh những nhân tố thiếu ổn định như dịch bệnh, chiến tranh mang lại những thách thức nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, luật mới của Trung Quốc nhằm hướng tới bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng cường phòng ngừa rủi ro và đối phó với những tình trạng khẩn cấp về lương thực, đồng thời đặt nền tảng cho khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Động thái này nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc trong những năm gần đây về khả năng tự cung, tự cấp dựa trên sản xuất ngũ cốc trong nước, bảo đảm năng lực sản xuất, nhập khẩu lương thực ở mức vừa phải và hỗ trợ công nghệ.
Đối với quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân, an ninh lương thực thực sự là một trong những ưu tiên hàng đầu và là lợi ích cơ bản nhất của Trung Quốc. Ngoài ý nghĩa về phát triển kinh tế và ổn định xã hội, nó còn đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho an ninh quốc gia. Sự kiên định của Trung Quốc trong vấn đề này đã giúp nguồn cung lương thực của đất nước ổn định, với việc thu hoạch ngũ cốc liên tục, đủ lương thực dự trữ và nguồn cung thị trường dồi dào.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia năm 2023, Trung Quốc đạt sản lượng ngũ cốc cao kỷ lục là 695,41 triệu tấn, đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp sản lượng thu hoạch vượt 650 triệu tấn. Giới chức Trung Quốc cho rằng, khả năng này, vốn cho phép Trung Quốc nuôi sống 1/5 dân số thế giới với chỉ 9% diện tích đất canh tác của thế giới, không chỉ đóng vai trò nền tảng cho ổn định kinh tế trong nước, mà còn góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế toàn cầu.
Bảo vệ đất canh tác và giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm
Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu đó, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về cung - cầu ngũ cốc. Với nhu cầu ngũ cốc ngày càng tăng, đất nước gấu trúc đang phải vật lộn với các thách thức nhiều mặt như đất canh tác hạn chế và chất lượng thấp, ngày càng khó khăn trong việc bảo đảm sản lượng ngũ cốc ổn định và cao hơn, trong khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và bất ổn trên thị trường cung cấp lương thực toàn cầu diễn ra với tần suất liên tiếp.
Thực tế, xung đột Nga - Ukraine, điều kiện thời tiết không thuận lợi cùng nhiều yếu tố khác đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và cơ chế hợp tác quốc tế liên quan đến cung cấp lương thực. Từ đó, tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng gia tăng trên toàn thế giới. Theo Báo cáo Toàn cầu về khủng hoảng lương thực do Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ban hành, khoảng 258 triệu người ở 58 quốc gia và vùng lãnh thổ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở mức khủng hoảng hoặc tồi tệ hơn vào năm 2022, tăng từ mức 193 triệu người ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2021. Đây là con số cao nhất trong lịch sử 7 năm của báo cáo. Trong khi đó, mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng lên 22,7%, từ mức 21,3% vào năm 2021, cho thấy xu hướng ngày càng xấu đi của tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu.
Để đối phó với những thách thức trên, Luật An ninh lương thực mới của Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ đất canh tác và tập trung vào các thủ tục chi tiết trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm để bảo đảm an ninh lương thực. Chẳng hạn, giảm thất thoát và lãng phí ngũ cốc được coi là biện pháp quan trọng. Theo FAO, khoảng 14% sản lượng lương thực của thế giới đã bị thất thoát từ khâu sản xuất đến bán lẻ mỗi năm. Vì vậy, luật mới có một chương dành riêng về bảo tồn thực phẩm, nêu ra các yêu cầu nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm trong các quá trình khác nhau, từ sản xuất đến tiêu thụ ngũ cốc.
Đối với tầm quan trọng của việc bảo vệ đất canh tác, luật quy định việc xác định và duy trì các giới hạn đỏ để bảo vệ đất nông nghiệp, đất trồng trọt cơ bản và hệ sinh thái lâu dài cũng như ranh giới phát triển đô thị. Ngoài ra, theo luật, Nhà nước sẽ hạn chế việc chiếm đất nông nghiệp và chuyển đổi đất nông nghiệp sang các hình thức sử dụng đất khác, như rừng và đồng cỏ.
Về sản xuất ngũ cốc, luật nhấn mạnh việc thành lập ngân hàng nguồn gen nông nghiệp quốc gia, cũng như cải thiện hệ thống quốc gia về trồng các giống cây ưu việt. Ngoài ra, luật còn kêu gọi thúc đẩy công nghệ cơ giới hóa và xây dựng năng lực phòng ngừa, giảm nhẹ và cứu trợ thiên tai trong sản xuất ngũ cốc. Chưa hết, các quy định liên quan đến dự trữ ngũ cốc, phân phối, chế biến và ứng phó khẩn cấp cũng được đề cập… Để khuyến khích nông dân trồng trọt, luật thậm chí quy định, Nhà nước phải đưa ra các biện pháp nhằm tăng thu nhập cho họ …
Bằng cách giải quyết những vấn đề trên, Trung Quốc đặt mục tiêu nâng cao khả năng bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao sức chống chịu và phục hồi của đất nước trước những bất ổn của môi trường bên ngoài.
Hơn nữa, vị thế của Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu nành và ngô lớn nhất thế giới, cùng với việc là thị trường lớn cho các mặt hàng nông sản khác, càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới thương mại thực phẩm an toàn và ổn định. Bảo đảm an ninh cho mạng lưới này thực sự là khía cạnh quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực tổng thể của Trung Quốc, cho phép ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn và duy trì chuỗi cung ứng thực phẩm đáng tin cậy.