Luận giải rõ cơ sở khoa học và thực tiễn

Hoàng Tuấn 12/09/2022 09:08

Do các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, đơn vị hành chính hiện nay chưa xét đến khả năng, điều kiện phát triển của từng vùng, miền, nên sau nhiều năm được công nhận, một số đô thị vẫn không đạt tiêu chí về dân số, mức chênh lệch giá trị tiêu chuẩn giữa các loại đô thị còn khá lớn. Vì vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia việc sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn cần luận giải rõ cơ sở khoa học và thực tiễn để phù hợp hơn với thực tế.

Xác định rõ đâu là tiêu chí, tiêu chuẩn

Việc phân loại đô thị hiện nay đang chịu sự điều chỉnh bởi hai Nghị quyết: Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 (Nghị quyết 1210) phân loại đô thị theo các tiêu chí, tiêu chuẩn mang tính kỹ thuật và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 (Nghị quyết 1211) phân loại đơn vị hành chính theo các tiêu chuẩn để phục vụ quản lý hành chính. 

Các tiêu chí của Nghị quyết 1210 được phân thành 59 tiêu chuẩn, trong đó các tiêu chuẩn đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị chiếm tỷ trọng chủ yếu. Có 3 tiêu chí trong Nghị quyết 1210 trùng với Nghị quyết 1211 là cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội, quy mô dân số và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.

Về nhóm tiêu chuẩn cơ cấu và trình độ phát triển KT-XH, Nghị quyết 1210 quy định gồm 6 tiêu chuẩn: cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước, mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất, tỷ lệ hộ nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ lệ tăng dân số hàng năm (bao gồm tăng tự nhiên và tăng cơ học). Nghị quyết 1211 cũng gồm 6 tiêu chuẩn, trong đó có 5 tiêu chuẩn tương tự như trong Nghị quyết 1210.

Luận giải rõ cơ sở khoa học và thực tiễn -0
Làm rõ tiêu chuẩn, tiêu chí

Theo PGS.TS Vũ Thị Vinh, Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, như vậy có cùng nội dung giống nhau nhưng ở Nghị quyết 1210 được xem là tiêu chí, còn trong Nghị quyết 1211 được xem là tiêu chuẩn. Để việc đánh giá, công nhận đơn vị hành chính và phân loại đô thị đảm bảo khoa học, thuận lợi, nên phân định theo hướng các nội dung có tính định tính sẽ được xem là tiêu chí, các nội dung có định lượng được xem là tiêu chuẩn.

TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam cho biết thêm, trước khi có Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Nghị quyết 1211, việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính, nhất là cấp xã còn khá phổ biến. Nghiên cứu Nghị quyết 1211 cho thấy mục đích quy định các tiêu chuẩn là nhằm hạn chế, quản lý chặt chẽ việc chia tách, tránh làm tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp, tăng biên chế, chi phí phục vụ bộ máy.

Do đó, phải luận giải rõ cơ sở khoa học cũng như cơ sở thực tiễn của việc đề xuất giảm tiêu chuẩn về số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận. Cần nhớ lại, việc ban hành Nghị quyết 1211 là để hạn chế chia tách và thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính để thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, TS. Trần Anh Tuấn lưu ý.

Luận giải rõ cơ sở khoa học và thực tiễn -0
Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao

Tiêu chuẩn cần tiệm cận với thực tế

Một trong những vấn đề hiện được nhiều địa phương quan tâm là quy định về tiêu chí quy mô dân số của một số loại đô thị trong Nghị quyết 1210 khá cao. Tốc độ nâng loại đô thị cao hơn tốc độ tăng dân số, nhiều đô thị lại không có điều kiện thu hút luồng dân di cư nên không đạt được tiêu chí này.

Vì vậy, việc sửa đổi Nghị quyết 1210 theo hướng quy định mức áp dụng khác nhau về quy mô dân số, mật độ dân số đối với 6 vùng KT-XH là phù hợp. Tuy nhiên, theo TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc cho phép các tiêu chí này có thể đạt một tỷ lệ tối thiểu nhất định so với mức quy định cần cân nhắc theo từng loại đô thị.

Đơn cử, không nên giảm tiêu chí này đối với đô thị đặc biệt vì vị trí, tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của loại đô thị này. Nếu chỉ cần đạt tỷ lệ tối thiểu với mức quy định, dân số các đô thị đặc biệt sẽ chỉ khoảng 3,6 triệu người - tương đương với dân số của một số tỉnh, tuy nhiên các tỉnh này không thể trở thành đô thị đặc biệt vì còn thiếu rất nhiều các tiêu chuẩn khác.

Luận giải rõ cơ sở khoa học và thực tiễn -0
Không mở rộng đô thị bằng mọi cách

Một nội dung khác có liên quan là khoảng cách về quy mô dân số giữa các loại đô thị còn lớn, chênh lệch từ 1,5 đến 12,5 lần. Với tốc độ tăng dân số trung bình khoảng 1,2%/năm, để đạt được quy mô dân số cho loại đô thị cao hơn cần mất khá nhiều năm nếu không dựa vào sự di dân hay sát nhập địa giới hành chính. Chênh lệch giữa quy mô dân số toàn đô thị và dân số nội thị cũng khá lớn, khoảng 50% làm cho tốc độ đô thị hóa giảm.

Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc mở rộng đô thị bằng cách lấy thêm dân cư vùng phụ cận trong khi các điều kiện về hạ tầng chưa đáp ứng kịp. Điều này không phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước về việc xây dựng mô hình đô thị phân tán.

Vì vậy, cần điều chỉnh tiêu chí phân loại đô thị có tính đến điều kiện vùng, miền. Cơ sở để xây dựng hệ số điều chỉnh là đánh giá tốc độ tăng dân số thực tế của các đô thị đã được công nhận (kể cả tăng dân số tự nhiên, cơ học) và xem xét các đô thị sẽ được công nhận để đưa ra các tiêu chuẩn tiệm cận hơn với thực tế. Bên cạnh hệ số điều chỉnh chung theo vùng miền cũng cần quan tâm đến hệ số điều chỉnh theo từng loại đô thị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Luận giải rõ cơ sở khoa học và thực tiễn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO