Luân chuyển cán bộ thực chất hơn

Hoàng Ngọc thực hiện 15/10/2017 07:38

Chủ trương luân chuyển cán bộ không mới, nhưng Quy định 98 của Bộ Chính trị là quy định đầu tiên về công tác này. Với những quy định cụ thể, chặt chẽ và quy trình 5 bước thực hiện, chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen… đưa việc luân chuyển cán bộ đi vào thực chất hơn. Đây là nhận định của nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định NGUYỄN ANH SƠN khi trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân.

Nhiều trường hợp luân chuyển như tráng men

- Thưa ông, một trong những nội dung được dư luận quan tâm, đánh giá cao trong tuần qua là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 98 - QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ với nhiều quy định cụ thể, chặt chẽ. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về Quy định này?

- Theo tôi, ý nghĩa lớn nhất của Quy định 98 thể hiện ở chỗ, đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.
Điểm hay là trong Quy định này, Bộ Chính trị đã đưa ra những quy định rất cụ thể, phù hợp với thực tiễn luân chuyển cán bộ.

Cần khẳng định, luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng, cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình mới hiện nay. Mục đích luân chuyển cán bộ cũng rất tốt, nhưng thực tế thực hiện công tác này thời gian qua lại cho thấy những bất cập. Chúng ta cần thẳng thắn với nhau rằng, nhiều trường hợp luân chuyển cán bộ về địa phương, cơ sở có tính chất như tráng men, với thời gian rất ngắn 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm, sau đó cán bộ được sắp xếp, đưa lên vị trí cao hơn. Cho nên, dư luận mới nói rằng, luân chuyển cán bộ như thế thì rất hình thức. Cán bộ chưa được tôi luyện, rèn luyện đến độ chín nhất định, thì đã được điều động, bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn. Và việc có những cán bộ sau luân chuyển về đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao (vì vượt quá năng lực bản thân). Hay tiêu cực hơn, có trường hợp cán bộ dùng mối quan hệ thân quen, luồn lách, chạy chọt để được đi luân chuyển, để có vài dòng trong hồ sơ là đã từng làm việc ở cơ sở, ở địa phương, có kinh nghiệm thực tế, rồi nhanh chóng bước lên “bậc thang” mới của chức vụ. Đây không phải phỏng đoán nữa, mà Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ, khái quát bằng cụm từ như “chạy luân chuyển”…

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu tại hội trường
ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu tại hội trường

- Một trong những yêu cầu rất mới và thời sự của Quy định 98 là: “Không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển”. Ông bình luận gì về quy định này?

- Đây là một yêu cầu được tổng hợp, khái quát từ thực tiễn công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua. Chúng ta đã chứng kiến những cán bộ cấp dưới chưa hoàn thành nhiệm vụ, hoặc hoàn thành chưa tốt, có biểu hiện gây mất đoàn kết nội bộ vẫn được điều động đi các cơ quan, đơn vị, địa phương khác, nhưng với vai trò, cương vị mới cao hơn. Từ huyện này đưa sang huyện kia, từ sở đưa xuống huyện, từ huyện đưa lên sở. Rất vô lý. Nếu luân chuyển như thế này thì việc địa phương, đơn vị tiếp nhận cán bộ luân chuyển không phục cũng là dễ hiểu. Những cán bộ như vậy, đáng ra phải ở lại cơ quan, đơn vị để được tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, thể hiện được bản lĩnh, trình độ năng lực, thậm chí nếu có khuyết điểm, vi phạm thì phải bị “giáng chức” xuống. Và nếu chứng minh được năng lực, uy tín của bản thân, sửa chữa được khiếm khuyết thì mới được xem xét đề bạt, cất nhắc hoặc luân chuyển. Nhưng vừa qua, hình như có nơi, có lúc, chúng ta lại làm ngược lại.

Đừng vận dụng xiên xẹo

- Những vấn đề khiến dư luận bất bình là tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen… đã được đề cập trong Quy định 98. Nó chứng tỏ rằng, quyết đáp của Đảng và nhịp đập của cuộc sống ngày càng gần nhau hơn, thưa ông.

- Với những quy định cụ thể, từ thời gian luân chuyển, đối tượng, độ tuổi, các bước thực hiện và diện luân chuyển rộng hơn… chắc chắn Quy định 98 của Bộ Chính trị không những góp phần ngăn chặn những tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ, thân quen… mà còn đưa việc triển khai thực hiện luân chuyển cán bộ đi vào thực chất hơn.

Vì bản chất của luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện để cán bộ được tôi luyện ý chí, năng lực, được đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cũng như tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn. Qua đây cũng sẽ tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược.

- Trong Quy định 98, Bộ Chính trị cũng xác định rõ “5 bước thực hiện” và “thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất là 3 năm”… Những yêu cầu này chuyển đi thông điệp gì, thưa ông?

- Trước đây, chúng ta đã có quy định về các bước luân chuyển cán bộ, song chưa rõ ràng, cụ thể như Quy định 98. Với những quy định rất cụ thể, từ mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, phạm vi, đối tượng... rồi thời gian luân chuyển, nhận xét, đánh giá, và nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển cũng như chế độ, chính sách, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm chắc chắn sẽ tránh cách những cách hiểu sai, vận dụng sai (một cách vô tình hay cố ý).

Theo tôi, thời gian luân chuyển không nên quá ngắn, quy định “ít nhất 3 năm” cũng đủ giúp cán bộ nắm bắt công việc, thực tiễn, thể hiện được trình độ, năng lực. Nhưng nếu được, tôi mong có thể kéo dài thời gian luân chuyển cán bộ là 5 năm, trọn một nhiệm kỳ, như vậy cán bộ vừa chứng minh được năng lực, được rèn luyện vừa có thời gian để chín chắn và trưởng thành hơn.

- Rõ ràng, Quy định 98 có nhiều nội dung mới, hay, được dư luận nhân dân hoan nghênh, đồng tình. Nhưng có lẽ điều mong mỏi và chờ đợi hơn cả là Quy định 98 được thực hiện nghiêm, ngăn chặn những tiêu cực trong công tác luân chuyển cán bộ…

- Trước hết, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải nghiêm túc vận dụng và thực hiện đúng các nội dung nêu trong Quy định 98. Tôi cho rằng, chỉ riêng việc “thực hiện đúng” thôi đã có tác dụng làm chuyển biến tình hình rồi. Đặc biệt, đừng vận dụng xiên xẹo, làm méo mó quy định. Bài học từ vụ việc của Trịnh Xuân Thanh là minh chứng cho việc đã có sự “ăn rơ” với nhau trong luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Khi vụ việc vỡ lở, thì thậm chí quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ đều không đúng, mà do có sự chạy chọt, thân quen… Đây là bài học cần được rút kinh nghiệm sâu sắc. Nó cho thấy rằng, nếu còn bị ràng buộc bởi lợi ích nhóm, bởi quan hệ dòng họ, thân quen… trong thực hiện luân chuyển cán bộ sẽ làm trì trệ đội ngũ cán bộ. Quan điểm của chúng ta là phải sử dụng đúng cán bộ, trọng dụng người có tài đức.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Luân chuyển cán bộ thực chất hơn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO