“Lửa” vẫn âm ỉ ở Doklam
Những thông tin về việc quân đội Trung Quốc xây dựng đồn bốt ở khu vực tranh chấp với Ấn Độ đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nơi đây lại trở thành khu vực nóng như từng xảy ra năm 2017.
Trong một phân tích hình ảnh đăng tải trên ThePrint, Đại tá về hưu của Ấn Độ Vinayak Bhat đã chỉ ra chi tiết hoạt động xây dựng lực lượng dày đặc của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần Doklam - khu vực từng bùng phát đối đầu quân sự giữa hai nước hồi năm ngoái. Theo đó, nhiều đồn bốt, hào lũy, sân đỗ trực thăng, tháp quan sát được Trung Quốc xây dựng chỉ cách bờ hào của phía Ấn Độ chưa đầy 10m. Hầu như trên mọi ngọn đồi của cao nguyên Bắc Doklam đều có đồn lính. Ông Bhat cho rằng, những động thái này cho thấy, quân đội Trung Quốc đang tiếp tục đào sâu, chứ không phải rời khỏi khu vực này.
“Theo ảnh vệ tinh, tất cả những công trình đó đều xuất hiện sau ngày 16.6.2017”, ông Bhat nói, “Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng ở Bắc Doklam, Ấn Độ cần phải phản đối bởi toàn bộ khu vực này đều là vùng tranh chấp”.
Nói về vấn đề này, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Bipin Rawat bày tỏ lo ngại về việc quân Trung Quốc vẫn hiện diện trong khu vực “dù không phải số lượng như chúng tôi thấy ban đầu” và PLA đã “tiến hành một số động thái phát triển hạ tầng, hầu như mang tính chất tạm thời”. Ông Rawat cho rằng đã tới lúc Ấn Độ “chuyển trọng tâm” từ biên giới phía Tây với Pakistan sang biên giới phía Bắc với Trung Quốc.
Trong thông báo ngừng bắn Ấn Độ đưa ra hồi tháng 8 năm ngoái, New Delhi khẳng định cả hai bên đều kiềm chế và rút lui nhưng Trung Quốc chưa bao giờ thực sự xác nhận mình đã rút quân. Thậm chí, ngay cả khi công nhận việc rút quân của Ấn Độ thì Bắc Kinh vẫn nói rằng, quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục “tuần tra” khu vực.
Giờ đây, khi những tranh cãi nổi lên ở Ấn Độ về hành động xây dựng lực lượng của phía Trung Quốc tại biên giới, Bắc Kinh lại một lần nữa khẳng định rằng Doklam thuộc Trung Quốc và những gì Trung Quốc làm ở đó không can hệ tới ai.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng còn cảnh báo Ấn Độ không được phép vượt qua biên giới như lần trước và New Delhi phải “nhớ lấy bài học ấy” để tránh nảy sinh một cuộc đối đầu khác.
Nếu đối đầu bùng phát, tình hình sẽ khó giải quyết hơn rất nhiều bởi “Ấn Độ không thể xử lý bằng cách đưa quân tới như đã làm trước đây”, chuyên gia chiến lược Ajai Shukla nhận định.
“Điều cốt lõi mà người Trung Quốc học được từ vụ đối đầu ở Doklam là họ cần bỏ hình thức tuần tra bằng phương tiện, đồng thời xác lập một sự hiện diện cố định trên đất liền. Và đó chính là điều mà họ đang làm”.
Trong khi đó, Sourabh Gupta, một học giả thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ ở Washington lại cho rằng, sự hiện diện của Trung Quốc là cái giá mà Ấn Độ phải trả cho chiến thắng về mặt chiến thuật hồi năm ngoái.
“Xuống thang căng thẳng được phía Ấn Độ coi là chiến thắng trong nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh. Vì thế, người ta băn khoăn ông Modi thắng lớn tới mức nào khi mà kết cục quân Trung Quốc hiện diện quy mô hơn và cố định ở Doklam, một điều phía Ấn Độ sẽ không phản đối. Sự băn khoăn này khiến người ta lo sợ về mục đích của Trung Quốc ở Doklam”, ông Gupta nói.