Lừa và bò (phần 1)

29/11/2006 00:00

Lừa là một nhà thơ, một kẻ văn vẻ, một loài bép xép. Còn bò, nó chẳng nói gì. Đó là một loài nhai lại, một kẻ trầm tư, một con vật kiệm lời. Nó chẳng nói gì, nhưng nó nghĩ không ít. Nó nghĩ suy và nó nhớ lại. Những hình ảnh xa xưa chập chờn trong đầu nó, nhiều và nặng như hòn đá tảng. Hình ảnh đáng tôn kính nhất là về xứ Ai Cập cổ đại. Hình ảnh của bò Apis. Nó do một con bò cái còn trinh thụ thai nhờ sấm sét sinh ra.

     Nó mang một lưỡi liềm trên trán và một con kền kền trên lưng. Nó giấu một con bọ hung dưới lưỡi. Người ta nuôi nó trong một ngôi đền. Tiếp sau đó, phải chăng một thiên chúa nhỏ đã sinh ra trong chuồng bò, con của một cô gái trẻ và đức Thánh linh, điều đó không có gì là ngạc nhiên đối với loài bò!
      Nó nhớ lại. Nó nghĩ đến thời bò mộng trai trẻ. Giữa đám rước lễ mùa gặt tôn vinh nữ thần Cybela* , nó tiến lên, đầu đội vương miện làm bằng những chùm nho, được các cô gái hái nho trẻ đẹp và các lão thần Silen**  già bụng phệ diêm dúa hộ tống. 

Trang-trong250.jpg

      Nó nhớ lại. Việc cày bừa vất vả mùa thu. Chậm chạp kéo lưỡi cày qua lớp đất nứt nẻ. Người anh em kéo cày cùng vác chung một ách. Chuồng bò nóng hầm hập bốc khói.
Nó mơ đến nàng bò cái. Một nàng bò mẹ tuyệt vời. Chiếc bụng mềm mại. Con bê âu yếm rúc đầu vào nơi suối nguồn quảng đại của sự sống. Những chiếc núm vú hồng tươi căng đầy sữa.
Bò biết tất cả những điều đó, cả cái khối lượng đầy tin cậy và vững chắc của nó đương nhiên có bổn phận phải chăm sóc cho đức Đồng trinh và sự ra đời của đức Chúa con.

Chuyện kể của lừa


      Bộ lông trắng của tôi có lẽ không làm bạn nhầm lẫn được, lừa nói thế. Ngày xưa tôi đen tuyền, với chỉ một ngôi sao sáng giữa mặt, một ngôi sao, dấu hiệu hiển nhiên cho số mệnh của tôi. Bây giờ, nó vẫn luôn ở đó, ngôi sao ấy, nhưng không còn thấy được nữa vì cả bộ cánh của tôi đã trở nên trắng muốt. Như những tinh tú trên bầu trời đêm nhạt nhoà đi trong ánh sáng bình minh. Tuổi tác đã cho cả người tôi cùng một màu với ngôi sao trên trán như thế, chính vì vậy, tôi muốn thấy được một dấu hiệu, một biểu hiện hiển nhiên của phúc lành mình được ban. 
      Vì chăng tôi đã già, rất già, dễ chừng đến độ bốn chục xuân, chuyện không tưởng đối với một con lừa. Có khi chính tôi lại là trưởng lão của loài lừa cũng nên? Đó chắc là một dấu hiệu khác rồi.
Người ta gọi tôi là Kadi Chouia. Điều đó cần phải giải thích. Từ thời tôi còn trẻ, các chủ nhân của tôi không tài nào vô cảm được trước vẻ thông thái đã làm cho tôi khác hẳn những con lừa khác. Trong ánh nhìn của tôi có cái gì đó nghiêm túc và tinh tế gây rất nhiều ấn tượng. Đó là nguồn gốc của cái tên Kadi dành cho tôi, và ai cũng biết rằng ở chỗ chúng tôi “kadi” nghĩa là một quan toà cũng đồng thời là một người sùng đạo, tức là một quý ông vượt trội hai lần về sự thông thái. Tuy nhiên, tôi chắc chắn chỉ là một con lừa, loài vật hèn mọn và bị xử tệ nhất trong muôn loài, và người ta không thể đặt cho tôi cái tên Kadi đáng tôn kính ấy mà không làm méo mó đi một chút bằng một cái tên khác, cái tên hết sức nực cười. Đó là Chouia, có nghĩa là nhỏ nhoi, bé mọn, không đáng kể. Cái tên Kadichouia, “nhà thông thái không biết gì”, thỉnh thoảng được các vị chủ nhân gọi thành Kadi, còn thường xuyên là Chouia, tuỳ vào tính khí mỗi lúc…
      Tôi là một con lừa nghèo khó. Từ lâu tôi vẫn ra vẻ tự hài lòng với hoàn cảnh. Rằng tôi có một láng giềng tâm giao là một anh bạn lừa giàu có. Chủ tôi là một người làm vườn giản dị. Kề bên ruộng của ông là một cơ ngơi bề thế. Một lái buôn từ Jerusalem cùng gia quyến kéo đến đó nghỉ mát trong những tuần nóng nhất mùa hè. Yaoul, con lừa của họ, là một con vật siêu hạng, to gần gấp đôi người tôi, bộ cánh tuyền một màu xám, rất sáng, mịn như lụa. Tốt hơn hết là nhìn nó khi ra khỏi nhà, ăn vận màu mè xanh xanh đỏ đỏ áo da áo lụa, với chiếc yên dệt gấm thêu hoa, cặp bàn đạp đồng to tướng, tất cả đều treo những búp len toòng teng và lục lạc đung đưa leng keng. Tôi chỉ nhận xét về bộ váy cánh lễ lạt nực cười thôi. Chứ tôi nhớ nhất là những nỗi đau mà người ta bắt nó phải hứng chịu từ nhỏ khi muốn biến nó thành một con vật cưỡi thượng lưu. Tôi từng thấy nó máu chảy ròng ròng, vì người ta dùng dao cạo khắc lên da chữ đầu tên ông chủ của nó và câu châm ngôn ưa thích của lão. Tôi từng thấy đôi tai nó bị may hai đầu lại một cách dã man, để cho chúng dựng đứng lên, như cặp sừng, trong khi đôi tai tôi rũ xuống hai bên đầu một cách thảm thương, còn bộ giò nó bị bó chặt bằng những dải băng mỏng nhằm làm cho chúng mảnh khảnh và thẳng hơn những con lừa tầm thường. Con người có thói quen tìm mọi cách làm cho những gì họ yêu thương và tự hào phải đau đớn hơn thay vì là những gì họ ghét bỏ hoặc khinh bỉ. 
      Nhưng Yaoul cũng được hưởng sự bù đắp xứng đáng, và bên trong lòng trắc ẩn mà tôi nghĩ có thể dành cho nó có chứa đựng một niềm ham muốn bí ẩn. Trước tiên là, hàng ngày nó đều được ăn yến mạch và đại mạch trong một cái máng sạch bong. Và trên hết, là có các nàng ngựa cái. Để hiểu rõ chuyện, trước nhất cần biết đến thái độ khinh mạn đến không chịu nổi của bọn ngựa đực đối với họ nhà lừa. Nói chúng nhìn chúng tôi thấp kém là hãy còn quá ít! Thực tế, chúng chẳng thèm nhìn gì đến chúng tôi, chúng tôi có tồn tại thì trong mắt chúng cũng chẳng hơn gì bọn chuột nhắt hay mọt rệp. Về phần các nàng ngựa cái, ô hô thật hay đối với họ nhà lừa, trên cả tuyệt vời, đó là các quý bà cao sang, kiêu kỳ và khó gần. Đúng vậy, ngựa cái là sự tưởng thưởng cao quý và thanh nhã dành cho họ nhà lừa trước bọn ngựa đực khờ khạo, ngốc nghếch. Nhưng làm sao lừa có thể tranh hùng với ngựa ngay trên sân đối phương để mà phỗng tay trên con vật cưng của hắn? Và đó là sự sắp đặt của số phận trong chốn càn khôn xoay vòng, đã dành một sự ưu ái kỳ lạ nhất, khôi hài nhất cho dòng dõi nhà lừa, và tâm điểm của sự ưu ái này mang tên là: con la. Con la là con gì? Đó là một loài vật cưỡi giản dị, chắc chắn và mạnh mẽ (còn rất nhiều phẩm chất khác có thể kể ra như: trầm mặc, chu đáo, cần mẫn, nhưng tôi biết cần phải thận trọng với cái tính bốc phét lắm lời của mình). La, đó là nhà vô địch của những lối mòn cát nắng, của những sườn dốc hiểm trở, của những đoạn lội vượt sông. Bình thản, điềm tĩnh, bền bỉ, nó dấn bước…
      Thế nhưng bí ẩn đằng sau bao nhiêu đức tính đó là gì? Đó là do nó chẳng đếm xỉa gì đến những xáo trộn vì tình cảm yêu đương và những âu lo vì sinh con đẻ cái. Con la không bao giờ có la con. Để tạo ra được con la nhỏ, cần phải có cha lừa và mẹ ngựa. Chính đây là lý do tại sao một số lừa đực được chọn làm “cha của la” (danh hiệu cao quý nhất của cộng đồng nhà lừa chúng tôi) – và Yaoul là một trong số đó – thường có các nàng ngựa làm vợ.
      Tôi không quan tâm lắm tới chuyện giới tính, và nếu tôi có tham vọng thì chúng lại nằm ở những khía cạnh khác. Nhưng thú thật, cái cảnh cứ sáng sáng Yaoul trở về sau kỳ tích cưỡi ngựa, mệt lử và khoan khoái vì sung sướng, khiến cho tôi thấy nghi ngờ rằng cuộc đời này còn có công lý. Sự thật thì cuộc đời chẳng phụ tôi gì mấy. Luôn luôn bị đánh đập, mắng chửi, bẹp dí dưới gánh nặng hơn cả thân mình, được nuôi ăn bằng cây cúc gai – quả là ý tưởng hay khi loài người cho rằng lừa thích ăn cúc gai! Nhưng người ta chỉ một lần, một lần duy nhất cho chúng tôi ăn cỏ ba lá và ngũ cốc để biết được thế nào là khác biệt! – và những giây phút cuối cùng dần đến, cùng với nỗi ám ảnh về bầy quạ, khi ngã quỵ vì đuối sức, chúng tôi nằm trên bờ một hào nước khắc khoải chờ cái chết bi thảm đến kết thúc những đau đớn này! Nỗi ám ảnh về bầy quạ, đúng vậy, vì chúng tôi thấy rõ sự khác nhau giữa kền kền và quạ, khi trải qua những giờ phút cuối cùng. Rằng kền kền, các bạn biết đấy, chỉ tấn công xác chết. Chúng chẳng có gì đáng ngại, chừng nào bạn hãy còn hơi thở của sự sống: bằng cảm nhận huyền bí, chúng chờ đợi từ một khoảng cách lễ độ. Trong khi bọn quạ, bầy quỷ sống, chúng hau háu lao vào người hấp hối, giành giật mổ xẻ, bắt đầu từ cặp mắt... 
      Đây là những chuyện cần phải biết để hiểu được trạng thái tinh thần của tôi, vào những ngày lập đông này, khi cùng chủ đến Bethlem, một ngôi làng lớn vùng Judee. Cả tỉnh đang ở trong tình trạng hết sức lộn xộn vì vừa có một cuộc điều tra dân số do hoàng đế chỉ thị, và mỗi người cùng với gia quyến phải về nơi quê quán để đăng ký. Bethlem chỉ là một thị tứ nằm trên lưng một ngọn đồi với hai bên sườn tô điểm những khoảng sân và khu vườn nho nhỏ có tường rào bằng đá xếp chồng lên nhau. Thường lệ vào mùa xuân, đó là nơi đáng sống, nhưng ở kỳ lập đông trong cái cảnh điều tra dân số cực kỳ lộn xộn này, tôi cay đắng nuối tiếc cái chuồng ở làng Djela, nơi chúng tôi vừa ra đi. Ông chủ tôi khá mừng rỡ khi tìm được một chỗ nghỉ cùng với bà chủ và hai con trong một quán trọ lớn nhộn nhịp như tổ ong. Bên cạnh toà nhà chính là một nhà kho dành để trữ đồ dự phòng. Giữa hai khối nhà, có một lối hẹp chẳng dẫn đi đến đâu, bao quanh là các giàn kèo, phía trên người ta quẳng những bó song mây tạo thành một cái mái kiểu như mái tranh. Dưới chỗ trú ẩn tạm bợ này, người ta dựng một cái máng ăn và trải thảm cỏ dành cho bọn súc vật của khách trọ. Chính ở chỗ này người ta cột tôi chung với một con bò vừa được tháo ách khỏi chiếc xe kéo. Phải thừa nhận với các bạn rằng tôi luôn ghê tởm bọn nhà bò. Dĩ nhiên là bọn này chả có đầu óc, nhưng số phận xui rủi lại muốn ông anh vợ của chủ tôi có một con, và đến mùa cày bừa, hai ông này tương trợ nhau bằng cách ách bọn tôi lại chung một lưỡi cày, bất kể sự nghiêm cấm chính thức của pháp luật. Mà pháp luật thì hành xử chí lý lắm, bởi vì, xin cứ tin tôi, không gì chán bằng làm việc trong một êkíp như thế. Bò có dáng vẻ của nó – chậm chạp –, nhịp điệu của nó – đều đều. Nó kéo bằng sức đằng cổ. Lừa – giống như ngựa – kéo bằng sức đằng mông. Nó vội vã gắng sức, và làm việc dứt khoát mạnh mẽ. Bắt anh làm việc chung với bò, tức là đã cột vào chân anh một trái đạn đại bác, và là vắt kiệt mọi sức lực của anh, trong khi thứ đó anh chẳng giàu có gì mấy!
      Nhưng chuyện buổi tối hôm đó không phải chuyện cày bừa. Khách trọ bị ông chủ quán lèn chặt đến độ lấn sang cả nhà kho. Tôi không nghi ngờ gì chuyện người ta sẽ chẳng để cho chúng tôi yên thân được lâu. Quả thật ngay lập tức một ông và một bà dẫn nhau luồn vào cái chuồng tạm bợ của chúng tôi. Người đàn ông khá đứng tuổi, có vẻ là một nghệ nhân. Vừa bước vào, ông ta đã làm ồn ào cả lên, kể rằng nếu như phải tiến hành điều tra dân số ở Bethlem, thì mình thuộc về dòng dõi hậu duệ đời thứ hai mươi bảy của vua David xứ Bethlem này. Người ta cười vào mũi ông ta. Để tìm được chỗ trú, lẽ ra ông ta nên viện dẫn trạng thái mệt mỏi và đuối sức của người vợ trẻ đang mang thai. Ông ta gom hết rơm trên nền đất và cỏ khô trong các máng cỏ để làm thành một tấm đệm tạm giữa anh chàng bò và tôi để dìu người vợ trẻ nằm xuống.
Dần dần mỗi người đều yên chỗ và tiếng ồn lắng dần. Thỉnh thoảng người vợ trẻ lại rên nhẹ, và chúng tôi biết được người chồng tên là Joseph. Ông hết lời dỗ dành người vợ, và chúng tôi biết nàng tên là Maria. Tôi không biết thời gian trôi qua bao lâu, vì tôi đã thiếp ngủ. Khi tỉnh dậy, tôi nhận ra có một sự thay đổi lớn lao, không chỉ trong cái góc tối tăm chúng tôi đang nằm mà ở khắp nơi, có thể nói cả khắp bầu trời, ngay cả cái mái che đơn sơ trên đầu cũng để lộ ra những khoảng trống lấp lánh. Sự im lặng vĩ đại bao trùm cả trái đất vào cái đêm dài nhất trong năm này, và người ta nói rằng mọi sông suối đều ngưng chảy, còn bầu trời lặng yên tiếng gió để không phá tan cái tĩnh lặng ấy. Trên cây không động một tiếng chim. Không một bước chân cáo trên đồng. Trong đám cỏ chuột thôi kêu lít nhít. Lũ đại bàng và bầy sói, muôn loài có mỏ và có răng nanh, ngừng săn bắt và thức trắng, bụng đói cồn cào còn mắt dán vào bóng đêm. Cả bầy đom đóm và bọn bọ phát sáng cũng tìm cách giấu ngọn đèn đi. Thời gian lắng đọng lại trong cõi trường linh vĩnh cửu. 
      Rồi đột nhiên, trong một khoảnh khắc, sự kiện diệu kỳ đã xảy ra. Cả đất trời rùng mình lan toả một niềm vui sướng không gì cưỡng lại được. Vô số những đôi cánh thiên thần truyền tin rào rào bay đi khắp hướng. Một chòm sao chổi quét qua sáng loà cả mái tranh nơi chúng tôi trú ẩn. Người ta nghe vọng lại tiếng cười lảnh lót pha lê của những con suối nhỏ và giọng cười trầm ấm của những dòng sông lớn. Trong sa mạc Juda, một gợn cát bay rì rào mơn man những bờ cát vàng. Một tràng hoan hô vang lên từ những cánh rừng thông hoà lẫn với tiếng vỗ tay êm ái của bầy cú. Cả thế gian reo mừng hớn hở. 
      Chuyện gì đã xảy ra? Gần như chẳng có gì. Trong bóng tối nóng hầm hập với những rơm cùng rạ, người ta nghe một tiếng khóc nhỏ, tiếng khóc dứt khoát không phải của người chồng cũng chẳng phải của người vợ. Đó là tiếng khóc oa oa của một em bé. Cùng lúc đó một luồng ánh sáng chiếu thẳng xuống giữa chuồng, đại thiên sứ Gabriel, thần hộ mạng của Jesus, kể từ đó xuất hiện và bắt tay vào điều khiển gần như mọi việc. Cánh cửa bên ngoài mau chóng mở ra, một trong những cô hầu gái của quán trọ láng giềng bước vào, bưng bên hông một chậu nước ấm. Không chút ngần ngại, cô quỳ xuống và tắm cho đứa trẻ. Sau đó cô xát muối lên người em bé để da dẻ săn chắc hơn, quấn tã rồi nâng em lên dâng về phía Joseph, ông đỡ lấy và đặt đứa trẻ lên đùi, như biểu hiện của lòng biết ơn nhân từ.

(Còn nữa)

Michel Tournier (Pháp)
Nguyễn Tấn Đại dịch

* Nữ thần Mẹ, truyền thuyết xứ Tiểu Á

** Các vị thần rừng trong thần thoại Hy Lạp

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lừa và bò (phần 1)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO