Hướng đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp

Lựa chọn ứng cử viên thực sự tiêu biểu

- Thứ Sáu, 19/03/2021, 05:30 - Chia sẻ
Thông qua các hội của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, thôn bản, tổ dân phố liên quan trong thời gian bầu cử, Mặt trận tổ quốc (MTTQ) các cấp thăm nắm ý kiến của Nhân dân, cử tri về góp ý với các ứng cử viên. Để phản ánh, tạo điều kiện cho đại biểu tham dự các hội nghị hiệp thương nắm được đầy đủ thông tin, chính xác đối với từng ứng cử viên nhằm thuận tiện cho việc lựa chọn tiếp theo của các hội nghị hiệp thương, bảo đảm khách quan, lựa chọn được những ứng cử viên đưa vào danh sách bầu cử thực sự tiêu biểu, nổi trội.

Vai trò quan trọng 

Để các địa phương tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp rất quan trọng, góp phần quyết định đến chất lượng đại biểu, giúp cử tri lựa chọn được các đại biểu thực sự xuất sắc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình.

Các đại biểu biểu quyết nhất trí danh sách sơ bộ các ứng cử viên ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ảnh: Hoàng Phúc

Khoản 5, Điều 4 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp năm 2015 đã quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp”. Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT–UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTVN, ngày 15.1.2021 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV - Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp triệu tập và chủ trì các hội nghị hiệp thương những người ứng cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trên cơ sở dự kiến cơ cấu ĐBQH được Trung ương phân bổ và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được Thường trực HĐND các cấp thống nhất, các hội nghị hiệp thương của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thống nhất định hướng, phân bổ tỷ lệ những người ứng cử để các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở, thôn bản, tổ dân phố lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp theo tiêu chuẩn đã được quy định tại Điều 7, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015…

Thuận tiện cho việc lựa chọn tiếp theo

Với vai trò quan trọng như vậy, để các hội nghị hiệp thương có chất lượng, xem xét, thống nhất, lựa chọn được những người ứng cử đủ tiêu chuẩn, theo cơ cấu, có đức, có tài, dám nói, dám làm vì người dân, rất cần sự tham gia của toàn thể Nhân dân địa phương thông qua hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đồng thời, thông qua các hội của tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, thôn bản, tổ dân phố có liên quan trong thời gian bầu cử, MTTQ các cấp thăm nắm ý kiến Nhân dân, cử tri về ý kiến góp ý với các ứng cử viên, để chỉ ra những ưu điểm cũng như tồn tại, hạn chế mà các ứng cử viên trong quá trình công tác, lao động, học tập, cũng như thông qua các mối quan hệ xã hội có nhiều việc làm tốt, chưa tốt, chưa gương mẫu. Để phản ánh, tạo điều kiện cho đại biểu tham dự các hội nghị hiệp thương nắm được đầy đủ thông tin, chính xác đối với từng ứng cử viên để thuận tiện cho việc lựa chọn tiếp theo của các hội nghị hiệp thương bảo đảm khách quan, lựa chọn được những ứng cử viên đưa vào danh sách bầu cử thực sự tiêu biểu, nổi trội.

Nhìn lại công tác hiệp thương, lựa chọn các ứng cử viên tham gia đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại những cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp các nhiệm kỳ trước cho thấy, không ít ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp được cơ quan, đơn vị, địa phương, thôn bản, tổ dân phố giới thiệu, kể cả đại biểu dự kiến sẽ tái cử. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri và Nhân dân cho thấy, ứng cử viên dự kiến tiếp tục tham gia đại biểu HĐND dự kiến tái cử, trong hoạt động của khóa trước đó chưa phát huy được trách nhiệm của người đại biểu dân cử; chưa có nhiều việc làm rõ nét để đại diện cho ý chí, nguyện vọng cử tri; chưa hoàn thành trách nhiệm làm cầu nối giữa Nhân dân với các cấp chính quyền địa phương; chưa bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cử tri. Hoạt động đại biểu còn đơn thuần, chưa có tiếng nói tại các hội nghị, kỳ họp. Vì vậy, qua phản ánh của cử tri, những ứng cử viên này đã được đưa ra khỏi danh sánh những người ứng cử.

Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp có vị trí rất quan trọng để làm cầu nối giữa Nhân dân với các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội Khóa XIV về các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, nhằm không ngừng nâng cao cuộc sống của người dân. Vì vậy, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2021 - 2016 có vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với hệ thống chính trị cụ thể hóa các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, để thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đến rất gần, cử tri và mọi người dân đang hướng về cuộc bầu cử và đồng hành với Ủy ban MTTQ các cấp lựa chọn các ứng cử viên sáng giá, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác, dám nói, dám làm, đại diện cho ý chí, nguyện vọng cử tri.

Hà Thị Thiệp - nguyên Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai