“Trước sau gì chúng ta cũng phải phát triển điện hạt nhân để bảo đảm an ninh năng lượng”, PGS. TS. Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, lúc đó đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam, khẳng định. Hơn 2 năm sau, ông tiếp tục đề xuất xem xét tái khởi động phát triển điện hạt nhân.
Theo PGS. TS. Vương Hữu Tấn, để đạt mục tiêu Net Zero năm 2050, Quy hoạch điện VIII đã ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, loại điện này không ổn định và cần có điện nền khác dự phòng. Trong khi đó, tất cả điện từ thủy điện và điện khí vào năm 2050 cũng chỉ đủ cho dự phòng 20% công suất của điện từ năng lượng tái tạo. Như vậy khó bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt cho các ngành công nghệ cao cần nguồn điện ổn định như sản xuất bán dẫn, trung tâm dữ liệu, AI. Do đó, ông cho rằng cần cân nhắc bổ sung điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII để bảo đảm ổn định hệ thống và tính cạnh tranh kinh tế.
Công nghệ và an toàn là yếu tố cốt lõi trong phát triển điện hạt nhân. Thời điểm năm 2022, khi đặt ra vấn đề này với TS. Trần Chí Thành - hiện là Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ông cho biết, trải qua gần 70 năm phát triển, đến nay công nghệ điện hạt nhân đã rất khác so với thời kỳ ban đầu. Các lò thiết kế thế hệ mới đều đáp ứng các yêu cầu khắt khe mới nhất về an toàn (được đưa ra sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản năm 2011). Điện hạt nhân thế hệ mới chủ yếu dựa vào công nghệ lò nước nhẹ tiên tiến thế hệ III+ hoặc lò SMR, tùy điều kiện của từng nước. Công nghệ mới bảo đảm an toàn ở mức độ cao, không ảnh hưởng đến con người và môi trường ngay cả trong trường hợp sự cố - nếu xảy ra, mặc dù xác suất vô cùng thấp.
Cập nhật số liệu vào thời điểm đó, TS. Trần Chí Thành cho biết, đến cuối tháng 3.2022, trên thế giới có 441 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 394.000 MWE; có 51 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 54.000 MWE. Điện hạt nhân vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước (32 nước có điện hạt nhân), và xu thế đang tiếp tục phát triển.
Vào chiều 27.11 vừa qua, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và sẽ xem xét thông qua khi biểu quyết Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8. Đây là bước đi cụ thể tiếp theo, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại Hội nghị ngày 25.11, đã thống nhất cao với chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam và tiếp tục nghiên cứu dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước.
Có thể thấy, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất nhanh chóng vào cuộc để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương. Chuẩn bị để phát triển điện hạt nhân là quá trình lâu dài, do đó, việc sớm có chủ trương của các cấp, trong đó có quyết định của Quốc hội về việc tiếp tục chủ trương đầu tư, là hết sức cần thiết để giữ được nguồn nhân lực và những gì chúng ta đã chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ở giai đoạn trước.
Tiếp sau đây, còn rất nhiều việc phải làm! Có thể kể tới việc xem xét kỹ và lựa chọn đối tác phù hợp để thực hiện các dự án điện hạt nhân; lập cơ quan chuyên trách quản lý Nhà nước với điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, trước hết là sửa Luật Năng lượng nguyên tử; tăng cường năng lực cho chủ đầu tư để quản lý hiệu quả dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và vận hành an toàn nhà máy sau khi hoàn thành; xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu mạnh, đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi về điện hạt nhân để hỗ trợ kỹ thuật cho việc triển khai dự án. Cùng với đó là truyền thông đầy đủ, chính xác về ứng dụng năng lượng nguyên tử cho phát triển kinh tế - xã hội, về lợi ích của điện hạt nhân để tạo sự đồng thuận của công chúng cho chủ trương phát triển điện hạt nhân của Đảng và Nhà nước …
Quyết định tái khởi động chương trình điện hạt nhân là bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn dài hạn trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện cam kết Net Zero. Những bước chuẩn bị tiếp theo cần được thực hiện khẩn trương, kỹ lưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan để đáp ứng yêu cầu cao nhất về bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường và phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.