Quản lý sau cai nghiện ma túy

Lựa chọn phương án nào?

- Thứ Ba, 27/10/2020, 08:57 - Chia sẻ
Thời gian quản lý sau cai nghiện có thể đến 2 năm, theo mô hình khép kín làm mất đi cơ hội hòa nhập cộng đồng của người cai nghiện, đồng thời làm tăng chi phí của Nhà nước, của xã hội, của bản thân và gia đình họ. Chính vì thế, việc bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai nghiện hay sửa đổi, bổ sung hình thức này đang là vấn đề đặt ra trong thực tiễn thi hành pháp luật về phòng, chống ma túy.

Nặng về quản lý!

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2010 - 2015, cả nước đã tổ chức quản lý sau cai nghiện cho 58.873 lượt người, trong đó tại nơi cư trú chiếm 73,5%, tại cơ sở quản lý sau cai chiếm 26,5%, tổ chức dạy văn hóa 22.989 người, dạy nghề cho 42.570 người, hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho 15.292 người. Đến ngày 30.12.2015, cả nước đang quản lý sau cai tại cộng đồng 19.327 người.

Cũng theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến ngày 30.9.2017 chỉ còn 923 người áp dụng biện pháp này. Và đến nay các địa phương không còn quản lý sau cai tại cơ sở quản lý sau cai mà hầu hết tổ chức đưa họ về nơi cư trú để theo dõi, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng - tức là áp dụng Điều 114 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 30, 31 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.  

Đánh giá quá trình tổ chức triển khai biện pháp này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, phần lớn cơ sở quản lý sau cai nghiện nặng về biện pháp quản lý (thường rất khô cứng). Các nội dung về tâm lý - xã hội không đạt mục tiêu: nghề được dạy nghèo nàn, không phù hợp cho họ tìm kiếm việc làm sau này; việc làm ở cơ sở sau cai nghiện thu nhập rất thấp, không ổn định. Trong khi đó, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, văn hóa cải thiện chưa nhiều, sự kết nối với chính quyền, cộng đồng nơi người sau cai nghiện trở về gần như không có… Thực tế, pháp luật quy định quản lý sau cai nghiện từ 1 - 2 năm, nhưng hầu hết địa phương quyết định 2 năm. Và dù kéo dài tối đa (cai và sau cai) đến 4 năm nhưng tỷ lệ tái nghiện vẫn cao.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền cho biết thêm, cái khó và cũng là điểm yếu của biện pháp này là các hoạt động ở nhiều nơi, ngoài việc quản lý, còn thiếu quan tâm, thực hiện không bài bản, không thường xuyên các nội dung chăm sóc sức khỏe, tâm lý và xã hội. Việc huy động cộng đồng quản lý sau cai nghiện thiếu nội dung và phân công phối hợp cụ thể (chính quyền, đoàn thể, các tổ chức), thiếu cán bộ hoặc thiếu trầm trọng cán bộ có kiến thức, năng lực tư vấn… Đặc biệt là thiếu cơ chế hoạt động khả thi và kinh phí cho quản lý sau cai nghiện. Như vậy, do thực hiện không bảo đảm quy trình, nội dung, chất lượng (mới thiên về quản lý) nên đã tự làm “giảm uy tín” quản lý sau cai nghiện. Không nên hoàn toàn “đổ tội” và phủ nhận giá trị của chính sách quản lý sau cai nghiện.

Bãi bỏ hay sửa đổi, bổ sung biện pháp quản lý sau cai nghiện  

Nguồn: ITN 

Nên bỏ hay duy trì?

Điểm a, khoản 3, Điều 12 Nghị định số 94/2009/NĐ-CP quy định: “Người sau cai nghiện tại nơi cư trú được hỗ trợ về tâm lý, xã hội...” nhưng không quy định cụ thể hỗ trợ như thế nào, ai làm. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức dạy nghề “theo khả năng, điều kiện cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp xã”, nhưng cơ sở vật chất, nguồn lực của Ủy ban nhân dân cấp xã khó có thể thực hiện được nhiệm vụ này.

Trái ngược với ý kiến trên, Trưởng phòng Chính sách ma túy, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Phan Đình Thư lại cho rằng, việc đưa người vào cơ sở quản lý sau cai thông qua một quyết định hành chính cá biệt cưỡng chế và hạn chế một số quyền con người, quyền công dân là không đúng thẩm quyền, không phù hợp với Điều 20, Điều 31 Hiến pháp năm 2013.

Ông Thư phân tích, điểm b, khoản 1, Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy quy định “Quản lý tại cơ sở quản lý sau cai đối với người có nguy cơ tái nghiện cao” và Nghị định số 94/2009/NĐ-CP quy định cụ thể các trường hợp có nguy cơ tái nghiện cao. Tuy nhiên, tất cả điều kiện tại Điều 17 Nghị định số 94/2009/NĐ-CP đều không thể là căn cứ để cách ly cộng đồng dài hạn và hạn chế một số quyền con người, trong khi họ chưa có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, biện pháp này không phù hợp Hiến pháp năm 2013, cần phải bãi bỏ biện pháp này.

Thực tế cho thấy, biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú là một biện pháp bắt buộc, giúp người sau cai tham gia các hoạt động xã hội, tiếp tục rèn nhân cách, học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ y tế, hỗ trợ sinh kế bền vững, vì lợi ích của người sau cai nghiện ma túy, gia đình họ và lợi ích chung của cộng đồng.

Tuy nhiên, thời gian quản lý sau cai tại cơ sở quản lý sau cai có thể đến 2 năm, theo mô hình khép kín làm mất đi cơ hội hòa nhập cộng đồng của người sau cai, làm tăng chi phí của Nhà nước, của xã hội, của bản thân và gia đình họ. Chính sách này đã hình thành tâm lý chống đối, bỏ trốn của học viên tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở quản lý sau cai cũng như tâm lý e ngại khi tham gia vào các chương trình can thiệp thân thiện khác.

Ông Lê Đức Hiền cho biết, các nước đều có chương trình sau cai nhưng không dùng từ "quản lý sau cai" mà chương trình phổ biến là "chăm sóc phục hồi sau cai" (Rehabilitation aftercare), được làm bài bản, bao gồm chăm sóc tiếp theo sau khi một người đã hoàn thành một chương trình cai nghiện, giúp họ phát triển các mô hình sống mới, cho phép họ tạo ra những cách mới để đối phó và những thói quen mới hỗ trợ quá trình hồi phục. Có rất nhiều loại chăm sóc sau cai khác nhau được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân, chú trọng các hoạt động tư vấn, quản lý cảm xúc tiêu cực, đào tạo nghề và các hoạt động giải trí…

Phạm Hải